Nhận định thị trường tài chính thế giới (từ ngày 1/1-7/1/2024): Đồng USD có xu hướng giảm, cơ hội cho vàng?
Nhận định thị trường tài chính thế giới năm 2024 sẽ tăng trưởng chậm hơn, tiếp nối sau năm 2023 đầy "sóng gió".

Nhìn lại kinh tế thế giới năm 2023: Vẫn có nhiều điểm sáng

Theo báo cáo của IMF, kinh tế thế giới 2023 vẫn chưa khôi phục về mức trước đại dịch COVID-19. Cơ quan này dự đoán rằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chung của thế giới năm nay sẽ tăng 3,3%-3,5% (thấp hơn mức trung bình 3,8% của giai đoạn 2000-2019).

Trong khi đó, lạm phát trung bình của thế giới vẫn ở mức cao 5,9%, dù giảm đáng kể so với mức 9,2% của năm 2022. Dù tăng trưởng có phần chậm lại, nhưng nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của các nước và các tổ chức kinh tế, nền kinh tế thế giới 2023 đã tránh được nguy cơ rơi vào suy thoái.

Kinh tế Mỹ là điểm sáng, khi đã có những bước tăng trưởng vượt bậc trong những tháng cuối năm 2023. Tăng trưởng GDP quý III-2023 của Mỹ đạt mức 4,9%, cao nhất trong hai năm qua. Tỉ lệ lạm phát cũng dần được kiểm soát, ở mức 3,1% trong tháng 11. Thị trường việc làm và giá cả tiêu dùng cũng dần ổn định.

Một điểm sáng nữa trong kinh tế toàn cầu 2023 là việc châu Á vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định trong năm qua, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Mức tăng trưởng kinh tế của khu vực này dự kiến đạt 4,9% trong năm 2023, cao hơn mức 4,7% của năm ngoái.

Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc và đà tăng trưởng của Ấn Độ là những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng của khu vực. Kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, cao hơn so với mức 3% hồi 2022. Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm 2023 - là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm.

Ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, các nền kinh tế khác trong khu vực cũng đang cho thấy những tín hiệu tích cực, Indonesia dự kiến sẽ tăng trưởng 5,1% và Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 6,7%.

Triển vọng kinh tế thế giới năm 2024

Các nhà phân tích chỉ ra mặc dù tốc độ tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm hơn vào năm 2024, nhưng những kịch bản tồi tệ nhất có lẽ đã qua.

Nhận định thị trường tài chính thế giới (từ ngày 1/1-7/1/2024): Đồng USD có xu hướng giảm, cơ hội cho vàng?
Các nhà phân tích dự báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm hơn vào năm 2024.

Thứ nhất, nền kinh tế thế giới đã thể hiện khả năng phục hồi đáng chú ý. Từ năm 2020, kinh tế thế giới liên tiếp hứng chịu các cú sốc do đại dịch, xung đột ở châu Âu và gián đoạn chuỗi cung ứng. Tất cả những yếu tố này gây ra lạm phát cao kỷ lục và chu kỳ tăng lãi suất cao nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, các nền kinh tế trên thế giới đã thích nghi tốt hơn kỳ vọng và điều này tiếp tục diễn ra trong năm 2023.

Theo chỉ số toàn cầu của Fitch Ratings, trong quý 3/2023, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới cao hơn 9% so với mức trước đại dịch. Các doanh nghiệp đã điều chỉnh lại hệ thống hậu cần, châu Âu giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, trong khi lãi suất tăng cao không dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến. Sức bền này cung cấp một nền tảng vững chắc cho năm 2024.

Thứ hai, lạm phát đang giảm nhanh. Lạm phát toàn cầu ở mức 8,9% vào năm ngoái và dự kiến sẽ giảm xuống 5,1% vào cuối năm 2024. Lạm phát giá thực phẩm - từ lúa mỳ đến dầu ăn - đã giảm mạnh, trong khi giá năng lượng cao cũng đang giảm dần. Các cú sốc của chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch cũng giảm bớt. Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ vẫn ở mức cao, nhưng là do thị trường việc làm ổn định và tăng trưởng tiền lương nhanh chóng.

Thứ ba, các ngân hàng trung ương lớn hiện có khả năng sẽ giảm lãi suất vào đầu năm 2024, sớm hơn so với dự kiến. Đây là tin tốt cho nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp.

Thứ tư, là sự bùng nổ của thị trường tài chính. Các chỉ số hàng đầu của Phố Wall gần hoặc vượt mức cao kỷ lục trong tháng 12/2023. Thị trường trái phiếu cũng kết thúc năm một cách mạnh mẽ. Và cơ hội "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế Mỹ trong năm 2024 đã tăng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thành công trong việc kiểm soát lạm phát mà không gây suy thoái. Tuy nhiên, không phải tất cả các nền kinh tế đều được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt. Kinh tế đã chững lại ở Anh và Đức.

Nhận định thị trường tài chính thế giới (từ ngày 1/1-7/1/2024): Đồng USD có xu hướng giảm, cơ hội cho vàng?
Nền kinh tế thế giới đã thể hiện khả năng phục hồi đáng chú ý.

Thứ năm, sự phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc cũng gây thất vọng. Nhưng nhiều nền kinh tế khác đang hứa hẹn có triển vọng tốt. Ấn Độ, Mexico và Việt Nam đang hưởng lợi từ sự thay đổi mô hình thương mại và các nhà đầu tư mong muốn tăng đầu tư vào các thị trường này trong năm tới. Quản lý kinh tế thận trọng cũng được thực hiện tại nhiều nước. Nợ chính phủ của Hy Lạp đã trở lại mức khuyến nghị đầu tư sau một thập kỷ gián đoạn. Các ngân hàng trung ương ở nhiều nước đang phát triển cũng đi đầu trong việc kiểm soát lạm phát.

Thứ sáu, 2023 là một năm tốt đối với lĩnh vực công nghệ. ChatGPT đã trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất mọi thời đại và tiếng vang về AI tạo sinh đã giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán. Việc các doanh nghiệp áp dụng AI tạo sinh vào năm 2024 có thể giúp hỗ trợ tăng năng suất, vốn đã có những dấu hiệu khởi sắc ở Mỹ trong năm 2023.

Việc phê duyệt đối với thuốc giảm cân, như Wegovy của Novo Nordisk, có thể giúp giảm bớt gánh nặng chăm sóc sức khỏe. Và sự tiến bộ của Toyota về pin thể rắn có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho ngành công nghiệp xe điện.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm hơn vào năm 2024, nhưng nhìn chung các chuyên gia kinh tế đều nhận định, điều tồi tệ nhất có lẽ đã qua và các trở lực dự kiến sẽ giảm bớt. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho toàn cầu trong năm tới, bất chấp dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm, chỉ ở mức 4,5%. Nền kinh tế đứng đầu thế giới là Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại và hầu hết khu vực châu Âu sẽ “hạ cánh mềm” trong năm 2024.

Nhận định thị trường tài chính thế giới tuần 1-7/1/2024

Đồng USD giảm so với các đồng tiền lớn khác

Nhận định thị trường tài chính thế giới (từ ngày 1/1-7/1/2024): Đồng USD có xu hướng giảm, cơ hội cho vàng?
Đồng USD có thể ghi nhận năm tồi tệ nhất vào 2024.

Năm 2024, đồng USD có thể ghi nhận năm tồi tệ nhất kể từ dịch COVID-19 khi kỳ vọng Fed sớm giảm lãi suất. Sau khi trồi sụt theo các dự báo về lộ trình lãi suất của Fed, chỉ số đồng USD của Bloomberg đã giảm gần 3% từ đầu năm. Nếu mức này được duy trì, đồng bạc xanh sẽ ghi nhận năm giảm mạnh nhất kể từ năm 2020.

Đồng USD dịch chuyển ngược hướng với đồng Bảng Anh và đồng Franc Thụy Sỹ. Trong đó, đồng Bảng Anh đã tăng hơn 5% so với USD trong năm 2023, mức tăng tốt nhất kể từ các cuộc bầu cử Brexit năm 2017. Ở Thụy Sỹ, đồng Franc có mức tăng tốt nhất kể từ năm 2010, khi các nhà giao dịch dự báo NHTW nước này sẽ giữ chính sách thắt chặt lâu hơn các quốc gia khác, ngay cả khi các quan chức Thụy Sỹ đưa ra giọng điệu bồ câu trong cuộc họp ngày 14/12.

Giá vàng thế giới

Nhận định thị trường tài chính thế giới (từ ngày 1/1-7/1/2024): Đồng USD có xu hướng giảm, cơ hội cho vàng?
Vàng có thể tăng giá khi đồng USD yếu đi.

Vàng kết thúc năm 2023 trên mức 2063 USD, các chỉ số kỹ thuật cho thấy giá sẽ tăng trong tháng 1. Vào thời điểm tháng 9/2022 giá vàng trong phạm vi 1640 USD, vượt xa mức cao nhất sau chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine và lãi suất cao đã tạo thêm những trở ngại cho kim loại quý này. Tuy nhiên, lãi suất thậm chí còn tăng cao hơn trong năm 2023, nhưng vàng giao ngay vẫn kết thúc ngày giao dịch cuối cùng của năm ở mức 2.063,45 USD.

Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất hạ sẽ khiến đồng USD yếu đi, làm gia tăng sức hấp dẫn của các tài sản như vàng. Những đặt cược về việc Fed cắt giảm lãi suất đã được củng cố sau khi lạm phát tiếp tục hạ nhiệt. Các nhà giao dịch hiện đang đặt cược ngân hàng trung ương này có 88% khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp tháng 3/2024. Qua đó các nhà phân tích dự đoán giá vàng sẽ tăng vững chắc trong năm 2024.

Giá dầu thế giới

Giá dầu khép lại năm 2023 với mức giảm hơn 10%, khi các nhà giao dịch lo ngại về tình trạng dư cung trên thị trường vì nguồn sản lượng từ các quốc gia bên ngoài nhóm OPEC. Mỹ sản xuất dầu ở mức kỷ lục, bơm 13.3 triệu thùng/ngày trong tuần trước. Sản lượng cũng đạt kỷ lục ở Brazil và Guyana. Hoạt động sản xuất kỷ lục bên ngoài nhóm OPEC diễn ra ngay khi các nền kinh tế lớn chững lại, đáng chú ý nhất là Trung Quốc.

Giá dầu WTI giảm 10.73% trong năm 2023, còn dầu Brent sụt 10.32%. Cả hai hợp đồng đều có năm giảm đầu tiên kể từ năm 2020, bất chấp tình trạng căng thẳng đang diễn ra ở Trung Đông.

CEO Occidental và Morgan Stanley dự báo giá dầu WTI hồi phục vào năm 2024, lên mức trung bình 80 USD/thùng. Còn Wells Fargo dự báo WTI đạt mức trung bình 71.5 USD/thùng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán toàn cầu ghi nhận năm tuyệt vời nhất kể từ năm 2019, chủ yếu nhờ 2 tháng tăng nóng cuối năm, trong bối cảnh giới đầu tư đặt cược vào khả năng giảm lãi suất trong năm 2024.

Chỉ số MSCI Thế giới - theo dõi các thị trường cổ phiếu phát triển trên toàn cầu, đã tăng 16% trong 2 tháng cuối năm và 22% trong năm 2023. Điều này phần lớn nhờ chỉ số S&P 500 tăng 24% và Nasdaq Compsite vọt gần 44% trong năm 2023.

Nhận định thị trường tài chính thế giới (tuần 1-7/1/2024): Đồng USD có xu hướng giảm, cơ hội cho vàng?
Diễn biến các chỉ số chứng khoán thế giới 2023. (Nguồn: Financial Times)

Chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh mẽ sau giai đoạn đầy khổ ải trong năm 2022. Góp phần thúc đẩy thị trường tăng mạnh trong năm 2023, sự hưng phấn xoay quanh trí tuệ nhân tạo (AI). Nhóm cổ phiếu “Magnificent 7”, bao gồm Apple, Microsoft, Alphabet (công ty mẹ Google), Amazon.com, Nvidia, Meta Platforms và Tesla, góp công lớn trong đà tăng mạnh của các chỉ số trên Phố Wall.

RBC Capital Markets đưa ra dự báo lạc quan với lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của S&P 500 sẽ tăng khoảng 4% vào năm 2024. Các cổ phiếu giá trị vốn hóa nhỏ sẽ là mục tiêu “hấp dẫn” với nhà đầu tư khi bước vào năm mới.

Các chuyên gia của Goldman Sachs đánh giá, đà tăng của chứng khoán Mỹ sẽ tập trung chủ yếu vào nửa cuối năm 2024. Khi những thận trọng liên quan đến cuộc bầu cử tại Mỹ sẽ hạn chế tâm lý sẵn sàng chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư đàu năm 2024. Đến giai đoạn cuối năm, những bất ổn liên quan đến bầu cử được giải quyết, cùng với việc Fed cắt giảm lãi suất, sẽ nâng giá cổ phiếu tại Phố Wall”.

Thành tích vượt trội của một số cổ phiếu công nghệ có giá trị vốn hóa lớn là đặc điểm nổi bật của thị trường chứng khoán trong năm 2023. Các nhà phân tích của Goldman Sachs tin rằng, những cổ phiếu này sẽ tiếp tục tăng tốt hơn so với phần còn lại của chỉ số vào năm 2024, dù rằng không quá vượt trội.

Nhận định thị trường tài chính thế giới (tuần 1-7/1/2024): Đồng USD có xu hướng giảm, cơ hội cho vàng?
Chứng khoán đầu năm 2024 vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều.

Ở các thị trường chứng khoán khác: Chứng khoán Trung Quốc có thể ngắt mạch suy giảm. Thị trường chứng khoán châu Âu được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng khiêm tốn vào năm 2024 khi sự lạc quan về việc lãi suất toàn cầu đã đạt đỉnh. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản dự kiến sẽ đạt mức cao nhất trong ba thập kỷ là 35.000 điểm vào cuối tháng 6-2024, khi triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp vẫn tích cực.

Còn tại Ấn Độ, thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ đạt mức cao mới trong sáu tháng tới và tăng hơn 10% năm 2024, nhờ sự mở rộng bền vững ở nền kinh tế lớn đang có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Gần 90% số nhà phân tích được Reuters khảo sát dự báo, chỉ số BSE của nước này sẽ đạt mức kỷ lục 70.000 vào giữa năm 2024, và tiếp tục tăng lên mức đỉnh mới 72.500 vào cuối năm.