Ngày 17/7, Bộ Y tế cho biết, số ca mắc viêm não đang có chiều hướng gia tăng, riêng trong tháng 6 đã ghi nhận 49 trường hợp mắc viêm não virus và 3 ca tử vong.

Hầu hết các trường hợp mắc viêm não đều là trẻ em. Hiện nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) đang điều trị 25 bệnh nhi bị viêm não, trong đó có một số trẻ bị biến chứng nặng nề, nguy cơ để lại di chứng lâu dài sau này. Tính từ đầu năm 2022 tới nay, cả nước đã ghi nhận hơn 110 trường hợp bị viêm não.

Theo TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, viêm não là bệnh nguy hiểm thường gặp nhất ở trẻ em 2-8 tuổi, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ, chiếm tới gần 35%. Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm đủ các loại vaccine phòng viêm não, viêm màng não đã có như: vaccine viêm não Nhật Bản, vaccine phế cầu, vaccine 6 trong 1.

TS. Đỗ Thiện Hải cũng cho biết: “Các trẻ mắc viêm não Nhật Bản những ngày gần đây tại trung tâm chủ yếu là các trẻ lớn từ 5 tuổi trở lên. Đa số trẻ có các biểu hiện như: sốt cao, buồn nôn, đau đầu, ngủ nhiều và nếu không xử lí kịp thời sẽ dẫn đến hôn mê và co giật”.

Thực tế, không ít trẻ do bố mẹ chủ quan, không nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh lí viêm não nên tự ý mua thuốc điều trị, chậm trễ trong việc đưa con đi viện khám.

Bệnh nhi viêm não Nhật Bản đang được điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Báo Tin tức
Bệnh nhi viêm não Nhật Bản đang được điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Báo Tin tức

Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu. Khi trẻ có biểu hiện mắc viêm não Nhật Bản, lượng virus chủ yếu tập trung ở não và gây tổn thương các tế bào thần kinh. Do vậy, việc điều trị viêm não Nhật Bản rất khó khăn, với tỉ lệ tử vong và di chứng rất cao.

“Thông thường tỉ lệ trẻ tử vong do mắc viêm não Nhật Bản là từ 3 - 5%, tỉ lệ di chứng có thời điểm lên tới 20 - 25%. Nếu tính cả những trường hợp trẻ sau khi ra viện và được theo dõi, đánh giá sau 2 - 3 năm, thì tỉ lệ di chứng còn cao hơn nữa”, TS. Đỗ Thiện Hải cho biết.

Cũng theo TS. Bùi Hữu Nam, hầu hết các trường hợp viêm não đến điều trị đều chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ mũi nhắc lại các loại vaccine phòng bệnh viêm não đã có (như vaccine viêm não Nhật Bản, vaccine phế cầu, vaccine 6 trong 1). Bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm đủ các loại vaccine phòng viêm não, viêm màng não đã có.

Bên cạnh đó, gia đình cần chú ý vệ sinh, ăn uống sạch sẽ giúp trẻ nâng cao thể trạng; rửa tay cho trẻ trước khi ăn; vệ sinh nhà cửa, môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát.

Theo TS. Đỗ Thiện Hải, so với các bệnh viêm não, viêm màng não, viêm não Nhật Bản thường để lại di chứng nặng nề nhất. Nguyên nhân trẻ mắc bệnh, ở hầu hết các trường hợp là do phụ huynh quên lịch tiêm nhắc lại vaccine viêm não Nhật Bản cho con sau khi hoàn thành những mũi tiêm cơ bản lúc 2 tuổi.

Bác sĩ Hải khuyến cáo phụ huynh nên lưu ý cho con tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng viêm não Nhật Bản. Mũi 1 tiêm khi trẻ được một tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 tiêm sau một năm tiêm mũi 2. Sau đó, trẻ nên tiêm nhắc lại sau 3-4 năm đến khi 15 tuổi. Vaccine viêm não Nhật Bản có tác dụng phòng bệnh trong khoảng 3 - 5 năm.