Những dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực khoa học công nghệ năm 2022

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030

Chiến lược, phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 đã đặt ra 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KHCN và ĐMST.

Các nội dung của Chiến lược được xây dựng trên cơ sở khoa học, có căn cứ thực tiễn và đồng bộ với những nội dung có liên quan trong các văn bản của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030.

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%; đầu tư cho KHCN đạt 1,5 - 2% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 1 - 1,2% và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 65 - 70%.

Những dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực khoa học công nghệ năm 2022
Chiến lược, phát triển KHCN và ĐMST đến năm 2030 là tiền đề quan trọng cho việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo cơ chế cho các ngành KHCN Việt Nam phát triển.

Chiến lược đã đặt ra 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KHCN và ĐMST. Một là, đổi mới cơ chế hoạt động KHCN và ĐMST, nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước về KHCN và ĐMST. Hai là, xây dựng hệ thống ĐMST quốc gia.

Ba là, thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho KHCN và ĐMST. Bốn là, phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức KHCN trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh.

Năm là, phát triển nguồn nhân lực KHCN và ĐMST có trình độ và năng lực sáng tạo cao. Sáu là, phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng KHCN và ĐMST. Bảy là, thúc đẩy hoạt động KHCN và ĐMST trong doanh nghiệp.

Tám là, chủ động đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về KHCN và ĐMST. Chín là, tăng cường các hoạt động tôn vinh, truyền thông, nâng cao nhận thức về KHCN và ĐMST.

Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Tại phiên họp ngày 16/6/2022 kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Phạm vi sửa đổi Luật SHTT khá rộng, với hơn 100 điều được sửa đổi, bổ sung. Luật. Trong đó nội dung liên quan đến việc giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước được quan tâm nhiều nhất.

Những dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực khoa học công nghệ năm 2022
Tại phiên họp ngày 16/6/2022 kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, Luật khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước

Luật quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, đồng thời có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành TW Đảng khóa 11.

Quy định này không chỉ khắc phục các bất cập hiện nay về việc đăng ký và khai thác các đối tượng quyền SHTT do nhà nước đầu tư mà còn là cú hích để khuyến khích các chủ thể nghiên cứu nhiệm vụ KHCN chủ động đăng ký, khai thác các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra.

Ngoài ra, các quy định mới còn thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích kinh tế cũng như đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội.

Triển khai thí điểm bộ chỉ số ĐMST địa phương.

Việc triển khai thí điểm xây dựng bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII) là nhiệm vụ Chính phủ giao Bộ KHCN. Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ KHCN thực hiện và triển khai thí điểm với 20 địa phương, từ đó rút kinh nghiệm cũng như hoàn thiện phương pháp, cách thức triển khai, đánh giá tác động của bộ chỉ số với các địa phương.

Những dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực khoa học công nghệ năm 2022
Các chỉ số cơ bản của GII và PII. (Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ)

Hiện Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) đánh giá dựa trên 80 tiêu chí. Với Việt Nam, nếu sử dụng GII, khi tính toán tại các địa phương ở Việt Nam sẽ chưa phù hợp hoàn toàn bởi nhiều địa phương còn thiếu hoặc thậm chí không thể cung cấp số liệu theo đủ các chỉ số của GII.

Bên cạnh đó, sự khác biệt giữa các địa phương về quy mô kinh tế xã hội, dân số đất đai, định hướng phát triển, nên không thể mang khung áp dụng cho từng địa phương.

Khung bộ chỉ số PII gồm 51 chỉ số, trong đó có 15 chỉ số sẽ lấy dữ liệu từ các địa phương; 36 chỉ số lấy dữ liệu từ các bộ, ngành và các tổ chức khác ở Trung ương.

Theo đó khung chỉ số PII được xây dựng mang tính tương đồng hơn, giúp từng địa phương có thể soi chiếu, từ đó điều chỉnh phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh. PII cũng được kỳ vọng là công cụ để đo lường kết quả ĐMST dự kiến áp dụng trên cả nước năm 2023.

Các Sở KHCN là đầu mối thu thập, tổng hợp dữ liệu của địa phương. Chỉ số PII do địa phương cung cấp gồm các chỉ số về thể chế; giáo dục; cơ sở hạ tầng; tín dụng; liên kết đổi mới sáng tạo; doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; tác động của đổi mới sáng tạo đến phát triển kinh tế - xã hội.

Thành công ra mắt “công nghệ phòng sạch” tại Việt Nam

INTECH Group đã nghiên cứu và chế tạo thành công phòng sạch đạt cấp độ cao nhất thế giới theo tiêu chuẩn NEBB Hoa Kỳ, góp phần nâng cao vị thế khoa học kỹ thuật Việt Nam trên thế giới. Đây là 1 trong 10 sự kiện KHCN nổi bật năm 2022 do Câu lạc bộ Nhà báo KH&CN Việt Nam bình chọn và công bố kết quả vào ngày 26/12.

Những dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực khoa học công nghệ năm 2022
INTECH Group đã nghiên cứu và chế tạo thành công phòng sạch đạt cấp độ cao nhất thế giới theo tiêu chuẩn NEBB Hoa Kỳ. (Ảnh: INTECH)

Theo đó, phòng sạch (còn gọi là cleanroom) là không gian kín mà tại đó môi trường hạt bụi kích thước micromet sẽ được kiểm soát dưới ngưỡng cho phép. Đây là môi trường ứng dụng trong nghiên cứu và sản xuất cho các lĩnh vực công nghệ cao như hàng không vũ trụ, bán dẫn, điện tử, quang học, công nghệ sinh học, y tế, dược phẩm.

Ra mắt dòng chíp vi mạch ứng dụng trong lĩnh vực y tế

Ngày 28/9/2022, FPT Semiconductor – Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch (trực thuộc FPT Software) chính thức ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế. Dòng chip này được thiết kế sản xuất tấm wafer - vật liệu nền để sản xuất chip vi mạch.

Những dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực khoa học công nghệ năm 2022
Mẫu tấm wafer chip vi mạch đầu tiên của FPT Semiconductor. (Ảnh: Internet)

Dự đoán của Technavio đến năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD. Bởi vậy, FPT Semiconductor đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp chip thương hiệu Việt cho chính các công ty, tập đoàn ở trong nước, góp phần khẳng định hóa giấc mơ sản xuất linh kiện bán dẫn khởi tạo bởi trí tuệ Việt.

Theo kế hoạch, doanh nghiệp này sẽ đưa ra thị trường thêm 7 dòng chip khác nhau trong năm 2023, phục vụ cho hàng loạt lĩnh vực công nghệ, viễn thông, IoT, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng, điện tử điện lạnh.

Ra mắt hệ sinh thái điện toán đám mây lớn nhất do người Việt làm chủ

Ngày 14/10/2022, Tập đoàn Viettel chính thức ra mắt hệ sinh thái điện toán đám mây (Viettel Cloud). Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số và góp phần vào phổ cập dịch vụ cloud tại Việt Nam. Được nghiên cứu và triển khai từ năm 2018, hệ sinh thái Viettel Cloud đến nay được đánh giá thuộc nhóm lớn nhất, hiện đại và an toàn nhất Việt Nam.

Cụ thể, Viettel Cloud sở hữu hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam, với 13 trung tâm dữ liệu, quy mô 9.000 rack trên 60.000 m2 mặt sàn. Tới năm 2025, Viettel Cloud sẽ được đầu tư 10.000 tỉ đồng để mở rộng quy mô lên 17.000 rack. Theo lộ trình, tới năm 2030, Viettel nâng mức đầu tư lên 40.000 tỉ đồng với quy mô 34.000 rack.

Những dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực khoa học công nghệ năm 2022
Tập đoàn Viettel cho ra mắt hệ sinh thái điện toán đám mây (Viettel Cloud) trong năm 2022. (Ảnh: Viettel)

Ngoài công nghệ bảo mật đạt tiêu chuẩn quốc tế, Viettel Cloud còn sở hữu năng lực kết nối siêu băng rộng với đường trục cáp quang lớn nhất khu vực Đông Dương và 5 tuyến cáp quang biển quốc tế và phủ sóng khắp 63 tỉnh, thành phố.

Hệ sinh thái sản phẩm Viettel Cloud với tổng hơn 70 sản phẩm dịch vụ trải rộng từ các dịch vụ ở mức hạ tầng vật lý như thuê chỗ đặt, cho tới các nền tảng dịch vụ như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái Viettel Cloud được xây dựng từ các công nghệ lõi mã nguồn mở thông dụng, nổi tiếng trên thế giới như mã nguồn mở OpenStack – nền tảng được công nhận và lựa chọn trong bộ tiêu chuẩn Điện toán đám mây dành cho Chính phủ điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, Kubernetes, Ceph, Prometheus, Grafana…

Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN đợt 6

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN là hai Giải thưởng cao quý nhất được Nhà nước ghi nhận, tôn vinh, trao tặng các nhà khoa học, tác giả, đồng tác giả của các công trình đặc biệt xuất sắc và có giá trị cao về KHCN.

Những đóng góp này có tác dụng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng và thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và sự nghiệp phát triển KHCN của đất nước.

Giải thưởng được triển khai từ năm 1996, cho đến nay đã có 6 đợt xét tặng. Năm nay, Lễ trao Giải thưởng được tổ chức tối ngay 23/11 tại tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Những dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực khoa học công nghệ năm 2022
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN lần thứ 6 được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 12/2022.

Trong đợt này, có 12 công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 17 công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước. Đây là kết quả dày công nghiên cứu với sự tâm huyết cống hiến trí tuệ, tài năng của 281 tác giả, đồng tác giả.

Có thể kể tới một số công trình, cụm công trình KHCN đã được vinh danh tại Lễ trao giải như:

- Công trình “Nghiên cứu công nghệ nghiền khô siêu mịn, nâng cao mức độ tự động hóa và hiệu quả sử dụng nhiệt trong sản xuất ngói cao cấp”, của tác giả Nguyễn Quang Mâu cùng 10 cộng sự;

- Cụm công trình "Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam", của TS. Ngô Hữu Hải và 27 đồng tác giả;

- Cụm công trình "Hệ thống trạm đo carota tổng hợp xách tay TBM-02 và bộ quy trình minh giải tài liệu địa vật lý LOGINTER 2.0", KS Nguyễn Xuân Quang và 10 đồng tác giả;

- Cụm công trình "Nghiên cứu chế tạo một số cảm biến khí có độ nhạy cao trên cơ sở vật liệu nano oxit kim loại bán dẫn và tổ hợp nano carbon bằng công nghệ vi điện tử", của GS.TS. Nguyễn Đức Chiến và 10 đồng tác giả.

… và nhiều công trình, cụm công trình khác.

Hoạt động trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN là sự kiện truyền cảm hứng cho đội ngũ nhân lực KHCN trình độ cao, khuyến khích cả xã hội gia tăng đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo.