Thúc đẩy đầu tư nước ngoài
Một góc Nhà máy Samsung Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Phong 1 (tỉnh Bắc Ninh).

Chưa tương xứng với kỳ vọng

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã công bố báo cáo về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, với những nội dung khá toàn diện và rất đáng quan tâm. Trong đó, kết quả nổi bật là khu vực này chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, 28% tổng thu ngân sách nhà nước, hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Theo Chủ tịch VAFIE Nguyễn Mại, khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp liên tục vào tăng trưởng kinh tế, từ 2,1% năm 1989 lên 22,3% năm 2020. Riêng hoạt động xuất khẩu, khu vực đầu tư nước ngoài đã bù đắp cho nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước, tạo ra sự đa dạng sản phẩm theo hướng hiện đại…

Hơn thế, đầu tư nước ngoài lan tỏa, kích đẩy doanh nghiệp thuộc các thành phần khác tăng trưởng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hội nhập. Đến nay, đã có hơn 100 tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới “đổ bộ” vào Việt Nam, đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất, mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, tiêu biểu như các doanh nghiệp Samsung, LG, Toyota, Intel… Hiện, người tiêu dùng quốc tế đã ghi nhận sự hiện diện của một số sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao do doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sản xuất, gồm máy tính, điện thoại thông minh, đồ điện gia dụng.

Song, hoạt động đầu tư nước ngoài cũng bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế, thậm chí chưa tương xứng với kỳ vọng. Theo Phó Chủ tịch VAFIE Nguyễn Văn Toàn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa thể hiện được sự đóng góp dù có lợi thế về quy mô vốn và những ưu đãi được hưởng. Số lượng dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ, châu Âu chỉ chiếm 5% trong khi công nghệ trung bình chiếm 80% và công nghệ lạc hậu chiếm 15%. Không ít nhà đầu tư chủ định tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ, mặt bằng và ưu đãi để đầu tư vào Việt Nam. Sự liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và đơn vị trong nước cũng rất hạn chế, dẫn đến sự chậm trễ trong chuyển giao công nghệ và hội nhập chuỗi cung ứng quốc tế. Bên cạnh đó, một số dự án còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, gây bức xúc đối với cộng đồng.

Chủ động thay đổi, nâng cao chất lượng

Để nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã xác định một số biện pháp quan trọng để “gạn đục, khơi trong” trong lĩnh vực này, tăng sức cạnh tranh trên bình diện quốc tế. Chia sẻ quan điểm nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài theo hướng bảo đảm cả số lượng và chất lượng, Phó Chủ tịch VAFIE Nguyễn Văn Toàn cho rằng, cần nhìn thẳng vào thực tế, tìm cách lý giải và khắc phục hạn chế. Đơn cử, năm 2020, Mỹ đầu tư 34,7 tỷ USD vào Đông Nam Á, nhưng trong đó chỉ có 360 triệu USD đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phan Hữu Thắng bổ sung, thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài còn chưa theo kịp yêu cầu phát triển.

Như vậy, dư địa cho cải cách, nâng cao chất lượng quản lý và hiệu quả đầu tư nước ngoài vẫn còn và là cơ hội để khắc phục tồn tại. Liên quan đến yêu cầu này, các chuyên gia cho rằng, cần đưa hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài vào hoạt động thông suốt, đẩy mạnh trao đổi thông tin, tham vấn trên phạm vi toàn quốc. Xác định ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy liên kết và lan tỏa, khuyến khích xây dựng trung tâm nghiên cứu - phát triển của các tập đoàn nắm giữ công nghệ nguồn; đổi mới, đa dạng hóa hình thức xúc tiến đầu tư.

Quan điểm không thu hút đầu tư bằng mọi giá và chủ động nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư nước ngoài ngày càng được khẳng định, là mục tiêu xuyên suốt của Việt Nam. Đặc biệt, dự thảo Đề án chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được hoàn thiện để trình Chính phủ, trong đó có bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dự án đầu tư nước ngoài - là công cụ hữu hiệu, góp phần nâng cao chất lượng khu vực kinh tế này của Việt Nam.

Dẫn lại việc từ chối một dự án dệt nhuộm 300 triệu USD để phòng tránh ô nhiễm môi trường, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Xuân Phương nhấn mạnh, sự tỉnh táo và kiên quyết của chính quyền địa phương cũng là một yêu cầu thường xuyên, nhằm bảo đảm chọn lọc dự án xứng đáng.

Từ góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam Nguyễn Hải Minh cho rằng, nhà đầu tư vẫn nhìn nhận Việt Nam là điểm sáng với nhiều tiềm năng, cơ hội; trước mắt là về dự án đầu tư mới, mở rộng hoặc tăng vốn. Nếu không đẩy nhanh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài, có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội tốt.