HAGL Agrico sau một năm dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch mới có gì?

Tháng 2/2022, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, MCK: HNG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021. Theo báo cáo, doanh thu trong kỳ sụt giảm phân nửa xuống 307 tỷ đồng, kinh doanh dưới giá vốn khiến HAGL Agrico lỗ gộp hơn 467 tỷ đồng.

Khấu trừ các chi phí, tổng lỗ ròng trong quý 4/2021 ghi nhận gần 816 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm, HAGL Agrico ghi nhận doanh thu 1.199 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với mức 2.375 tỷ năm 2021. Khấu trừ chi phí, Công ty lỗ ròng hơn 1.119 tỷ đồng. Như vậy, tính đến thời điểm 31/12/2021, doanh nghiệp này đã lỗ luỹ kế lên tới 3.426,5 tỷ đồng.

Tái cơ cấu HAGL Agrico liệu có dễ dàng?
Trong tổng diện tích 17.506ha cao su của HAGL Agrico, có tới 10.175ha cao su chưa đủ điều kiện kỹ thuật khai thác.

Theo HAGL Agrico, nguyên nhân dẫn đến mức lỗ kỷ lục gồm: Công ty có tiến hành rà soát và ghi nhận hạch toán lại các chi phí đã phát sinh từ năm 2020 về trước nhưng chưa hạch toán, gồm trích lập dự phòng khoản phải thu phát sinh từ năm 2018 là 36 tỷ, dự phòng phải thu trên BCTC tổng hợp là 174 tỷ; đánh giá lại và ghi nhận chi phí SXKD dở dang đang ghi nhận hàng tồn kho trên BCTC tồn đọng từ năm 2018-2020 vào giá vốn bán hàng trong quý 4/2021 là 427 tỷ đồng; đồng thời đánh giá lại chênh lệch tỷ giá các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ và ghi nhận lỗ chênh lệch là 230 tỷ đồng.

Ngoài ra,chi phí khấu hao vườn cao su lớn với 17.506ha, trong đó diện tích vườn cao su chưa đủ điều kiện kỹ thuật khai thác là 10.175ha, diện tích cao su đủ điều kiện kỹ thuật đang khai thác thu hoạch là 7.331ha.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của Covid-19 đã làm giá mua phân bón tăng 160%, bao bì đóng gói tăng 25%, chi phí vận chuyển đường biển tăng 20% so với năm 2020.

Chi phí nhân công tăng do ảnh hưởng của Covid-19, nguồn lao động người địa phương bị hạn chế gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng thu hoạch và đầu tư chăm sóc vườn cây của Công ty.

Đáng chú ý, trong năm 2021 sản lượng trái cây thu hoạch của HAGL Agrico chỉ đạt 85.803 tấn (chuối đạt 75.612 tấn, dứa là 2.669 tấn), giảm 19.704 tấn so với kế hoạch đề ra. Ngoài ra, dù với vườn cao su lớn với 17.506ha nhưng khai thác mủ cao su đạt 6.556 tấn (đạt kế hoạch).

Tính đến hết năm 2021, tổng tài sản của HAGL Agrico giảm 43% so với đầu năm, chỉ còn ghi nhận hơn 14.000 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn của công ty đã sụt giảm hơn 54% trong năm. Các khoản mục chính yếu như khoản phải thu, hàng tồn kho, tài sản cố định lần lượt giảm mạnh ở mức 70%, 30% và 40%. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2021 của HAGL Agrico cũng âm tới 1.148 tỷ đồng.

Lên kế hoạch năm 2022, HNG đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.400 tỷ đồng, với sản lượng bán hàng đạt 177.000 tấn. Tuy nhiên, HNG không đề cập đến mục tiêu lợi nhuận. Cũng trong kế hoạch năm 2022, HAGL Agrico cho biết sẽ làm việc với HAGL và BIDV để giải quyết công nợ giữa các bên, qua đó nhận lại giấy chứng nhận quyền sở hữu đất tại Lào và Campuchia thuộc HAGL Agrico đang đảm bảo cho khoản vay của HAGL với giá trị đảm bảo 4.780 tỷ đồng. Công ty sẽ ghi nhận chi phí chuyển đổi vườn cây từ năm 2020 trở về trước chưa hạch toán, ước tính lỗ riêng cho khoản chi phí này lên đến 2.400 tỷ.

Loay hoay đi tìm lời giải "bài toán" tái cơ cấu HAGL Agrico

Được biết, 2021 là năm đầu tiên Chủ tịch Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) - tỷ phú Trần Bá Dương "cầm lái" HAGL Agrico sau phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai vào đầu năm 2021 đã thông qua việc bầu ông Trần Bá Dương vào Hội đồng quản trị HAGL Agrico. Đến ngày 8/1/2021, ông Dương được bổ nhiệm làm Chủ tịch HAGL Agrico, còn ông Đoàn Nguyên Đức giữ chức Phó Chủ tịch.

Tái cơ cấu HAGL Agrico liệu có dễ dàng?
Ông Trần Bá Dương.

Trước đó, HAGL Agrico đang mất cân đối tài chính nghiêm trọng khi rất nhiều tài sản không có khả năng sinh lời trong khi nợ phải trả hơn 16.000 tỷ đồng. Điều này khiến HAGL Agrico phải chuyển nhượng 4 công ty con cho Công ty Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) để thu khoảng 9.200 tỷ góp phần xử lý hết nợ trong thời gian ngắn và còn dư để bổ sung vốn lưu động cho chiến lược phát triển hai năm tới.

Theo ông Trần Bá Dương, việc quyết định đầu tư vào HAGL Agrico vì nhìn thấy quyết tâm chuyển đổi của ông Đoàn Nguyên Đức. Tân Chủ tịch HAGL Agrico cũng khẳng định sau khi nắm quyền chi phối doanh nghiệp này thì sẽ phát triển bằng được nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời bác bỏ tin đồn Thaco sẽ bán lại vốn tại đây cho cổ đông ngoại.

Tuy nhiên, sau hơn một năm ông Trần Bá Dương lên nắm quyền Chủ tịch HĐQT, tình hình kinh doanh của HAGL Agrico vẫn vô cùng đáng quan ngại khi doanh nghiệp này vẫn tồn đọng hàng chục nghìn ha diện tích cao su chưa đủ điều kiện kỹ thuật khai thác và sản lượng trái cây trong năm 2021 đang sụt giảm nghiêm trọng.

Đồng thời, giấy chứng nhận quyền sở hữu hàng chục nghìn ha đất tại Lào và Campuchia của doanh nghiệp này chưa nhận lại được khi vẫn đang làm việc với HAGL và BIDV để giải quyết công nợ giữa các bên.

Dù Thagrico đang tham vọng đưa HAGL Agrico hoạt động hiệu quả, ổn định trở lại trong thời gian tới đồng thời đưa nông nghiệp thành một trong 5 mảng kinh doanh cốt yếu của Thaco nhưng có thể thấy công cuộc tái cơ cấu HAGL Agrico là không hề dễ dàng khi chính Chủ tịch HAGL Agrico - Trần Bá Dương từng khẳng định: "Làm nông nghiệp nói chung và nhận HAGL Agrico nói riêng, với tôi là bất đắc dĩ".

Nhớ lại tại Đại hội cổ đông bất thường của HAGL Agrico vào tháng 1/2021 để giới thiệu Chiến lược sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021 - 2023 và Ban quản trị điều hành của Công ty Cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico), ông Trần Bảo Sơn - Tổng Giám đốc HAGL Agrico cho biết, với chiến lược phát triển và tình hình tài chính của HAGL Agrico, trong thời gian tới kết quả sản xuất kinh doanh của HAGL Agrico sẽ phát huy hiệu quả và phát triển bền vững. Tuy nhiên, nông nghiệp là một lĩnh vực rất khó và mới, đặc biệt phải đầu tư đồng bộ hạ tầng thủy lợi, điện, giao thông, các công trình trên đất, logistics và quản trị sản xuất theo mô hình công nghiệp khép kín chuỗi giá trị từ trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, chế biến sau thu hoạch, đào tạo để có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, công nhân giỏi nghề, đam mê nông nghiệp cũng như cần một thời gian dài mới có thể hoạt động ổn định hiệu quả và phát triển bền vững.

Và như vậy, liệu HAGL Agrico sẽ cần bao lâu để có thể hoạt động ổn định và hiệu quả thì vẫn là điều "bí ẩn" khi dư luận vẫn luôn lo lắng tỷ phú Trần Bá Dương sẽ "sa lầy" tại HAGL Agrico.

Cổ phiếu HNG trong năm 2021 trải qua đợt biến động mạnh khi thông tin ông Trần Bá Dương đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HAGL Agrico và ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đăng ký bán ra 25,4 triệu cổ phiếu HNG để trả nợ ngân hàng. (Số cổ phiếu này sẽ được bán theo khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ 15/2-16/3. Tính theo mệnh giá, thương vụ bán cổ phiếu để trả nợ ngân hàng này có giá trị khoảng 254 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành giao dịch, tỉ lệ sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai tại HAGL Agrico sẽ giảm từ 11,73% xuống 9,4%). Trước đó, hơn 48 triệu cổ phiếu HNG thuộc sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai cũng đã bán với mục đích tương tự từ ngày 17/1-10/2.

Sau khi tăng 50% chỉ trong một tháng cuối năm ngoái, lên hơn 13.600 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu HNG hiện giảm mạnh. Đến ngày 11/3, giá cổ phiếu HNG đang ở mức 9.920 đồng/cổ phiếu, và HoSE vẫn tiếp tục duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu HNG của HAGL Agrico.

Trước đó vào ngày 9/3/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (SGDCK TP HCM) đã ra Quyết định số 503/QĐ-SGDHCM chuyển cổ phiếu của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (Mã chứng khoán: HNG) từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo do: Công ty có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2020 là 11,09 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/06/2020 là -2.312,96 tỷ đồng.

Ngày 31/03/2021, SGDCK TP.HCM đã nhận được BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2020 của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai. Theo Báo cáo tài chính, Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 là 20,91 tỷ đồng và Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là -2.306,11 tỷ đồng.

SGDCK TP HCM tiếp tục duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu HNG theo Quyết định số 503/QĐ-SGDHCM ngày 03/09/2020 và sẽ xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu HNG sau khi có BCTC hợp nhất soát xét bán niên năm 2021 của Công ty.