Huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái là địa phương có diện tích trồng quế lớn nhất trong cả nước, với trên 52 ngàn ha và trên 50 sảm phẩm quế các loại, chất lượng, thương hiệu quế Văn Yên ngày càng được vươn xa có mặt ở nhiều thị trường trong nước và quốc tế.

Quế Văn Yên đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong nước và ở Thái Lan được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa về hình. Từ lâu nay, cây quế Văn Yên đã gắn liền với cuộc sống lao động của người dân, giúp người dân nơi đây xóa đói giảm nghèo vươn, lên làm giàu. Ngoài ra cây quế còn là biểu tượng kinh tế, văn hóa của cộng đồng người dao đỏ và các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Hiện nay, huyện Văn Yên đã có trên 6.000 ha quế được cấp chứng chỉ hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và Mỹ; 16 sản phẩm quế được công nhận sản phẩm OCOP. Sản phẩm quế Văn Yên đã có mặt tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hàng năm, quế Văn Yên cung cấp cho thị trường trên 6.000 tấn vỏ khô, trên 60.000 tấn cành lá, 300 tấn tinh dầu, trên 50.000 m3 gỗ quế, trên 150 triệu cây quế giống và nhiều sản phẩm khác từ quế, mang lại nguồn thu gần 1.000 tỷ đồng cho người trồng quế. Cây quế đã tạo thu nhập ổn định cho trên 19.000 hộ trực tiếp trồng quế và hàng ngàn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chế biến, buôn bán các sản phẩm từ quế.

Quế được xem là loại cây trồng đa mục đích, vừa là cây lâm nghiệp, giúp phủ xanh đất trống đồi trọc, lại vừa là loại cây có giá trị kinh tế cao. Mọi bộ phận của cây quế như vỏ, lá, cành, thân đều có thể khai thác, chế biến làm dược liệu, gia vị, đồ gỗ...

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc Lễ hội, ông Hà Đức Anh – Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Vắn Yên nhấn mạnh: Lễ hội quế lần thứ IV năm 2022 tiếp tục giới thiệu, quảng bá hình ảnh quế Văn Yên đến với bạn bè trong và ngoài nước. Thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ quế nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị và tiềm năng thế mạnh du lịch của huyện, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng....

Sản phẩm quế Văn Yên - vùng trồng quế lớn nhất cả nước được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận hình
Sản phẩm chế biến từ quế của huyện Văn Yên được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận hình.

Trong khuôn khổ lễ hội, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao Quyết định và Giấy chứng nhận về đăng ký nhãn hiệu “Sản phẩm chế biến từ quế của huyện Văn Yên” được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận hình. Điều đó càng khẳng định quế Văn Yên ngày càng có uy tín trên thị trường trong nước, quốc tế và ngày càng vươn xa hơn nữa.

Anh Lê Năm, đến từ xã Viễn Sơn, trọng điểm về cây quế và các sảm phẩm Quế phấn khởi cho biết: "Lễ hội Quế huyện Văn Yên tổ chức lần thứ IV, thứ nhất là mang thương hiệu quế của quê hương mình vươn xa đến bạn bè quốc tế, khi mà các sản phẩm của mình đã vươn xa đi rồi thì thương hiệu quế Văn Yên sẽ lên một tầm cao mới, thứ hai là mang bản sắc dân tộc Dao và bản sắc văn hoá quê hương đế bạn bè các vùng miền tổ quốc...".

Sản phẩm quế Văn Yên - vùng trồng quế lớn nhất cả nước được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận hình
Sản phẩm quế Văn Yên

Theo các hộ trồng quế, mỗi ha có giá trị bình quân trên 900 triệu đồng. Những nơi có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, trồng quế đúng quy trình kỹ thuật thì giá trị có thể đạt trên 1 tỷ đồng/ha. Do vậy, thu nhập của rất nhiều hộ bảo đảm lên tới hàng trăm triệu, thậm chí là cả tỷ đồng mỗi năm.

Lễ hội Quế Văn Yên năm 2022 diễn ra từ ngày 14 và 15/10. Các hoạt động đặc sắc của Lễ hội gồm: Màn diễu diễn “Cùng người Dao xuống phố” của 555 nghệ nhân và nhân dân, màn múa tập thể của 300 người Dao, trưng bày "Không gian văn hóa các dân tộc huyện Văn Yên", hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP và Quế Văn Yên, triển lãm ảnh nghệ thuật, hội thảo khoa học "Nâng cao giá trị và thương hiệu Quế Văn Yên", Hội thi chế biến các sản phẩm Quế, cuộc thi “Duyên dáng thiếu nữ vùng Quế”...