Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp 7 sáng 20/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết,

Tốc độ tăng GDP đạt 5,05% (đã báo cáo đạt trên 5%), tuy thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức cao trên thế giới và khu vực. Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao.

Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tăng 3,25% (đã báo cáo tăng khoảng 3,5%); thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm.

Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, nếu tại kỳ họp 6 báo cáo khoảng 15 tỷ USD, thì cập nhập bổ sung đã tăng lên, khi đạt 681 tỷ USD; xuất siêu 28,3 tỷ USD.

Đặc biệt, báo cáo đánh giá an sinh xã hội được bảo đảm. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Số hộ gia đình có thu nhập tăng lên và ổn định đạt 94,1%.

Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng thông tin, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “Ổn định”; xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2023 tăng 12 bậc; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 2 bậc.

Đáng chú ý, theo Phó Thủ tướng, “tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới”. Con số này cao hơn con số 560 nghìn tỷ đồng Chính phủ báo cáo vào cuối năm 2023.

Nhiều chính sách, giải pháp được thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân; đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 191,5 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 3,5% GDP, dư nợ công khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần và ngưỡng cảnh báo.

Tnh đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.

Đặc biệt, Chính phủ thông tin nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tập trung xử lý, đạt kết quả tích cực. Trong đó, đã chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống.

Cụ thể, đề án cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam được triển khai và đạt kết quả bước đầu. 3 nhà máy phân đạm đang cơ cấu lại nợ vay, bước đầu đã có lãi. Ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về xử lý Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy.

Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn. Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có gần 86.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ.

Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng chưa đạt yêu cầu. Các ngân hàng thương mại đã cam kết tín dụng cho 15 dự án nhà ở xã hội với số tiền cam kết khoảng 7.000 tỉ đồng, song mới giải ngân cho 12 dự án với tổng số tiền 956 tỉ đồng.

Về giải pháp, Chính phủ nhấn mạnh quyết liệt triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định; chú trọng thanh tra, kiểm tra; áp dụng hóa đơn điện tử và tăng cường thông tin, truyền thông. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 15% và giảm lãi suất cho vay 1 - 2%. Đẩy mạnh giải ngân chương trình 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, trong đó có 1.000 km cao tốc để phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000 km, mở ra không gian, động lực phát triển mới, làm tăng giá trị gia tăng quỹ đất, giảm chi phí logistics.