Diễn biến phiên giao dịch ngày 28/1.
Diễn biến phiên giao dịch ngày 28/1.

VN-Index kết phiên tăng 8,2 điểm, tương đương 0,56%, lên 1.478,96 điểm. Tính chung cả năm Tân Sửu, mức tăng lên đến 33%.

HNX cũng kết phiên trong sắc xanh với mức tăng 5,46 điểm, tương ứng 1,33% và đạt 416,73 điểm. Sàn có 130 mã tăng và 88 mã giảm giá.

UPCoM-Index cũng quay đầu tăng giá khi gần kết phiên để đóng cửa ở mức 109,69 điểm, tăng gần 1 điểm, tương ứng 0,88% so với hôm qua. Sàn có 223 mã tăng và 192 mã giảm.

Ở nhóm ngân hàng, "ông lớn" VCB giảm khá mạnh 2,2%, bên cạnh đó, ACB giảm 1%, MSB giảm 0,37%, CTG đứng giá tham chiếu; các cổ phiếu còn lại trên sàn HoSE đều tăng điểm, trong đó VPB tăng 3,39%, MBB tăng 2,12%, TPB tăng 4,35%, SHB tăng 2,74%, EIB tăng 6,09%, LPB tăng 2,04%...

Cổ phiếu chứng khoán giao dịch rất tích cực khi SSI tăng 3,8%, VND tăng 6,15%, VCI tăng 1,63%, HCM tăng 3,19%, FTS tăng 2,37%, BSI tăng kịch trần.

Cổ phiếu bất động sản cũng diễn biến khả quan. VIC tăng 0,52%, NVL tăng 1,14%, BCM tăng 2,33%, VRE tăng 2,19%, PDR tăng 3,77%, KBC tăng 2,29%, SZC tăng 3,62%, FLC tăng kịch trần... Sắc đỏ hiện lên ở một số cổ phiếu như VHM, KDH, DXG... Trong khi đó, DIG và HBC giảm kịch sàn.

Nhóm sản xuất đa phần biến động trong biên độ hẹp, trong đó HPG tăng 0,12%, MSN tăng 0,7%, GVR tăng 1,63%, SAB giảm 0,07%...

Nhóm năng lượng phân hóa khi GAS giảm 2,5%, PLX giảm 1,58% còn POW lại tăng 2,44%.

Sắc xanh bao phủ nhóm hàng không và bán lẻ khi VJC và HVN tăng lần lượt 0,66% và 1,25%, MWG tăng 0,76% trong khi PNJ tăng 2,97%.

Toàn sàn HoSE có 307 mã tăng giá, 55 mã đứng giá tham chiếu và 129 mã giảm giá. Thanh khoản ở mức thấp, chỉ đạt 20.661 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu có tác động tích cực nhất lên thị trường phiên hôm nay là VPB, FPT, TCB sau thông tin tích cực về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp năm 2021 vừa qua.

Sau đợt điều chỉnh mạnh vừa qua, dòng tiền chảy vào cổ phiếu bất động sản và công nghiệp có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhà đầu tư trong nước tập trung mua các cổ phiếu tài chính - ngân hàng để đón sóng triển vọng kinh doanh sắp tới. Các cổ phiếu bất động sản như DIG, HBC... hôm nay tiếp tục nằm sàn trong khi nhóm ngân hàng hầu hết ghi nhận tăng giá, trừ VCB của Vietcombank giảm 2,2% và là mã có tác động tiêu cực nhất khi làm mất gần 2,5 điểm của thị trường chung. Ba mã đứng đầu về giá trị giao dịch hôm nay đều thuộc nhóm ngân hàng, lần lượt là VPB, MBB và STB. Đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng chủ yếu đến từ thông tin về khoản lợi nhuận khổng lồ của các ngân hàng quý IV/2021 vừa qua.

Nhóm cổ phiếu dầu khí chìm trong sắc đỏ phiên hôm nay. Cổ phiếu GAS giảm 2,5%, một số mã có vốn hóa nhỏ hơn như PVC, PVD, PXM, PXS, PVT... giảm sàn, nhiều mã khác cũng giảm 5-7%.

Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán bứt phá trở lại trước phiên "chốt sổ" cuối năm sau nhiều phiên giảm liên tục từ đầu năm 2022. Dẫn đầu là VND của VNDirect tăng 6,2%, MBS tăng 3,5%, SSI tăng 3,8% hay HCM tăng 3,2%...

Nhóm cổ phiếu đầu cơ có phiên giao dịch khởi sắc, trong đó đáng chú ý là FLC hôm nay đã "dậy sóng". FLC chuyển từ giảm sâu thành tăng trần lên 11.100 đồng, cuối phiên dư mua trần gần 10 triệu cổ phiếu. Phiên hôm nay cũng ghi nhận hơn 23 triệu cổ phiếu FLC được sang tay. Cổ phiếu "họ F" cũng hút mạnh dòng tiền. ROS tăng 4,4%, ngắt mạch giảm hết biên độ bốn phiên trước đó. ART, HAI, AMD đóng cửa với mức tăng 3,8-5,3% dù trước đó tiệm cận giá sàn.

Thanh khoản thị trường hôm nay đạt trên 20.600 tỷ đồng, tăng hơn 3.600 tỷ đồng so với phiên hôm qua. Phiên hôm qua (27/1) thanh khoản thị trường chỉ đạt 17.000 tỷ đồng - mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua khi nhiều nhà đầu tư trong nước "kích hoạt" tâm lý nghỉ Tết. Hôm nay, dòng tiền đổ mạnh nhất vào rổ VN30 với hơn 9.000 tỷ đồng, trong khi đó sàn HNX ghi nhận hơn 1.900 tỷ đồng còn UPCoM ghi nhận đạt 1.470 tỷ đồng, đều tăng so với phiên hôm trước.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay tiếp tục mua ròng khi giải ngân 2.700 tỷ đồng và chỉ bán ra 2.350 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng thứ 4 liên tiếp của thị trường chứng khoán. EIB và ACB được nhà đầu tư nước ngoài giao dịch nhiều nhất, tiếp đến là VRE. Ngược lại, HPG bị khối ngoại xả mạnh nhất. Trong số các mã chứng khoán bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong năm 2021 vừa qua, HPG cũng dẫn đầu với giá trị bán ròng lên tới 18.925 tỷ đồng.