Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa ký Quyết định số 404/QĐ – UBQLV phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Theo đó, năm 2021, Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải đạt doanh thu 1.600 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là âm 700 tỷ đồng; nộp ngân sách 150 tỷ đồng.
Doanh thu này đã được loại trừ các yếu tố khách quan, bao gồm: ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; ảnh hưởng của chất lượng, năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt và việc triển khai thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đường sắt tuyến Hà Nội – Tp.HCM; ảnh hưởng của các cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đường sắt.
Cũng trong năm 2021, Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam với số lao động bình quân 6.984 người (không bao gồm người quản lý) được yêu cầu không đầu tư quá 20 tỷ đồng.
|
Thua lỗ kỷ lục, Tổng Công ty Đường sắt chỉ được đầu tư không quá 20 tỷ đồng trong năm 2021 |
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện kiểm tra, giám sát đặc biệt đối với các đơn vị thành viên có kết quả kinh doanh lỗ, các đơn vị có dấu hiệu mất an toàn tài chính; xây dựng, đề xuất giải pháp tái cơ cấu các đơn vị không đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Đại diện chủ sở hữu yêu cầu HĐTV, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không bố trí vốn chuẩn bị đầu tư đối với dự án đầu tư đầu máy trong năm 2021.
Năm 2020, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt doanh thu khoảng 2.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là âm 168,4 tỷ đồng; không có nợ phải trả quá hạn, khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1; kế hoạch vốn tối đa không quá 77 tỷ đồng; nộp ngân sách 220 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phải ghi nhận khoản thua lỗ kỷ lục lên tới 1.300 tỷ đồng, tương đương với 42,2% vốn điều lệ. Doanh thu vận tải 6 tháng đầu năm 2021 toàn Tổng công ty chỉ đạt 77,8% cùng kỳ năm 2020 và giảm sâu chỉ bằng 54,4% so với năm 2019 khi chưa có Covid-19.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Công ty mẹ lỗ 180 tỷ đồng, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội lỗ 130 tỷ đồng, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn lỗ 150 tỷ đồng. Tình hình càng trở lên đặc biệt khó khăn khi trong quý III/2021, vận tải hành khách toàn Tổng công ty gần như tê liệt khi hầu hết các địa phương lớn trong cả nước vẫn đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Hồi tháng 6 vừa qua, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, mặc dù VNR đang thực hiện các giải pháp như siết chặt quản trị, giảm chi phí, bao gồm giảm lương trong điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn hiện nay, nhưng năm 2020, Tổng công ty đã lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, dự kiến năm 2021 lỗ thêm 942 tỷ đồng.
Do đó, đơn vị kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp triển khai gói hỗ trợ khẩn cấp bao gồm cấp hạn mức tín dụng 800 tỷ đồng vay ưu đãi không tính lãi để bổ sung cho nguồn vốn lưu động, đồng thời đề nghị có chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động của Tổng công ty đang bị mất và thiếu việc làm.
Ngoài ra, VNR cũng đề xuất giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư cho năm 2021 và các năm tiếp theo; miễn, giảm, giãn thời gian thu tiền thuê sử dụng đất cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong năm 2021.
https://thuonghieuvaphapluat.vn/thua-lo-ky-luc-tong-cty-duong-sat-chi-duoc-dau-tu-khong-qua-20-ty-dong-trong-nam-2021-d46709.html