May mắn thoát chết sau nhiều ngày phải chạy thận nhân tạo do tiêm filler

Trước đó, vào ngày 23/4, chị P. đã đến cơ sở thẩm mỹ PLB Beauty & Academy - 681/19 Hậu Giang, phường 11, quận 6, TP HCM để tiêm 3 lọ filler (chất làm đầy) Alisa (50ml/lọ) vào vùng ngực và mặt. Sau khi tiêm, chị P. cảm thấy mệt. Ngày hôm sau chị cảm thấy mệt hơn và khó thở hơn nên đến Bệnh viện quận Bình Tân để theo dõi. Tại đây, bệnh nhân bị tụt huyết áp và đã được chuyển viện khẩn qua Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu lúc 21 giờ ngày 24/4.

Theo BSCK2 Đặng Quý Đức - Phó khoa Nội tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân P. được chuyển đến trong tình trạng nguy kịch, khó thở, oxy máu thấp, huyết áp tụt. Sau cuộc hội chẩn khẩn cấp, các y bác sĩ đã lập ê kíp để can thiệp bằng kỹ thuật ECMO ngay trong đêm do bệnh nhân đã ở tình trạng choáng tim: tim hầu như không co bóp.

“Chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân choáng tim, tổn thương cơ tim sau khi tiêm filler và không loại trừ khả năng là tổn thương này được gây ra do tiêm filler Alisa có lidocaine. Bệnh nhân còn bị tổn thương gan và tổn thương thận cấp. Ngoài việc đặt ECMO cho bệnh nhân, chúng tôi còn cho chạy thận nhân tạo hỗ trợ. Đến ngày thứ 8, bệnh nhân đã ổn định, được rút ECMO, ngưng chạy thận, chức năng gan, thận và tim gần như hồi phục hoàn toàn. Hôm nay, bệnh nhân P. đã hồi phục và được xuất viện”, bác sĩ Đức cho biết.

Nữ bệnh nhân đã thoát khỏi nguy kịch, khỏe mạnh và được xuất viện. Ảnh: Một thế giới
Nữ bệnh nhân đã thoát khỏi nguy kịch, khỏe mạnh và được xuất viện. Ảnh: Một thế giới online

Bác sĩ Trần Hữu Chinh (Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết trường hợp này tai biến thẩm mỹ rất nặng. Trước đây, các biến chứng về thẩm mỹ đã xảy ra rất nhiều và hầu hết trường hợp biến chứng nặng đều tử vong.

“Có thể nói, đây là một trong những bệnh nhân hiếm hoi được cứu sống sau khi gặp biến chứng nặng. Cả ê kíp đều rất vui vì chúng tôi đã cùng nhau cố hết sức để đưa bệnh nhân trở lại cuộc sống, trở về với gia đình”, bác sĩ Chinh nói.

Chia sẻ trước lúc xuất viện, chị P. nói chị biết cơ sở thẩm mỹ qua Facebook, sau đó đến để tiêm filler, nhưng không ngờ làm đẹp ở những cơ sở không phép đã suýt cướp đi sinh mạng chị.

“Lúc vào đây, tôi vẫn nghĩ mình sẽ không qua khỏi. Tôi xin cảm ơn tất cả các bác sĩ đã giành lại sự sống cho tôi. Tôi mong rằng mình sẽ có nhiều cơ hội chia sẻ lời khuyên đến người thân, bạn bè rằng không nên đến làm đẹp ở những cơ sở không tốt như thế”, chị P xúc động.

Liên quan đến người phụ nữ 39 tuổi bị nguy kịch sau khi tiêm filler để làm đẹp ngực và mặt tại cơ sở thẩm mỹ PLB Beauty & Academy nói trên, Sở Y tế TP cho biết đây là cơ sở thẩm mỹ chui, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không đủ điều kiện hoạt động thẩm mỹ.

Chi 60 triệu tiêm filler làm thẳng chân nhưng hậu quả bị biến chứng nặng

Theo chia sẻ của người phụ nữ không may mắn này, vào đầu tháng 4, không tự tin vì đôi chân có khuyết điểm, chị tìm tới một spa ở quận Cầu Giấy để tiêm collagen tươi đệm mô chân được sản xuất ở châu Âu. Tuy nhiên, thực tế tại cơ sở đó, chất được tiêm vào hai bắp chân chị là filler.

Tổng cộng chị được tiêm 3ml vào hai bắp chân với chi phí 60 triệu đồng. “Một ngày sau tiêm, tôi đã cảm thấy đau nhức, hai bắp chân sưng diện rộng, tấy đỏ, không thể nhấc chân đi lại bình thường”, chị kể.

Thấy bất thường, chị tìm đến Bệnh viện Da liễu Trung ương để khám. TS Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - cho hay bệnh nhân đến khám trong tình trạng viêm mô dưới da rất rõ, sưng đỏ dọc theo đường tiêm. Hình ảnh siêu âm cho thấy, bên chân được tiêm 2ml đã có ổ áp xe dọc bắp chân, bên còn lại được tiêm 1ml dần hình thành ổ áp xe.

Ngay lập tức, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, giảm đau. Sau 5 ngày, tổn thương dần trở về bình thường, tuy nhiên bệnh nhân phải tiếp tục theo dõi.

Ngày 6/5, nữ bệnh nhân tới bệnh viện để tiêm thuốc giải HA. Bác sĩ cho hay nếu phát hiện và điều trị muộn, ổ áp xe trên bắp chân bệnh nhân sẽ lan rộng ra các vùng khác, phá hủy chân. Ít nhất bệnh nhân sẽ chịu một vết chích rạch để lại sẹo dài ở chân, gây mất thẩm mỹ.

Chưa kể tổ chức áp xe phá hủy mô, khiến chân bị lồi lõm. Nếu để quá chậm trễ, nguy cơ nhiễm khuẩn huyết, thậm chí tử vong cũng có thể xảy ra.

Bệnh nhân tái khám và được tiêm thuốc giải HA. Ảnh: Viẹtnamnet
Bệnh nhân tái khám và được tiêm thuốc giải HA. Ảnh: Viẹtnamnet

TS Hà cho hay đây là lần đầu tiên ông và đồng nghiệp tiếp nhận điều trị trường hợp tiêm filler làm thẳng chân. “Trong y văn, chúng tôi chưa từng thấy có chỉ định tiêm thẳng chân bằng filler. Đây là trường hợp hi hữu”, TS Hà nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia, về cơ bản để làm thẳng chân không thể bằng thủ thuật tiêm. Thông thường, nếu bắp chân to có thể tiêm các chất botox (làm liệt cơ) để làm thon gọn. Còn bệnh nhân nếu bị cong chân liên quan đến xương thì không thể khắc phục bằng tiêm chất làm đầy.

Nam bác sĩ cũng cảnh báo nếu tiêm chất làm đầy ở những cơ sở không phép, người thực hiện không có kỹ thuật, trước hết vấn đề vô khuẩn không được đảm bảo. Ngoài ra, thực hiện tiêm bằng kim mũi nhọn nguy cơ đi vào các mạch máu, mô không mong muốn.

Bên cạnh đó, chất liệu nếu không đảm bảo thì có thể gặp phải nguy cơ phản ứng bất thường như dị ứng, viêm mô hạt, nhiễm độc. Ngoài ra, tiêm không đúng kỹ thuật sẽ khiến khối lượng tiêm di động sang vị trí khác rất nguy hiểm.

Thời gian gần đây, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Bệnh viện Da liễu Trung ương và nhiều bệnh viện lớn liên tiếp tiếp nhận các trường hợp tai biến sau tiêm filler. Hầu hết các bệnh nhân đều thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ chưa được cấp phép, dùng chất liệu filler trôi nổi, không rõ nguồn gốc…