Hàng loạt những quyết sách, giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương như thống nhất chuyển chủ trương từ “Không COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch”; thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; hỗ trợ tiêu thụ nông sản và các sản phẩm nông nghiệp; nới lỏng vận tải hành khách; mua hơn 75,4 nghìn tấn gạo hỗ trợ các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch… đã được đưa ra nhằm phòng, chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19.

Thủ tướng lưu ý 6 nguyên tắc cơ bản để thích ứng với tình hình mới: Y tế là trụ cột, là trung tâm; Kinh tế là cơ sở, là nền tảng; Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; Ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; Vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19
Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó COVID-19 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chính thức ra mắt nền tảng tương tác trực tuyến (VCCI-Workplace) để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thủ tưởng chỉ đạo tất cả các địa phương thành lập Tổ công tác phục hồi sản xuất do Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách. Các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh có kế hoạch khôi phục sản xuất, kinh doanh. Bộ Y tế, Tiểu ban Y tế ban hành hướng dẫn về tự xét nghiệm và huy động y tế tư nhân trong công tác phòng, chống dịch trên tinh thần tăng tính tự chủ, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Về xuất nhập cảnh, Tiêu ban An ninh - Trật tự phối hợp với các cơ quan sớm ban hành quy định mới; nghiên cứu công nhận “hộ chiếu vaccine” có tính chất đối đẳng. Bộ Thông tin và Truyền nhanh chóng hoàn thành việc thống nhất các ứng dụng phòng, chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân và có giải pháp cả cho những người không có điện thoại thông minh.

Trong tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Chỉ thị yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp; bảo đảm đáp ứng đầy đủ nông sản cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến, xuất khẩu trong mọi tình huống, đặc biệt là các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán; chỉ đạo và tăng cường giám sát việc tái cơ cấu nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP) bảo đảm tiến độ và hiệu quả; xây dựng, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế số trong nông nghiệp; chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống các loại dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng và thủy sản…

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-BGTVT về tăng cường công tác vận tải hỗ trợ tiêu thụ nông sản và các sản phẩm nông nghiệp trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19 nhằm tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Để chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả việc phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện phương án huy động phương tiện, người điều khiển phương tiện tổ chức vận tải.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có Công điện gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố về việc kiểm tra, xử lý vướng mắc trong tổ chức giao thông, tạo thuận lợi cho công tác vận chuyển hàng hóa, nhu cầu đi lại của người dân trong giai đoạn mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố yêu cầu cơ quan chức năng của tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã rà soát quy định do địa phương ban hành chưa đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan dẫn đến ùn tắc giao thông cục bộ, đặc biệt tại tuyến tỉnh lộ, tuyến liên huyện, liên xã; chủ động bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp.

Trong dự thảo mới (lần 2) về tổ chức hoạt động vận tải trong tình hình mới, Bộ Giao thông Vận tải đã bỏ quy định về tiêm vaccine đối với hành khách liên tỉnh cũng như nới lỏng một số quy định về vận tải hành khách… Bộ Giao thông Vận tải quy định không tổ chức vận tải hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đang cư trú tại địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trừ các trường hợp được cấp có thẩm cho phép. Các cảng hàng không, ga đường sắt ở địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg được hoạt động và tiếp nhận hành khách để đi, đến các địa phương khác không áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã có Công văn số 5854/BCT-TTTN ngày 23/9 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn mở cửa trở lại đối với chợ truyền thống, chợ đầu mối.

Bên cạnh đó, Tổng cục Dự trữ nhà nước (Bộ Tài chính) đã ký hợp đồng mua hơn 75,4 nghìn tấn gạo để hỗ trợ người dân 9 tỉnh, thành phố phía Nam trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, đã có 3 doanh nghiệp trúng thầu lần lượt 2 gói 25 nghìn tấn gạo và một gói 25,413 nghìn tấn gạo. Hình thức đấu thầu gạo lần này được tổ chức theo Điều 26 của Luật Đấu thầu năm 2013.

Số gạo trúng thầu lần này sẽ được vận chuyển trực tiếp đến trung tâm các huyện thị của 9 tỉnh gồm: Bình Dương, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau, thành phố Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tối đa là 15 ngày kể từ khi ký hợp đồng. Đây là số lượng gạo nằm trong tổng số hơn 130.000 tấn gạo đã được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái quyết định giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền cho 24 địa phương.

Cũng trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản 6561/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về một số vấn đề trong hoạt động. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng các kịch bản ứng phó trong trường hợp dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt hoạt động của nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng.

Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó COVID-19 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chính thức ra mắt nền tảng tương tác trực tuyến (VCCI-Workplace) để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh. Tất cả các doanh nghiệp đều có thể tham gia làm thành viên Hội đồng, nhưng chỉ lãnh đạo doanh nghiệp là Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc mới được cấp quyền tương tác trên nền tảng này. Các đại diện doanh nghiệp đăng ký tham gia trên website của Hội đồng tại địa chỉ website: https://covid19.vcci.vn.