Nhiều lợi ích

Trong Thông tư 17/2022/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 12/2020/TT-BGTVT về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, sẽ có hiệu lực từ ngày 15/9/2022, có quy định rõ về việc các doanh nghiệp vận tải, bến xe được phép sử dụng thêm lệnh vận chuyển điện tử, bên cạnh lệnh vận chuyển giấy như trước đây.

Lệnh vận chuyển là giấy tờ chứng minh việc các cơ quan có liên quan, đặc biệt là bến xe đã kiểm tra theo quy định và cho phép xe xuất bến.

Mới đâym tại toạ đàm “Quy định mới về lệnh vận chuyển với xe khách” do Báo Giao thông tổ chức, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết: Trước đây, đối với lệnh vận chuyển giấy, doanh nghiệp phải lưu giữ cả xấp giấy vừa gây tốn kém chi phí in ấn, photo tài liệu vừa bất tiện cho lái xe, doanh nghiệp vận tải.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động vận tải
Lệnh vận chuyển điện tử đem đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, bến xe, cơ quan quản lý. (Ảnh minh hoạ)

Trong giai đoạn trước mắt vẫn để tồn tại song song cả lệnh vận chuyển điện tử và giấy, doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng 2 hình thức. Lệnh vận chuyển giấy để phục vụ những bến xe ở vùng sâu vùng xa, còn gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi số.

Về nội dung, thông tin trong lệnh vận chuyển giấy và lệnh vận chuyển điện tử tương đồng nhau, chỉ khác về cách thức quản lý thông tin của lệnh vận chuyển điện tử thông qua phần mềm, ứng dụng công nghệ. Lệnh vận chuyển điện tử cũng cho phép truyền dữ liệu về doanh nghiệp vận tải, đơn vị quản lý bến xe, cơ quan quản lý Nhà nước.

Việc áp dụng quy định về lệnh vận chuyển điện tử sẽ đem đến nhiều lợi ích trong việc quản lý, giám sát, kiểm tra và nâng cao hiệu quả các hoạt động GTVT, đồng thời đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử. Một trong những lợi ích có thể thấy được là việc áp dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải sẽ góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, theo ý kiến của ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội.

Còn đối với tình trạng bến cóc, xe dù, bà Hiền cho rằng, lệnh điện tử không phải “chìa khoá” duy nhất để giải quyết triệt để vấn nạn này mà cần phối hợp đồng bộ với các yếu tố khác như sự tuân thủ của doanh nghiệp, việc chuyển đổi số, giám sát hành trình, thanh tra kiểm tra…

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống dữ liệu quốc gia về hoạt động vận tải

Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện đang xây dựng phần mềm quản lý vận tải đối với hoạt động vận chuyển hành khách tuyến cố định, xe buýt, taxi, hình thành một hệ thống dữ liệu quốc gia về hoạt động vận tải. Theo đó, lực lượng cảnh sát giao thông, cơ quan thuế, hải quan, thanh tra, Sở GTVT đều có thể truy cập được, trích xuất các dữ liệu cần thiết phục vụ mục đích quản lý.

Đáng nói, quy định về lệnh điện tử cũng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải.

Đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra, ông Trịnh Văn Tùng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ GTVT, cho biết: Trước đây khi lực lượng thanh tra giao thông phải kiểm tra rất nhiều hồ sơ, nhưng khi áp dụng chuyển đổi số thì chỉ cần dùng bàn phím gõ 1 thông tin về 1 phương tiện này, trong tháng này hoạt động ở đâu, tuyến nào sẽ có kết quả ngay và chính xác.

Đồng thời, tình trạng tình trạng doanh nghiệp hoặc phương tiện sử dụng lệnh vận chuyển không đúng quy định, thậm chí lệnh vận chuyển giả sẽ khó xảy ra hơn.

Bên cạnh đó, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết Tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, cũng khẳng định: “Khi thực hiện kiểm tra, lực lượng chức năng chỉ cần quét theo mã QR code sẽ hiện lên địa chỉ truy cập về lệnh xuất bến có chính xác hay không, rất tiện lợi trong việc xử lý vi phạm”. Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm soát từ hệ thống dữ liệu của Tổng cục.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Quả thực, công cuộc chuyển đổi số trong hoạt động GTVT là xu hướng tất yếu và cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch đã phần nào cho thấy sự quan trọng của việc áp dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải, thay cho các công cụ truyền thống như vé giấy, lệnh giấy,…

Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động vận tải
Hướng tới hoàn thiện hệ thống dữ liệu quốc gia về hoạt động vận tải. (Ảnh minh hoạ)

Đối với các bến xe, thực hiện chuyển đổi số mang lại thuận lợi cho người lao động, giảm thiểu sức lao động. Còn với các doanh nghiệp vận tải sẽ giúp giảm thiểu công sức đi lại cho tài xế bởi có thể gửi thông qua mạng, email, zalo. Thậm chí những trường hợp lái xe không cẩn thận làm mất lệnh vận chuyển giấy thì tình trạng này sẽ ít xảy ra hơn với lệnh điện tử.

Thông qua một khảo sát vào cuối năm 2021 về đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động vận tải và khảo sát tình hình thực hiện chuyển đổi số trong các đơn vị vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết đã có trên 500 doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn gặp khó khăn bởi việc chuyển đổi số không chỉ riêng doanh nghiệp vận tải có thể độc lập triển khai mà phải có sự đồng bộ với việc triển khai ở các bến xe và tiếp nhận thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước.

Đồng tình, ông Nguyễn Công Bằng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội, chỉ ra việc chuyển đổi số còn rất nhiều vướng mắc, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ lẻ. Doanh nghiệp lớn chiếm 30% thị phần hiện đã chuyển đổi số, còn 70% còn lại cần có sự hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước.

Trong nhiều khó khăn có thể kể ra, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ và đào tạo con người có thể là những bài toán rất khó đối với các doanh nghiệp ở vùng sâu xa và doanh nghiệp nhỏ.

Theo bà Hiền, việc hỗ trợ thực tế bằng tài chính sẽ khó khăn nhưng Nhà nước có hỗ trợ về cơ chế chính sách như xây dựng lộ trình phù hợp cho các doanh nghiệp.

Đơn cử, chính sách hiện nay đang cho phép thực hiện song song cả lệnh điện tử và lệnh giấy, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi dần, phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp, không ép doanh nghiệp ngay lập tức chuyển đổi số, tránh lãng phí.