Diễn biến phiên giao dịch thị trường chứng khoán ngày 27/9
Diễn biến phiên giao dịch thị trường chứng khoán ngày 27/9

Kết phiên thúc phiên giao dịch ngày 27/9, VN-Index giảm 7,81 điểm xuống 1.166,54 điểm; toàn sàn có 181 mã tăng, 261 mã giảm và 86 mã đứng giá. HNX- Index giảm 0,16 điểm xuống 255,52 điểm; toàn sàn có 80 mã tăng, 91 mã giảm và 49 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,03 điểm xuống 86,71 điểm; toàn sàn có 153 mã tăng, 125 mã giảm và 57 mã đứng giá.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán, lực cung có xu hướng chững lại, các cổ phiếu qua đó cũng phục hồi tăng điểm trở lại, tuy nhiên lực cầu tham gia không quá ấn tượng, các cổ phiếu qua đó cũng không có nhiều động lực để bứt phá tăng mạnh. Đà tăng của các cổ phiếu như VCI, SSI, VND, HCM, FTS, VDS,… chỉ dao động trong ngưỡng từ 0,3-1%, tác động không quá đáng kể đến thị trường.

Nhóm ngành bất động sản, xây dựng, khu công nghiệp vẫn tiếp tục ghi nhận đà giảm khá tiêu cực. Cùng với nhóm bán lẻ với nhiều cổ phiếu có thị giá và vốn hóa lớn như MWG, PET, DGW, VNM, FRT cũng giảm khá sâu từ 1,3-4,5%, càng tạo áp lực đè nặng lên thị trường chung.

Trong khi đó nhóm ngành năng lượng lại cho thấy những diễn biến trái ngược nhau. Với nhóm dầu khí, các cổ phiếu chịu áp lực điều chỉnh giảm trong bối cảnh giá dầu thế giới và giá khí tự nhiên tiếp tục sụt giảm mạnh trong hôm qua. PLX, PVS, PVC, BSR, OIL, GAS là những cổ phiếu giảm điểm với mức giảm từ 0,5-2%, thậm chí PVD và PVB lần lượt giảm sát sàn và kịch sàn.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng đều kết phiên trong sắc xanh, nổi bật như BID, TCB, MBB, HDB, ACB, SHB, LPB, VIB, EIB với mức tăng từ 0,5-3%, ngược lại thì VCB, CTG, VPB, MSB là số ít cổ phiếu giảm điểm.

Khối ngoại đã bán ròng mạnh liên tục từ trước khi FED tăng lãi suất và Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng phản ứng tương tự (ngày 22/9). Kể từ đầu tháng 9 tới nay thị trường có 16 phiên giao dịch thì khối ngoại bán ròng trong 12 phiên. Thống kê riêng với HoSE, khối này trong tháng 9 đã rút ròng tổng hợp 3.081 tỷ đồng.

Tại thị trường thế giới, chốt phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,1% xuống còn 29.260,81 điểm. Như vậy, chỉ số này đã giảm khoảng 20,5% so với mức cao nhất ghi nhận ngày 4/1. Chỉ số S&P 500 mất 1,03% và đóng cửa ở mức 3.655,04 điểm.

Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,6% xuống còn 10.802,92 điểm. Trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500, có tới 10 lĩnh vực đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó dẫn đầu là bất động sản và năng lượng với mức giảm lần lượt 2,63% và 2,57%. Riêng mặt hàng tiêu dùng chủ lực tăng 0,01%.

Việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ khiến giới đầu tư ngày càng lo ngại nền kinh tế đầu tàu thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái. Ông Michael Landsberg, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản tư nhân Landsberg Bennett nhận định một số nhà đầu tư đã lạc quan quá mức khi cho rằng FED đã hoàn tất việc tăng lãi suất và có thể chuyển sang giai đoạn cắt giảm.

Tuy nhiên, giờ đây, mọi người đã nhận ra rằng điều này sẽ không nhanh chóng kết thúc. Nhiều nhà đầu tư hiện đang tìm kiếm một số lối thoát và định vị lại danh mục đầu tư để tránh rủi ro.

Trong khi đó, giá dầu thế giới đi xuống trong phiên 26/9 dưới sức ép từ đồng USD mạnh. Cụ thể, trên thị trường New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 11/2022 giảm 2,03 USD, hay 2,6%, xuống 76,71 USD/thùng. Tại London, giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn giảm 2,09 USD, hay 2,4%, xuống 84,06 USD/thùng.

Giá dầu giảm trong bối cảnh đồng USD duy trì động lực lên giá sau khi FED tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, dao động trong biên độ từ 3,0-3,25%. Chỉ số USD (đo giá trị của đồng tiền này so với 6 đồng tiền mạnh khác) tăng 0,81%, lên 114,103 vào cuối phiên này, sau khi tăng 1,65% trong phiên trước.