Trong báo cáo triển vọng ngành quý 2/2022 với chủ đề "Mùa biển động", CTCP Chứng khoán BIDV- BSC duy trì quan điểm dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức khả quan, theo đó, nhiều nhóm ngành nghề tiếp tục hưởng lợi xu thế phục hồi hậu dịch Covid-19.

Ngoài ra, BSC nhấn mạnh tâm điểm hướng đến của dòng tiền là các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, có câu chuyện riêng đi kèm yếu tố tăng trưởng lợi nhuận và bảng cân đối tài chính khỏe mạnh.

BSC: Duy trì quan điểm khả quan cho ngành Bất động sản khu công nghiệp
Nhóm cổ phiếu triển vọng đáng "xuống tiền" nửa cuối năm 2022. Hình minh họa.

Chiến lược đầu tư nào cho nửa cuối năm 2022?

Trên cơ sở Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hạ tầng và thu hút FDI, BSC khuyến nghị đầu tư một số nhóm ngành triển vọng năm 2022 được hưởng lợi từ chương trình đầu tư công bao gồm:

Bất động sản thương mại

BSC cho rằng, phân khúc cao cấp tiếp tục dẫn dắt thị trường Hồ Chí Minh trong bối cảnh nguồn cung vẫn còn rất hạn chế giúp cho giá bán BQ tiếp tục ghi kỷ lục mới. Nguồn cung căn hộ dự báo được phục hồi trở lại trong năm 2022.

Kết quả kinh doanh năm 2021 và kế hoạch kinh doanh năm 2022 của hầu hết các doanh nghiệp BĐS vẫn duy trì mức tăng trưởng khả quan hai chữ số. Giá trị mở bán mới Pre-sales của một số doanh nghiệp niêm yết lớn dự kiến đạt mức đỉnh trong giai đoạn 5 năm trở lại đây.

Ngoài ra, TPDN trở thành kênh huy động chính của các doanh nghiệp BĐS niêm yết tuy nhiên tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sỡ hữu của ngành vẫn ở mức an toàn. Theo đó, BSC duy trì quan điểm KHẢ QUAN đối với ngành Bất động sản thương mại.

Cổ phiếu lưu ý: DXG, NLG, VHM, KDH, NVL

Bất động sản khu công nghiệp

Theo BSC, Việt Nam vẫn là điểm đến tiềm năng, hấp dẫn với các nhà sản xuất trên thế giới trong khi hoạt động FDI trên quy mô quốc tế vẫn chưa hồi phục. Mặt khác, dịch bệnh không còn là rào cản dẫn đến sự đình trệ trong tiến độ giao dịch trong 2022 của KCN khi Việt Nam dần nối lại các chuyến bay quốc tế và tỷ lệ bao phủ vaccine cho người trong độ tuổi lao động ở Việt Nam đã là 100%.

Ngoài ra, “Mở khóa” nguồn cung đất khu công nghiệp trong 2021 và xu hướng dịch chuyển mở rộng ra các khu vực tỉnh thành cấp 2-3. Thêm vào đó, hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng xã hội sẽ giải quyết nút thắt cổ chai “logistic” và nguồn nhân lực, hỗ trợ cho ngành Bất động sản KCN.

Theo đó, BSC duy trì quan điểm KHẢ QUAN đối với ngành Bất động sản KCN.

Cổ phiếu lưu ý: BCM, KBC, LHG, SZC, GVR

Đá xây dựng

BSC đánh giá, triển vọng kết quả kinh doanh tích cực trong 2022 nhờ (1) Mức nền thấp 2021 và (2) Tiến độ giải ngân đầu tư công kì vọng được đẩy mạnh và bất động sản dân dụng phục hồi.

Theo đó, BSC duy trì KHẢ QUAN cho ngành Đá xây dựng trong năm 2022.

Cổ phiếu lưu ý: CTI, DHA, KSB

Đồng thời, nhà đầu tư nên xem xét phân bổ tỷ trọng danh mục các cổ phiếu hưởng lợi từ phục hồi kinh tế Việt Nam hậu đại dịch gồm các nhóm ngành:

CNTT-Bưu chính viễn thông

Dịch vụ Mobile Money đạt số lượng người sử dụng là 835.000 người sau 3 tháng triển khai thí điểm. Năm 2022, BSC cho rằng triển vọng ngành Công nghệ và Viễn thông tích cực do (1) Xu hướng Chuyển đổi số tiếp diễn và Đầu tư vào Giao thông thông minh của Chính phủ và (2) Mạng 5G thúc đẩy HĐKD các doanh nghiệp Viễn thông.

Theo đó, BSC duy trì quan điểm KHẢ QUAN với ngành Công nghệ thông tin – Bưu chính viễn thông năm 2022.

Cổ phiếu lưu ý: FPT, ELC, ITD

Ngân hàng

Trong năm 2022, BSC cho rằng nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao ~14%, được hỗ trợ bởi (1) Tiếp tục hồi phục nền kinh tế sau dịch bệnh và (2) Gói hỗ trợ ước tính ~350.000 tỷ đồng trong 2-3 năm tới.

BSC cho rằng, NIM năm 2022 sẽ +35bps so với năm 2021 do (1) Phục hồi kinh tế giúp tăng trưởng tín dụng cao; (2) Lãi suất cho vay phục hồi sau thời gian hỗ trợ và (3) Tăng cơ cấu CASA trong năm 2022 giúp giảm chi phí vốn. Trong năm 2022, BSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của ngành Ngân hàng sẽ đạt mức 22,2% nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi nhuận thấp hơn trong năm 2021.

Hiện nay, ngành Ngân hàng đang được định giá ở mức 1,5x P/B F2022 tính đến hết ngày 11/01/2022, chúng tôi cho rằng sức khỏe tài chính của các Ngân hàng hiện nay xứng đáng có mức định giá cao hơn so với thời điểm hiện tại.

Dầu khí

Giá dầu tiếp tục duy trì đà tăng, mặc dù biến động với biên độ lớn trong giai đoạn đầu năm 2022. Nguồn cung trong ngắn hạn dự kiến sẽ được phục hồi, nhờ việc tăng sản lượng dầu thô từ một số quốc gia. Một số dự án dầu khí đã bắt đầu có những dấu hiệu tích cực, và kỳ vọng sớm được khởi công trong thời gian tới.

BSC giữ quan điểm KHẢ QUAN đối với nhóm ngành Dầu khí năm 2022 với giả định giá dầu thế giới đạt mức trung bình 90 USD/thùng, và khuyến nghị MUA với nhóm cổ phiếu: GAS, PLX, PVT.

Tiêu dùng– Bán lẻ

Nhóm tiêu dùng – Bán lẻ trở lại đường đua sau covid 19. Trong “trạng thái bình thường mới” mở ra triển vọng khả quan của ngành Tiêu dùng bán lẻ trong 2022.

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 đẩy nhanh cuộc cách mạng toàn diện trong ngành Bán lẻ trong 2022. Theo đó, BSC duy trì KHẢ QUAN cho ngành Tiêu dùng bán lẻ trong năm 2022.

Cổ phiếu lưu ý: MSN, MWG, MCM, FRT, PET, DGW, PSD, PNJ

Phân bón – Hóa chất

BSC cho rằng, triển vọng ngành Phân bón năm 2022 tích cực dựa trên: (1) Nhu cầu phân bón tích cực trong khi nguồn cung bị hạn chế và (2) Hưởng lợi từ chiến tranh Nga – Ukraine và quyết định tạm ngưng xuất khẩu phân bón của Nga và Trung Quốc. Theo đó, BSC duy trì quan điểm KHẢ QUAN đối với ngành Phân bón trong năm 2022.

Đối với ngành Hóa chất, BSC cho rằng động lực tăng trưởng chính trong năm 2022 tiếp tục đến từ việc giá bán trên thế giới neo ở mức cao giúp cho các doanh nghiệp được hưởng lợi (vd: DGC, CSV). Trong khi đó, sản lượng sẽ gặp thách thức trong việc tăng trưởng khi các doanh nghiệp không có kế hoạch mở rộng mới.

Cổ phiếu lưu ý: DPM, DCM, DGC, CSV

Theo sau, các nhóm ngành hưởng lợi và phục hồi nhu cầu từ thế giới hậu Covid-19 như Cảng biển và Vận tải biển, Dệt may, Thủy sản hay Cao su cũng được BSC dự báo khả quan trong giai đoạn tới.

Cảng biển và vận tải biển

Sản lượng hàng hóa thông qua Cảng biển Việt Nam trong Q1/2022 đạt 179 triệu tấn (+4%YoY) nhờ (1) Các nền kinh tế toàn cầu tiếp tục nới lỏng giao thương và (2) Các hiệp định FTA mới có hiệu quả. LNTT các doanh nghiệp cảng biển trong Q1/2022 ước tính tăng mạnh +25- 35%YoY nhờ (1) Hưởng lợi từ sự hồi phục toàn ngành và (2) Tăng trưởng sản lượng, cải thiện hiệu suất hoạt động.

BSC đánh giá KQKD của phần lớn các doanh nghiệp cảng biển sẽ duy trì TÍCH CỰC năm 2022 nhờ (1) Tăng trưởng sản lượng từ các cảng mới và (2) Cải thiện hiệu suất hoạt động tại các cảng hiện hữu. BSC ước tính KQKD của các doanh nghiệp vận tải biển có sự phân hóa mạnh trong Q1/2022 do diễn biến khác nhau giữa các thị trường hàng hóa vận tải.

Ngoài ra, BSC đánh giá KQKD của các doanh nghiệp vận tải biển (PVT, HAH) sẽ TÍCH CỰC trong năm 2022 nhờ (1) Sản lượng vận tải gia tăng từ đội tàu mới và (2) Giá cước vận tải kỳ vọng tăng +10%YoY.

Theo đó, BSC khuyến nghị KHẢ QUAN với ngành Cảng biển & Vận tải biển năm 2022.

Cổ phiếu lưu ý: GMD, VSC, PVT, HAH.

Đặc biệt, BSC cũng lưu ý nhà đầu tư cần thận trọng quan sát tình hình chiến tranh Nga – Ukraina, rủi ro FED nâng lãi suất hay việc đứt gãy nguồn cung do chính sách Zero Covid của Trung Quốc.