1. Thuốc lá điện tử là gì?

Thuốc lá điện tử được hiểu là dạng mô phỏng theo hình dạng chức năng của thuốc lá thông thường, không tạo khói mà tạo ra luồng hơi có mùi vị và cảm giác giống thuốc lá thật.

Căn cứ Khoản 2, Điều 3, Nghị định 67/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá, theo đó sản phẩm thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá và được chế biến dưới dạng thuốc điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu và các dạng sản phẩm khác dùng để hút, nhai, ngửi.

Như vậy thuốc lá điện tử được xem là một sản phẩm thuốc lá.

Điều kiện kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử
Điều kiện kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử. Ảnh minh họa

2. Điều kiện kinh doanh thuốc lá điện tử

Sản phẩm thuốc lá điện tử được xem như một sản phẩm thuốc lá, vì vậy việc kinh doanh, mua bán thuốc lá điện tử phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2.1 Điều kiện cấp giấy phép buôn bán sản phẩm thuốc lá điện tử

Theo khoản 2 Điều 26 Nghị định 67/2013/NĐ-CP, các điều kiện cấp giấy phép kinh doanh thuốc sản phẩm thuốc lá gồm:

- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

- Địa điểm kinh doanh không vi phạm quy định về địa điểm không được bán thuốc lá theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012.

- Có hệ thống bán buôn sản phẩm thuốc lá trên địa bàn tỉnh nơi thương nhân đặt trụ sở chính (tối thiểu phải từ 02 thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá trở lên).

- Có văn bản giới thiệu của Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá hoặc của các thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh.

2.2 Điều kiện cấp giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá điện tử

Theo khoản 3 Điều 26 Nghị định 67/2013/NĐ-CP, các điều kiện cấp giấy phép bán lẻ thuốc sản phẩm thuốc lá gồm:

- Thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật

- Địa điểm kinh doanh không vi phạm quy định về địa điểm không được bán thuốc lá theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012.

- Có văn bản giới thiệu của các thương nhân phân phối hoặc thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh.

Như vậy, thuốc lá điện tử là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và được phép kinh doanh tại Việt Nam. Người kinh doanh đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thì mới được phép buôn bán hoặc bán lẻ sản phẩm thuốc lá điện tử.

Đối với các hành vi bán chui thuốc lá điện tử mà không có giấy phép kinh doanh đều có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thuốc lá điện tử được xem như một sản phẩm thuốc lá, vì vậy việc kinh doanh, mua bán thuốc lá điện tử phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Thuốc lá điện tử được xem như một sản phẩm thuốc lá, vì vậy việc kinh doanh, mua bán thuốc lá điện tử phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật. Ảnh minh họa

3. Xử lý hành vi mua bán thuốc lá điện tử

3.1. Xử lý hành chính

Mua bán thuốc lá điện tử nói riêng và thuốc lá nói chung theo quy định của pháp luật là ngành nghề kinh doanh có điều kiện do đó chủ thể phải có giấy phép kinh doanh nếu không sẽ bị phạt tiền từ 10 – 15 đồng, kèm theo các hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp được quy định tại Điều 6, Nghị định 98/2020/NĐ-CP khi:

  • Không có giấy phép kinh doanh;
  • Có giấy phép kinh doanh nhưng đã hết hiệu lực;
  • Không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động kinh doanh;
  • Sử dụng giấy phép kinh doanh của chủ thể khác kinh doanh.

Căn cứ Điều 8, Nghị định 98/2020/NĐ-CP buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu (bao gồm xì gà, các dạng thuốc lá thành phẩm khác) được coi là hành vi buôn bán hàng cấm. Do đó, tùy thuộc vào giá trị của lô hàng hóa mà không đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có số tiền phạt tương ứng theo quy định tại Điều 8, Nghị định 98/2020/NĐ-CP kèm theo các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả Điều này.

Doanh nghiệp, cá nhân... có các hành vi vi phạm về bán sản phẩm thuốc lá, tùy theo các hành vi khác nhau như bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi, không treo biển thông báo… sẽ có hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quản khác nhau được quy định tại Điều 23, Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

3.2. Xử lý hình sự

Mua bán thuốc lá điếu nhập lậu (bao gồm xì gà, các dạng thuốc lá thành phẩm khác) được pháp luật coi là hành vi buôn bán hàng cấm. Do đó tùy theo tính chất mức độ, giá trị lô hàng hóa mà có các mức phạt tiền hoặc tù khác nhau theo căn cứ tại điểm b, e, Khoản 1, điểm e, khoản 2, Điều 190, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức phạt lên đến 15 năm tù.