Trong buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 vào chiều nay (1/7), theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Thủ tướng đã vừa ký ban hành Nghị quyết 68 để hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19 với số tiền hỗ trợ khoảng 26.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin, cùng chủ trì họp báo Chính phủ hôm nay có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung để thông tin những nội dung mới nhất về Nghị quyết của Chính phủ về việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Nghị quyết 68: Có 12 nhóm đối tượng được hưởng chính sách từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Chính phủ đưa ra mức hỗ trợ tối thiểu, rồi phân quyền về cho địa phương tự xây dựng tiêu chí và mức hỗ trợ nhóm lao động không có hợp đồng (lao động tự do) và một số nhóm đặc thù khác. Lao động tự do không còn nhận hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách với mức tối đa 3 triệu đồng mỗi người như trước đây.

Tỉnh, thành phố căn cứ điều kiện cụ thể, khả năng ngân sách để xác định người được hưởng và mức hỗ trợ cụ thể, song không thấp hơn 1,5 triệu đồng một người hoặc 50.000 đồng mỗi ngày. Việc xác minh thông tin nhóm này là bài toán khó với nhiều địa phương, trở thành một trong những "điểm nghẽn" của gói hỗ trợ cũ. Năm ngoái, gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ được cho hơn 1 triệu lao động tự do. Trong khi thống kê cả nước có hơn 19,5 triệu người làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ, đặc trưng không có hợp đồng, không hưởng lương cố định, không tham gia BHXH bắt buộc.

"Đối tượng cụ thể tập trung chủ yếu là công nhân, lao động trực tiếp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Cụ thể, có 12 nhóm được hưởng chính sách từ gói 26.000 tỷ

Nhóm thứ nhất là giảm mức đóng bảo hiểm xã hội về tai nạn nghề nghiệp. Hiện quy định là người sử dụng lao động đóng 0.5% thu nhập cho quỹ này. Theo Nghị quyết 68, nhà nước quyết định giảm mức phí này trong 12 tháng, nghĩa là không phải đóng tiền nhưng nếu có rủi ro xảy ra, người lao động vẫn được đảm bảo quyền lợi.

Nhóm thứ 2 là tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Chính sách này tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 42 nhưng mức tiêu chí giảm nhiều so với Nghị quyết 42. Thời gian áp dụng là 12 tháng.

Chính sách thứ 3 là hỗ trợ đào tạo với người lao động, sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Việc này, theo Bộ trưởng, giúp người lao động và sử dụng lao động được sử dụng kinh phí này để đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi công việc. Mức hỗ trợ với mỗi người là 1,5 triệu/tháng, không quá 6 tháng. Thời gian áp dụng khoản hỗ trợ từ 1/7/2021 tới hết 30/6/2022, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải thích, đây là chính sách dài hơi.

Chính sách thứ 4 là hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1/5 tới 31/12 năm nay. Có 2 nhóm đối tượng được hưởng chính sách này, một nhóm (bị tạm dừng hợp đồng lao động từ 15 ngày tới 1 tháng) được hỗ trợ 1,8 triệu đồng và một nhóm (bị tạm dừng hợp đồng lao động trên 1 tháng) được hỗ trợ 3,710 triệu đồng.

Chính sách thứ 5 là hỗ trợ người lao động ngừng việc. Theo đó, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ 1/5/2021 đến hết 31/12/2021, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc, được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.

Chính sách thứ 6 là hỗ trợ trẻ em và phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai ngoài các chính sách chung được hỗ trợ 1,7 triệu đồng/tháng. Mỗi trẻ em được hưởng thêm 1 triệu đồng/tháng. Trường hợp này, nhà nước chỉ thực hiện hỗ trợ cho một người nuôi dưỡng, hoặc mẹ hoặc bố.

Chính sách thứ 7 là hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày với công nhân đang phải điều trị Covid-19 hoặc phải cách ly để phòng chống dịch. Những đối tượng này được hưởng hỗ trợ theo số ngày thực tế phải thực hiện các biện pháp cách ly.

Chính sách thứ 8 là hỗ trợ người lao động trong các đơn vị hoạt động nghệ thuật phải nghỉ để phòng chống dịch. Mức hỗ trợ là 3,7 triệu đồng/người. Đây là những người hoạt động với các chức danh hưởng lương ở mức khởi điểm. Có khoảng 2.000 người được hưởng chính sách này trên quy mô cả nước.

Chính sách thứ 9 là hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch (được cấp thẻ hành nghề, bị ảnh hưởng sâu, mất việc từ 15 ngày trở lên).

Chính sách thứ 10 là hộ kinh doanh bị ảnh hưởng vì Covid-19, mức hỗ trợ ấn định là 3 triệu đồng/lần.

Chính sách thứ 11 là cho vay để trả lương. Chính sách cho vay trả lương để phục hồi sản xuất, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, là một chính sách mới, được vay với mức lãi suất 0%, không phải thế chấp tài sản, mức vay bằng một tháng lương cần trả cho người lao động, áp dụng tối đa 3 tháng. Áp dụng với những lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu như kinh doanh dịch vụ.

Chính sách thứ 12, hỗ trợ người lao động tự do. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của các địa phương để xây dựng chính sách cụ thể nhưng không ít hơn 1,5 triệu đồng/người/tháng hoặc mức 50.000 đồng/người/ngày.

Nghị quyết 68: Có 12 nhóm đối tượng được hưởng chính sách từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng
Có 12 nhóm đối tượng được hưởng chính sách từ gói 26.000 tỷ đồng.

Tháng 4/2020, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 42 (gói an sinh 62.000 tỷ đồng) hỗ trợ lao động, doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch. Sau hơn một năm triển khai, gói an sinh hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch giải ngân thực tế trên 13.100 tỷ đồng.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thống kê tính đến cuối tháng 5/2021, gần 13,2 triệu người nhận được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt trích từ ngân sách nhà nước. Chủ yếu chi cho người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách; lao động tự do mất việc làm và hộ kinh doanh.

Tỷ lệ chi hỗ trợ trực tiếp đạt hơn 22% toàn gói; trong đó hơn 11,9 triệu người thuộc nhóm chính sách xã hội với kinh phí gần 11.798 tỷ đồng. Các địa phương hoàn thành chi trả do có sẵn danh sách. Với nhóm lao động có hợp đồng phải hoãn, nghỉ việc không lương, bị chấm dứt hợp đồng hoặc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, chính sách hỗ trợ gần 229.000 người với tổng kinh phí trên 258 tỷ đồng.

Nhóm lao động tự do, như hàng rong, xe ôm không có hợp đồng lao động bị mất việc làm, hỗ trợ được hơn một triệu người với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng; hơn 37.000 hộ kinh doanh tạm đóng cửa hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng.