Tập đoàn DOJI là gì?

Tập đoàn DOJI là tập đoàn chuyên về lĩnh vực: Khai thác, chế tác đá quý; Sản xuất trang sức; Kinh doanh vàng miếng; Xuất nhập khẩu vàng. Bên cạnh đó Tập đoàn DOJI còn đầu tư vào ngân hàng TP Bank và tham gia vào lĩnh vực Bất động sản, Dịch vụ nhà hàng. Năm 2020, Tập đoàn DOJI xếp vị trí thứ 3 trong tổng số 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam theo xếp hạng của VNR500.

DOJI hình thành và phát triển như thế nào?

Tập đoàn DOJI thành lập vào năm 1994 bởi Ông Đỗ Minh Phú (CT HĐQT DOJI hiện nay) dưới tên gọi Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD, doanh nghiệp chuyên về đá quý.

Trong 2 năm 2007- 2008, DOJI đã có những sự thay đổi mạnh mẽ, tạo tiền đề cho sự phát triển của công ty sau này: Công ty chuyển đổi thành công ty cổ phần và đổi tên thành Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý và Thương mại DOJI; xây dựng trung tâm thương mại đầu tiên chuyên về vàng bạc đá quý, DOJI Plaza tại Hà Nội; phân chia làm 6 công ty thành viên, thâu tóm những công ty như SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng, Công ty CP Đá quý và vàng Yên Bái.

Chỉ trong vòng 5 năm 2006-2011, doanh thu của tập đoàn từ 60 tỷ lên 30.000 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu của DOJI là 90.000 tỷ đồng và ở trong TOP 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Tháng 4/2020, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI chính thức tiếp quản Công ty Thế giới Kim Cương – Top 3 doanh nghiệp Bán lẻ Trang sức lớn nhất Việt Nam.

Tập đoàn DOJI là gì? DOJI Group kinh doanh lĩnh vực gì, quy mô và tầm ảnh hưởng ra sao?
Cửa hàng thế giới kim cương của DOJI

Đến năm 2021, Tập đoàn DOJI đã có 15 Công ty thành viên hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ – Con, 5 Công ty liên kết góp vốn và hàng trăm đại lý, trung tâm bán hàng trên toàn quốc. Vốn chủ sở hữu của Tập đoàn là 6.000 tỉ đồng với tổng tài sản là 15.000 tỉ đồng và tổng số lao động là gần 3.000 cán bộ nhân viên.

Bởi những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển cũng như những đóng góp cho đất nước, DOJI đã vinh dự nhận được Huân chương Lao động Hạng Nhất (năm 2019), Huân chương Lao động Hạng Nhì (năm 2014), Huân chương Lao động Hạng Ba (2011) do Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trao tặng.

Danh sách 15 công ty thành viên của DOJI:

Công ty TNHH Thế Giới Kim Cương.

Công ty CP Thế giới Kim Cương TGKC.

Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản DOJILAND.

Công ty CP VBĐQ SJC Hà Nội.

Công ty CP VBĐQ SJC Đà Nẵng.

Công ty TNHH Bất động sản Blue Star.

Công ty CP Khu du lịch Sinh thái Tam Đảo.

Công ty TNHH Xây lắp và Kỹ thuật Phúc Thịnh.

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Bông Sen Đỏ.

Công ty TNHH Đầu tư Thương mại DOJI.

Công ty cổ phần đá quý và vàng Yên Bái.

Công ty cổ phần Ngoại thương và phát triển đầu tư địa ốc Châu Lục.

Công ty CP XNK Văn hóa phẩm.

Công ty CP TM Hải Phòng Plaza.

Công ty CP TNHH Blue Hope

Bộ máy lãnh đạo của DOJI gồm những ai?

Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, giai đoạn 1994 – 2018, Ông Đỗ Minh Đức - Phó Chủ Tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Bà Đỗ Vũ Phương Anh - Phó Chủ Tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc.

Ông Đỗ Minh Phú là ai?

Tập đoàn DOJI là gì? DOJI Group kinh doanh lĩnh vực gì, quy mô và tầm ảnh hưởng ra sao?
Ông Đỗ Minh Phú.

Đỗ Minh Phú sinh năm 1953, trong một gia đình có truyền thống kinh doanh tại Yên Bái. Sau khi tốt nghiệp ngành Cử nhân Vô tuyến điện tử - Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Phú trở thành cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Viễn thám, Viện Khoa học Việt Nam.

Năm 1988-1989, Ông Phú được tin tưởng giao cho làm Tổng Giám đốc một công ty liên doanh Việt Nam - Thái Lan, nghiên cứu về công nghệ xử lý đá quý. Cơ duyên với đá quý của ông bắt đầu từ đây. Năm 1990, ông được tiến cử làm Tổng giám đốc công ty liên doanh đá quý VIGEMTECH.

Sau khi có kinh nghiệm và nắm giữ công nghệ xử lý đá quý của Việt Nam, năm 1994, ông Phú thành lập Công ty TNHH Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD (TTD). TDD là doanh nghiệp tiên phong trong hoạt động chuyên sâu về khai thác đá quý, chế tác cắt mài và xuất khẩu đá quý Việt Nam ra thị trường quốc tế - tiền thân của Tập đoàn Doji sau này.

Ông Đỗ Minh Phú có 2 người con, con cả là Đỗ Vũ Phương Anh còn người con thứ là Đỗ Minh Đức. Cả 2 đều đang gắn bó với sự nghiệp của cha mình, một người là Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, còn một người là Phó chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn DOJI.

Ông Đỗ Minh Đức là ai?

Tập đoàn DOJI là gì? DOJI Group kinh doanh lĩnh vực gì, quy mô và tầm ảnh hưởng ra sao?
Ông Đỗ Minh Đức.

Đỗ Minh Đức sinh năm 1983, là con trai thứ của ông Đỗ Minh Phú, hiện ông giữ chức vụ Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn DOJI, đồng thời là người kế nghiệp sáng giá của Ông Đỗ Minh Phú tại Tập đoàn DOJI.

Từ 2003-2006, Đỗ Minh Đức tốt nghiệp cử nhân Kinh tế tại Anh, sau đó trở thành Thạc sỹ Marketing tại Đại học Westminster (Anh). Đến năm 2008, Đỗ Minh Đức trở thành Chuyên gia đá quý Quốc tế tại Viện Ngọc học Hoa Kỳ (GIA) và trở thành Chuyên gia đá quý Quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.

Trước khi được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc, Đỗ Minh Đức từng làm trợ lý cho cha mình trong 1 năm. Sau đó, anh được điều vào làm Giám đốc chi nhánh DOJI ở TP HCM trong 3 năm.

Hiện nay, tại DOJI, Đỗ Minh Đức phụ trách các mảng kinh doanh như Bán lẻ, Trang sức cao cấp, Marketing, Bất động sản...

Bà Đỗ Vũ Phương Anh là ai?

Đỗ Vũ Phương Anh, sinh năm 1980, là con gái đầu của Chủ tịch Tập đoàn DOJI Đỗ Minh Phú. Bà tốt nghiệp khoa Tài chính Ngân hàng Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, sau đó học thêm bằng MBA của Đại học Hawaii (Mỹ) và về DOJI giữ vị trí Phó Tổng giám đốc. Sau đó, Phương Anh học tiếp Tiến sĩ với luận án về quản trị nhân lực đề tài "Khung năng lực cho quản lý cấp trung ở các công ty tư nhân tại Việt Nam".

Bà Phương Anh từng trải qua các cương vị là Phó tổng giám đốc Nguồn nhân lực và cải cách hệ thống của CTCP Diana, Phó tổng giám đốc Nguồn nhân lực – vận hành của Tập đoàn DOJI và hiện là Phó chủ tịch Tập đoàn.

Tập đoàn DOJI là gì? DOJI Group kinh doanh lĩnh vực gì, quy mô và tầm ảnh hưởng ra sao?
Ông Đỗ Minh Phú (giữa) cùng hai người con của mình.

Bà Lê Thị Hiền - Phó Tổng Giám đốc.

Ông Dương Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc.

Bà Nguyễn Thanh Hương - Phó Tổng Giám đốc.

Những lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn DOJI là gì?

Các lĩnh vực kinh doanh chính của DOJI có thể tóm gọn lại gồm: Khai thác, chế tác đá quý; Sản xuất, mua bán vàng, trang sức, kim cương; Đầu tư Bất động sản; Tài chính Ngân hàng; Dịch vụ nhà hàng, Kiểm định và đào tạo

Lĩnh vực khai thác, chế tác đá quý của Tập đoàn DOJI

Được coi là một trong những lĩnh vực hoạt động thế mạnh và quan trọng, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI là doanh nghiệp Khai thác đá quý quy mô và lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tập đoàn DOJI có các mỏ đá quý thuộc tỉnh Yên Bái, Nghệ An…, nơi được đánh giá có nhiều tiềm năng về đá Ruby, Ruby Sao, Saphia, Spinel… chất lượng cao tại Việt Nam.

Để nâng cao sản lượng và tăng tính hiệu quả khai thác, Tập đoàn DOJI đầu tư vào lĩnh vực này đội ngũ kỹ sư và chuyên gia nhiều kinh nghiệm, cùng nhiều máy móc trang thiết bị hiện đại.

Tập đoàn DOJI hiện đang sở hữu nhiều viên đá quý có giá trị đều được khai thác tại Việt Nam: Đại Lam Ngọc - Khối Saphia lớn nhất Việt Nam nặng 15 tấn; Bảo Hồng Ngọc - Viên Ruby Sao thô quý hiếm nhất trọng lượng 18,88 kg, Hồng Ngọc Thiên Châu - khối đá chứa các tinh thể Ruby màu đỏ quý hiếm dày đặc bao trùm bề mặt đá và đặc biệt là Báu vật triệu đô - Viên Ruby Sao Hoàng Đế đã được công bố rộng trong nước và trên thế giới.

Tập đoàn DOJI là gì? DOJI Group kinh doanh lĩnh vực gì, quy mô và tầm ảnh hưởng ra sao?
Hồng Ngọc Thiên Châu.

Toàn bộ sản phẩm đá quý sau khi khai thác đều được tiến hành chế tác ngay tại Xí nghiệp chế tác rộng 800m2 được đặt tại Trụ sở chính của Tập đoàn DOJI.

Xí nghiệp chế tác tập trung các chuyên gia, kỹ sư giỏi cùng hàng trăm nhân công lành nghề, kết hợp với trang thiết bị và máy móc hiện đại, đa dạng, phong phú, phù hợp từng thao tác đều được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… tạo nên các sản phẩm đá quý khác nhau với hình dạng, kiểu dáng và kích cỡ đa dạng, đặc sắc.

Các loại đá quý chính được chế tác của Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI bao gồm: đá Ruby, Ruby Sao, Saphia hồng, Saphia xanh và đá bán quý các loai. Với máy móc công nghệ hiện đại, tay nghề nhân công cao, đá Ruby, Ruby Sao và Saphia đều có thể cắt mài ở kích thước rất nhỏ, từ 1-3mm.

Lĩnh vực sản xuất, chế tác, mua bán vàng, trang sức, kim cương của Tập đoàn DOJI.

Ngày 10/10/2019, Tập đoàn DOJI Khánh thành Nhà máy Trang sức DOJI tại Xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Nhà máy được khởi công xây dựng với tổng vốn xây dựng hơn 300 tỷ đồng, diện tích trên 10.000 m2 và có hơn 5.000 m2 Nhà xưởng.

Nhà máy gồm 4 phân xưởng:

Phân xưởng sản xuất Trang sức cao cấp gắn Kim cương và Đá quý

Tại đây sử dụng các loại máy móc: Lò đúc chân không, máy tạo sáp 4D, máy hàn laze, máy phay cắt bằng dao kim cương điều khiển tự động, máy sản xuất các loại dây chuyền của Italia cho mọi hàm lượng vàng từ 24K, 18K, 14K, …

Phân xưởng sản xuất Trang sức vàng ta 24K

Chuyên sản xuất chế tác các sản phẩm trang sức vàng 24K tinh xảo, có độ chính xác rất cao. Sử dụng công nghệ đúc chân không, hàn tự động, phay cắt 3 chiều, mạ 3D đã được áp dụng thành công.

Phân xưởng sản xuất Quà tặng Mỹ nghệ vàng

Tập đoàn DOJI là gì? DOJI Group kinh doanh lĩnh vực gì, quy mô và tầm ảnh hưởng ra sao?
Sản phẩm vàng mỹ nghệ của DOJI.

Đây là hệ thống sản xuất đồng bộ để cho ra đời các loại sản phẩm mỹ nghệ vàng có hàm lượng vàng 999.9, bao gồm hệ thống phủ vàng bằng công nghệ Nano và Electroforming. Hệ thống này có thể sản xuất được các loại Quà tặng mỹ nghệ hoàn toàn bằng vàng nguyên chất hoặc phủ vàng 24K trên chất liệu đồng, bạc và các chất liệu khác cực kỳ tinh xảo.

Phân xưởng sản xuất sản phẩm ép vỉ

Được đầu tư các thiết bị ép thủy lực siêu lớn, máy đột dập tự động, lò nung cao tần, hệ thống in bắn dấu tự động, hệ thống cân kiểm chuẩn, máy đo hàm lượng vàng bằng quang phổ, tia X,… DOJI cho ra đời sản phẩm trang sức ép vỉ với hàm lượng vàng lên tới 999.9.

Tập đoàn DOJI là đơn vị dẫn dầu trong kinh doanh vàng miếng, mua bán vàng nguyên liệu, tạo được uy tín và sự tin cậy của người dân và doanh nghiệp.

Để đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm của mình, Tập đoàn DOJI đã và đang mở rộng hệ thống Trung tâm Vàng bạc Trang sức DOJI tại hầu hết các thành phố lớn và các tỉnh thành trong cả nước.

Cùng với đó, ngày 30/4/2020, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI chính thức tiếp quản Công ty Thế Giới Kim Cương . Trước đó, Công ty Thế Giới Kim Cương đã có 34 chi nhánh tại 34 tỉnh, thành phố với trên 100 trung tâm, cửa hàng tại hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị tại Việt Nam và gần 1.000 cán bộ nhân viên.

Trang sức cao cấp có gắn đá quý, kim cương của DOJI có hai thương hiệu nổi tiếng là Diamond House và dòng nhẫn cưới Wedding Land. Trang sức vàng ta 24K được chế tác tinh xảo, độc đáo với dòng sản phẩm mang thương hiệu Lộc Phát Tài đã dẫn đầu thị trường trong nhóm trang sức hàm lượng vàng 99.9 và 999.9.

Tập đoàn DOJI là gì? DOJI Group kinh doanh lĩnh vực gì, quy mô và tầm ảnh hưởng ra sao?
Sản phẩm Vàng ép vỉ của DOJI.

Sản phẩm vàng ép vỉ của DOJI đa dạng về mẫu mã, chủng loại bao gồm các sản phẩm Nhẫn ép vỉ với thương hiệu Hưng Thịnh Vượng, Âu vàng ép vỉ với thương hiệu Âu Vàng Phúc Long. Bộ Linh vật 12 con giáp của nhóm Kim Thần Tài là các sản phẩm độc đáo, giá trị cho nhu cầu Cất trữ, Quà tặng và Đầu tư. Đây là loại sản phẩm được ưa chuộng trong dịp Tết và ngày Vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng.

Dòng sản phẩm mỹ nghệ quà tặng vàng Kim Bảo Phúc là bộ sưu tập lớn, đa dạng cho các nhu cầu: Quà tặng, Logo huy hiệu, Tâm linh, Trang trí, Mỹ thuật của người dân. Kim Bảo Phúc đã được người tiêu dùng đánh giá cao và thường tìm đến khi có nhu cầu quà tặng vàng chế tác tinh xảo.

Trong giai đoạn 2006 - 2010, DOJI đã đạt kim ngạch xuất khẩu vàng và đá quý đến trên 500 triệu đô la Mỹ. Kim ngạch nhập khẩu trong giai đoạn này là gần 100 triệu đô la Mỹ.

Từ giai đoạn 2011, do chính sách quản lý thắt chặt của Ngân hàng Nhà nước đối với lĩnh vực Xuất nhập khẩu vàng nên hoạt động này bị trầm lắng. Tuy vậy, DOJI vẫn đã xuất khẩu vàng trang sức và vàng mỹ nghệ ra thị trường quốc tế, năm 2011 - 2012 là 400 triệu đô la Mỹ, và năm 2016 là 160 triệu đô la Mỹ.

Tính trong 6 tháng đầu năm 2019, DOJI đã xuất khẩu vàng trang sức, vàng mỹ nghệ và thu về được trên 400 triệu đô la Mỹ.

Lĩnh vực Đầu tư bất động sản của Tập đoàn DOJI

Tháng 11/2014, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản DOJILAND đã chính thức được thành lập để DOJI triển khai các dự án Bất động sản.

Tập đoàn DOJI là gì? DOJI Group kinh doanh lĩnh vực gì, quy mô và tầm ảnh hưởng ra sao?
Sapphire Ha Long của DOJI Land.

Một số dự án tiêu biểu của Tập đoàn DOJI

Dự án tổ hợp căn hộ cao cấp và condotel tại Trung tâm Thành phố Hạ Long mang tên The Sapphire Residence và Best Western Premium Sapphire Ha Long với tổng diện tích 4,7 ha và tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng;

Dự án khách sạn 5 sao Diamond Halong Hotel;

Dự án tổ hợp Trung tâm Thương mại Căn hộ cao cấp và Văn phòng cho thuê tại Thành phố Hải Phòng;

Dự án khách sạn tại Trung tâm Thành phố Hà Nội, Vĩnh Phúc;

Dự án Khu đô thị String of Gems tại Huế;

Dự án Tòa nhà chung cư căn hộ tại 137 Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh;

Dự án đầu tư Khu Đô thị mới Nam Vĩnh Yên tại Thành phố Vĩnh Yên và Huyện Yên Lạc, Tỉnh Vĩnh Phúc với tổng diện tích 70,6 ha;

Dự án Khu Du lịch sinh thái Hồ Xạ Hương, Tam Đảo, Vĩnh Phúc gần 220 ha.

Cùng với đó, DOJI cũng sở hữu nhiều khu đất tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh:

Tòa nhà DOJI Tower, Trung tâm Vàng bạc Đá quý và Trang sức lớn nhất cả nước tại số 5 Lê Duẩn, Quận Ba Đình, Hà Nội, cao 16 tầng và 3 tầng hầm; tổng diện tích sử dụng 18.883 m2;

Tòa nhà văn phòng Ruby Plaza tại số 44 Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cao 17 tầng; tổng diện tích sử dụng 12.000 m2;

Tòa nhà Vàng bạc Đá quý, Trang sức và Văn phòng tại 214 Phan Đăng Lưu, Quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, cao 10 tầng; tổng diện tích sử dụng 4.454 m2;

Tòa nhà văn phòng Ruby Tower tại số 81-83-85 Hàm Nghi, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, cao 20 tầng, tổng diện tích sử dụng 13.500 m2.

Tập đoàn DOJI là gì? DOJI Group kinh doanh lĩnh vực gì, quy mô và tầm ảnh hưởng ra sao?
Tòa nhà DOJI Tower tại số 5 Lê Duẩn (Hà Nội)

Lĩnh vực Tài chính Ngân hàng của Tập đoàn DOJI

Đầu năm 2012, đã trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

Hiện nay, ngoài Tập đoàn DOJI, TPBank còn có các cổ đông chiến lược là các Tập đoàn, Tổng Công ty lớn như FPT, Vinare, SBI Holding (Nhật Bản), Công ty IFC, Qũy PYN. Tập đoàn DOJI do Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng sáng lập làm đại diện và cùng với các cổ đông tiềm năng liên quan khác nắm giữ 20% tổng số cổ phần của TPBank.

Ông Đỗ Minh Phú được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) nhiệm kỳ 2018 - 2023. Hiện Tập đoàn DOJI đang hỗ trợ TPBank về tài chính, năng lực quản trị, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh vàng.

Năm 2020, TPBank được Tạp chí tài chính hàng đầu Châu Á The Asian Banker vinh danh trong Bảng xếp hạng Top 500 ngân hàng mạnh nhất Châu Á – Thái Bình Dương và xếp vị trí thứ 8 Top 10 ngân hàng thương mại mạnh nhất Việt Nam. Đồng thời, giải thưởng Ngân hàng số xuất sắc nhất do The Asian Banker bình chọn năm 2020.

Tập đoàn DOJI là gì? DOJI Group kinh doanh lĩnh vực gì, quy mô và tầm ảnh hưởng ra sao?
Phòng giao dịch ngân hàng TP Bank

Lĩnh vực Dịch vụ nhà hàng của DOJI

DOJI hiện đầu tư vào Nhà hàng Trung Hoa cao cấp Jade Moon nằm trên tầng 16 của tòa nhà DOJI Tower số 5 Lê Duẩn (Hà Nội). Nhà hàng có hệ thống các phòng VIP, lớn nhất có sức chứa 20 khách. Đặc biệt, mỗi phòng VIP đều được mang tên một loại ngọc quý với màu sắc biểu trưng như Jade Room, Saphire Room, Pearl Room, Amber Room, Opal Room, Ruby Room.

Jade Moon đem đến trải nghiệm hoàn hảo từ công thức chế biến, bài trí món ăn mang phong vị Trung Hoa bởi những đầu bếp lừng danh, cho tới chất lượng dịch vụ 5 sao đẳng cấp.

Lĩnh vực Kiểm định và đào tạo của DOJI

Viện Ngọc học và Trang sức DOJI (DOJILAB) có tiền thân là Trung tâm Ngọc học và Giám định Vàng bạc Đá quý DOJI hoạt động từ năm 2009, trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và dịch vụ, để phù hợp với định hướng phát triển.

Năm 2012, Tập đoàn DOJI đã quyết định đầu tư nâng cấp DOJILAB thành Viện chuyên ngành hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực Ngọc học và Trang sức. Tháng 8 năm 2013, Viện đã khai trương Phân viện Ngọc học và Trang sức DOJI (DOJILAB) tại TP Hồ Chí Minh, nhằm phục vụ cho công tác giám định nhanh chóng và chuyên nghiệp, cũng như đáp ứng kịp thời, chuẩn xác nhu cầu của khách hàng tại đây.

Nhiệm vụ của Viện Ngọc học và Trang sức DOJI là nghiên cứu triển khai các công nghệ mới trong lĩnh vực đá quý và hàng trang sức, các đề tài, dự án khoa học về địa chất và công nghệ khai thác đá quý; Giám định kim cương, đá quý và kim loại quý; Đào tạo các nhà ngọc học, các giám định viên và các nhà chuyên môn về kim cương, đá quý và trang sức; Thông tin xuất bản, tư vấn đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực trên; Tổ chức các Hội nghị đá quý quốc tế.

Tập đoàn DOJI là gì? DOJI Group kinh doanh lĩnh vực gì, quy mô và tầm ảnh hưởng ra sao?
Hoạt động tại trung tâm giám định, Viện ngọc học và trang sức DOJI

Ý nghĩa của tên gọi DOJI là gì?

Theo giải thích của ông Đỗ Minh Phú, DOJI là viết tắt tiếng Anh của cụm từ: Development Of Jewelry and Investment (Tập đoàn DOJI tập trung phát triển về trang sức và đầu tư). Chữ "DO" trong DOJI cùng mang nghĩa về dòng họ Đỗ của ông.

Các hoạt động của Tập đoàn DOJI với cộng đồng.

Trong suốt quá trình hoạt động, Tập đoàn DOJI và các công ty thành viên, công ty liên kết đã có nhiều hoạt động vì cộng đồng Việt.

Tháng 4/2021, DOJI đã tài trợ 10 tỷ đồng, đồng hành cũng Quỹ “Điều ước cho em” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Đề án Tri thức Việt số hóa tổ chức.

Ngày 25/5/2021, Tập đoàn DOJI đã trao tặng 10 tỷ đồng cho Bộ Y tế để đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng, chống dịch Covid-19.

Cũng trong ngày 25/5, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) do ông Đỗ Minh Phú đứng đầu cũng đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 số tiền 10 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2020, Tập đoàn DOJI và Ngân hàng TMCP Tiên Phong đã tài trợ, đóng góp hơn 30 tỷ đồng để phòng, chống đại dịch Covid-19. Tổng cộng đến nay, hai doanh nghiệp do ông Đỗ Minh Phú đứng đầu đã ủng hộ hơn 50 tỷ đồng.

Bài viết giúp các bạn trả lời được những thắc mắc về Tập đoàn DOJI và hiểu sâu hơn về đế chế vàng bạc, trang sức lớn nhất của Việt Nam.