Nhóm cổ phiếu thép, dầu khí có triển vọng bứt phá trong năm 2024

Dự báo về nhóm cổ phiếu ngành thép

Dự báo lợi nhuận ngành thép có thể tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2024, nhờ nhu cầu và giá thép hồi phục.

Năm 2023, tổng sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước chứng kiến sự sụt giảm do ảnh hưởng của nền kinh tế vĩ mô cũng như thị trường bất động sản nói riêng. Trong 11 tháng đầu năm 2023, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng, tôn mạ và ống thép lần lượt giảm 13.5%, 6% và 0.9% so với cùng kỳ, đạt 9.73 triệu tấn, 3.81 triệu tấn và 2.22 triệu tấn.

Tình hình năm 2023 khá giống năm 2012, thời điểm nhu cầu thép xây dựng cũng giảm khoảng 7% so với cùng kỳ do tăng trưởng GDP giảm tốc và thị trường bất động sản đóng bang. Trong đó, sản lượng tiêu thụ nội địa của thép xây dựng, tôn mạ và ống thép đều giảm. Với kênh xuất khẩu, tiêu thụ thép xây dựng giảm 23.3% so với cùng kỳ, trong khi tiêu thụ tôn mạ tăng gần 17%.

Nhìn về năm 2024, các chuyên viên phân tích kỳ vọng nhu cầu có thể phục hồi, đặc biệt tại thị trường nội địa. Họ đề cập tới sự hồi phục về sản lượng tiêu thụ trong những tháng cuối năm như lý do để kỳ vọng vào sự hồi phục. Trong giai đoạn từ tháng 9-11/2023, tiêu thụ thép xây dựng nội địa đã tăng 13% so với cùng kỳ, sau khi giảm 20% trong 8 tháng đầu năm.

Nhóm cổ phiếu thép, dầu khí có triển vọng bứt phá trong năm 2024
Dự báo lợi nhuận ngành thép có thể tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2024. (Ảnh minh họa)

“Kỳ vọng tổng sản lượng tiêu thụ thép phục hồi hơn 6% trong năm 2024, trong đó tiêu thụ nội địa đạt mức tăng trưởng gần 7%”, các chuyên viên phân tích cho biết. “Mức tiêu thụ thép trong năm 2024 sẽ được hỗ trợ nhờ tình hình vĩ mô và thị trường bất động sản khởi sắc hơn”.

Với kênh xuất khẩu, dự báo sẽ duy trì tăng trưởng nhờ triển vọng nhu cầu toàn cầu tích cực. Theo Hiệp hội thép thế giới, nhu cầu thép thế giới dự kiến tăng 1.9% trong năm 2024 so với 1.8% năm 2023, trong đó nhu cầu của Mỹ và châu Âu lần lượt tăng 5.8% và 1.6% sau khi giảm 5.1% và 1.1% trong năm 2023.

“Kỳ vọng sản lượng xuất khẩu sẽ cải thiện trong quý đầu tiên, do chênh lệch giữa giá thép ở Bắc Mỹ và châu Âu so với giá thép ở Việt Nam ngày càng tăng. Ngoài ra, châu Âu kiểm soát chặt hơn việc nhập thép bán thành phẩm do Nga sản xuất trong năm 2024 cũng sẽ hỗ trợ xuất khẩu thép Việt Nam sang châu Âu”, các chuyên viên phân tích cho biết.

Nhóm cổ phiếu thép, dầu khí có triển vọng bứt phá trong năm 2024
Biên lợi nhuận ròng của các công ty thép qua các năm. (Nguồn: SSI)

Về giá thép, các chuyên viên phân tích kỳ vọng sẽ hồi phục trong năm 2024 nhờ cung cầu cân bằng hơn. Đáng chú ý, tồn kho thép ở Trung Quốc đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây, từ đó giúp giảm áp lực dư cung trên toàn cầu trong thời gian tới.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích không kỳ vọng giá thép sẽ tăng mạnh vì nhu cầu chung vẫn bị ảnh hưởng bởi nhu cầu yếu ở Trung Quốc do thị trường bất động sản chưa có nhiều khởi sắc. Mặt khác, sự gia tăng giá thép so với chi phí nguyên liệu đầu vào có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất ở Trung Quốc quay trở lại.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp thép đã chạm đáy trong năm 2023 và sẽ hồi phục trong năm nay. Kỳ vọng lợi nhuận của các công ty thép sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024 so với mức nền thấp năm 2023. Điều này là nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện, đặc biệt của HPG và HSG, và biên lợi nhuận gộp tăng trở lại từ mức thấp trong nhiều năm do giá thép nhiều khả năng đã kết thúc xu hướng giảm của những năm trước.

Mức tăng trưởng lợi nhuận có thể cao hơn trong nửa đầu năm 2024 nhờ mức nền lợi nhuận thấp trong nửa đầu năm 2023. Xu hướng phục hồi có thể được duy trì sau năm 2024, nhưng cảnh báo nhu cầu tiêu thụ và biên lợi nhuận vẫn còn khả năng biến động mạnh.

Về phần cổ phiếu ngành thép, các chuyên viên phân tích không đánh giá quá cao nhóm này dù kỳ vọng lợi nhuận phục hồi trong năm 2024. Lý do là vì giá cổ phiếu thép đã tăng mạnh trong năm 2023 và định giá đã ở mức cao, phần nào phản ánh triển vọng lợi nhuận 1 năm của ngành.

Theo thống kê, giá cổ phiếu thép đã tăng trung bình 58% trong năm 2023, cao hơn 46% so với VN-Index. Tiềm năng tăng trưởng cho giai đoạn tới của nhóm này được ghi nhận từ 8 - 10%, đặc biệt nửa đầu năm 2024. Một số cổ phiếu cần quan tâm như HPG, HSG, NKG...

Dự báo về nhóm cổ phiếu ngành dầu khí

Nhóm cổ phiếu thép, dầu khí có triển vọng bứt phá trong năm 2024
Kỳ vọng lợi nhuận các công ty, dự án dầu khí vẫn tăng, trong khi giá dầu có thể giảm nhẹ. (Ảnh minh họa)

Triển vọng cổ phiếu dầu khí với điểm nhấn giá dầu trung bình năm 2024 có thể duy trì ổn định hoặc giảm nhẹ so với mức giá trung bình năm 2023 do nhu cầu có thể tăng trưởng chậm lại trong khi sản lượng tăng.

Kỳ vọng giá dầu trung bình sẽ đạt mức 75-85 USD/thùng trong năm 2024 so với mức trung bình 82 USD/thùng so với đầu năm. Theo Wood Mackenzie, mức giá này vẫn mang lại lợi nhuận cho phần lớn các công ty, dự án ngành dầu khí

Theo EIA, nhu cầu dầu toàn cầu dự báo tăng 2,3 triệu thùng/ngày lên 101,7 triệu thùng/ngày trong năm 2023, cao hơn mức tăng chậm 1,8 triệu thùng/ngày của nguồn cung (đạt 101,9 triệu thùng/ngày).

Trong năm 2024, tăng trưởng nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại còn 1,1 triệu thùng/ngày. Mặt khác, mặc dù OPEC+ tiếp tục cắt giảm 2,2 triệu thùng trong Q1/2024, nguồn cung dự kiến sẽ tăng 1,2 triệu thùng/ngày từ các quốc gia không thuộc OPEC+, đặc biệt là Mỹ, Brazil và Iran. Nguồn cung từ Mỹ ước tính tăng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2023, chiếm 2/3 mức tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC+, so với mức giảm 400 nghìn thùng/ngày của OPEC+.

Trong năm 2024, với dự báo giá dầu khó tăng mạnh, dự án Block B vẫn sẽ là động lực chính của ngành dầu khí với tính chất khá cấp thiệt để bù đắp cho các mỏ khí nội địa đang dần cạn kiệt trong thời gian tới. Chính phủ Việt Nam vẫn duy trì mục tiêu khai thác dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026.

Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại trong việc giải quyết FID, đặc biệt là việc ký kết GSPA/GSA với cả sản lượng cam kết, giá khí và quyết định đầu tư cuối cùng cho dự án nhà máy điện Ô Môn 3 & 4. Những vấn đề này cần được Chính phủ làm rõ và đưa ra các biện pháp cụ thể hơn. Tuy nhiên, tin tức cập nhật về dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ giá cổ phiếu ngành dầu khí, đặc biệt là các công ty thượng nguồn.

Năm 2023 là năm ghi nhận sự phân hóa về tăng trưởng lợi nhuận của các công ty dầu khí, trong đó các công ty trung nguồn như BSR và GAS có sự sụt giảm lợi nhuận đáng kể so với mức đỉnh năm 2022 do giá dầu giảm. Ngược lại, các công ty thượng nguồn như PVS và PVD đã đạt được sự phục hồi lợi nhuận tích cực nhờ hoạt động E&P sôi động hơn.

Nhóm cổ phiếu thép, dầu khí có triển vọng bứt phá trong năm 2024
Diễn biến giá dầu Brent qua các năm. (Nguồn: SSI)

Xu hướng này có thể tiếp diễn trong năm 2024. Những cổ phiếu trung nguồn như GAS và BSR có thể tiếp tục ghi nhận mức lợi nhuận giảm khoảng 5%-10% do sản lượng tiêu thụ giảm do các mỏ hiện tại đang dần cạn kiệt (đối với GAS) và nhà máy tạm dừng hoạt động để bảo trì (đối với BSR). PLX sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi dương do sản lượng tăng trưởng ổn định và khả năng giảm trích lập dự phòng hàng tồn kho, ngoài ra năm 2023 công ty dự kiến ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường hơn 650 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn PGB.

Ngược lại, các công ty thượng nguồn như PVD và PVS sẽ có thể duy trì đà tăng trưởng nhờ vào hoạt động E&P sôi động trong khu vực và được hưởng lợi chính từ dự án Block B.

Dự báo PVD sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong ngành, (tăng khoảng 80%) phần lớn nhờ công suất hoạt động cao hơn và giá cho thuê giàn khoan ổn định.

Về mặt định giá, mức tăng trưởng lợi nhuận đã phần nào phản ánh vào giá: Mức định giá của các cổ phiếu thượng nguồn như PVS và PVD đã được duy trì ở mức cao trong năm 2023 nhờ triển vọng dài hạn tích cực. Tuy nhiên, P/E TTM hiện tại vẫn thấp hơn mức đỉnh trong năm 2021. Ngược lại, mức định giá của các cổ phiếu trung nguồn như GAS, PLX và BSR đã giảm do triển vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 giảm.