Ngân hàng ACB là ngân hàng gì?

Ngân hàng ACB có tên đầy đủ là Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (tên tiếng Anh Asia Commercial Joint Stock Bank), được gọi tắt là Ngân hàng Á Châu (ACB) bắt đầu hoạt động từ 04/06/1993. Ngân hàng ACB giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: 0301452948. Đăng ký lần đầu: 19/05/1993 Đăng ký thay đổi lần thứ 29: 03/09/2014. Vốn điều lệ của ACB hiện tại là 9.376.965.060.000 đồng (Bằng chữ: Chín nghìn ba trăm bảy mươi sáu tỷ chín trăm sáu mươi lăm triệu không trăm sáu mươi nghìn đồng.) Mã cổ phiếu: ACB.

Ngân hàng ACB có trụ sở chính tại 442 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 05, Quận 3, TP Hồ Chí Minh - Số điện thoại: (84.8) 3929 0999 - Số fax: (84.8) 3839 9885 - Website: www.acb.com.vn.

Ngân hàng ACB thuộc nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại Việt Nam. Hiện nay, ACB đang sở hữu đa dạng các sản phẩm dịch vụ cung cấp cấp cho khách hàng trên toàn quốc với mạng lưới bao phủ rộng, với 350 chi nhánh và phòng giao dịch, 11.000 máy ATM, hơn 850 đại lý Western Union trên khắp cả nước và hơn 9.000 nhân viên làm việc.

SWIFT code ngân hàng ACB là: ASCBVNVX

Ngân hàng ACB là một trong những ngân hàng thương mại uy tín với lượng giao dịch mỗi ngày rất lớn, đứng ở vị trí 15 trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam
Ngân hàng ACB xếp hạng 14 trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2021.

Ngân hàng ACB xếp hạng 14 trong top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2021

Năm 2021, dù ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid-19 nhưng ngân hàng ACB vẫn có những bước phát triển vững chắc khi vươn từ vị trí thứ 15 trong top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2020 lên vị trí thứ 14.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2021 của ngân hàng ACB thì phần lớn các mảng kinh doanh đều có tăng trưởng tốt. Trong đó, mảng tín dụng mang về cho ngân hàng khoản lãi 4.520 tỷ đồng, tăng trưởng 24,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 14.150 tỷ đồng, tăng trưởng 39,2%.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 29,3% trong quý 3, đạt 636 tỷ đồng, kéo lợi nhuận 9 tháng mảng này lên 2.147 tỷ đồng, tăng trưởng 66,6%.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận khoản lãi 206 tỷ đồng, tăng nhẹ 6,8% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, mảng này đạt lợi nhuận 634 tỷ đồng, tăng trưởng 29,7%.

Đáng chú ý, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh tăng đột biến tới 10,5 lần so với cùng kỳ, đạt 183 tỷ đồng trong quý 3. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận ghi nhận 389 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ. Chứng khoán đầu tư cũng lãi mạnh trong quý qua với khoản lợi nhuận 92 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ trong khi lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác lại giảm tới 62%, xuống còn 42 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động trong quý 3/2021 của ACB đạt 5.690 tỷ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 30,2% trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp tới 5 lần cùng kỳ, đạt 820 tỷ đồng.

Theo đó, kết thúc quý 3/2021, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2.616 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 8.968 tỷ đồng, tăng 39,9% so với con số đạt được cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, ngân hàng đã hoàn thành 84,6% kế hoạch lợi nhuận năm (10.602 tỷ đồng).

Nợ xấy tăng mạnh tới 53,4% so với đầu 2021

Tính đến cuối tháng 9/2021, tổng tài sản của ACB đạt 479,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 8% lên 336,5 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng nhẹ 3,6%, lên 365,77 nghìn tỷ đồng.

Về chất lượng tài sản, hiện tổng nợ xấu nội bảng của ACB ở mức 2.822 tỷ đồng, tăng mạnh tới 53,4% so với đầu năm, chủ yếu tăng ở nhóm nợ dưới tiêu chuẩn (tăng 201%) và nợ nghi ngờ (tăng 76,1%). Tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng của ACB theo đó đã tăng từ 0,59% hồi đầu năm lên 0,84% khi kết thúc quý 3/2021.

Trước đó, đến ngày 30/6/2021, tổng nợ xấu của ACB tăng 27%, lên mức 2.330 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh 163% từ 212,5 tỷ lên 560,5 tỷ đồng, nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) cũng tăng 29% và 2% so với đầu năm, lần lượt ở mức 530 tỷ đồng và 1.241 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Á Châu ACB Trần Hùng Huy là ai?

Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng ACB Nguyễn Hùng Huy.
Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng ACB Nguyễn Hùng Huy.

Được biết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Á Châu (ACB) là ông Trần Hùng Huy sinh năm 1978. Ông tốt nghiệp cử nhân với ba chuyên ngành quản trị kinh doanh, tài chính và kinh doanh quốc tế vào năm 2000, tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh vào năm 2002 tại Đại học Chapman, Hoa Kỳ. Năm 2011, ông nhận học vị tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Golden Gate, Hoa Kỳ.

Ông Trần Hùng Huy là con ông Trần Mộng Hùng – Chủ tịch hội đồng sáng lập ACB (giữ vị trí Tổng giám đốc ngân hàng trong 2 năm từ 1993-1994, Chủ tịch HĐQT trong suốt 15 năm từ 1994 đến 2008. Đến năm 2008, ông Hùng rút về hậu trường với vai trò cố vấn quản trị) còn mẹ là bà Đặng Thu Thủy cũng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng tại ACB.

Năm 2012 sau "biến cố" bầu Kiên, ông Trần Hùng Huy bất ngờ đảm nhiệm vị trí ghế nóng Chủ tịch ACB khi mới chỉ 34 tuổi. Đến tháng 4/2013 ông chính thức được bầu làm chủ tịch ngân hàng này.

Năm 2002, ông giữ vị trí Giám đốc Marketing ACB sau đó được bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc vào năm 2008.

Ông cũng có kinh nghiệm về lĩnh vực ngân hàng đầu tư trong vai trò trợ lý Giám đốc Nhóm tư vấn sáp nhập tổ chức tài chính của Tập đoàn Tài chính Rothschild (Anh Quốc) từ năm 2010 - 2011.

Ngày 26/04/2013, ông Trần Hùng Huy được Hội đồng Quản trị ACB bầu chức danh Chủ tịch HĐQT. Hiện nay, ông là Chủ nhiệm Ủy ban Nhân sự, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý rủi ro, thành viên Ủy ban Chiến lược, và thành viên Ủy ban Đầu tư.

Quá trình hình thành và phát triển của ngân hàng ACB

Ngân hàng ACB được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cấp giấy phép hoạt động vào ngày 24 tháng 4 năm 1993 với số vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng. Hiện nay ACB trở thành ngân hàng phát triển vượt bậc với nhiều sản phẩm, dịch vụ thị trường nâng vốn điều lệ lên đến 9.377 tỷ đồng.

Ngân hàng ACB là ngân hàng được hình thành 100% vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tỉ lệ cổ phần trong nước chiếm 70,04% và nước ngoài là 29,96% (năm 2020).

ACB có 4 công ty trực thuộc, hoạt động trong lĩnh vực tài chính – chứng khoán:

  • Công ty Chứng khoán ACB – ACBS: 41 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, Quận 1, TP HCM.
  • Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản ACB -ACBA: Lầu 8 Tòa nhà ACB, 444A – 446 Cách Mạng Tháng Tám, Quận 3, TP HCM.
  • Công ty Cho thuê tài chính ACB – ACBL: 131 Châu Văn Liêm, phường 14, Quận 5, TP HCM.
  • Côn ty Quản lý quỹ ACB – ACBC: Lầu 12 Tòa nhà ACB, 480 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TP HCM.

Quá trình hình thành và phát triển của ngân hàng ACB được chia thành các giai đoạn sau:

Giai đoạn 1993 – 1995

Đây là giai đoạn hình thành của ngân hàng ACB. Những người sáng lập ACB có năng lực tài chính, học thức và kinh nghiệm trên thương trường, cùng chia sẻ một nguyên tắc kinh doanh là “quản lý sự phát triển của doanh nghiệp an toàn và hiệu quả”.

Ở giai đoạn này, xuất hiện từ vị thế cạnh tranh, ACB hướng về khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực tư nhân, với quan điểm thận trọng trong việc cấp tín dụng và cung cấp cung ứng sản phẩm dịch vụ mới mà thị trường chưa có.

Giai đoạn 1996 – 2000

ACB là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên của Việt nam phát hành thẻ tín dụng quốc tế MasterCard và Visa với sự tài trợ của IFC (một công ty con của World Bank).

Năm 1997, ACB bắt đầu tiếp cận nghiệp vụ ngân hàng hiện đại thông qua một chương trình đào tạo toàn diện kéo dài hai năm, do các giảng viên nước ngoài thực hiện, từ đó ACB đã nắm bắt một cách hệ thống các nguyên tắc vận hành của một ngân hàng hiện đại, các chuẩn mực và thông lệ trong quản lý rủi ro, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ.

Năm 1999, ngân hàng ACB khởi động chương trình hiện đại hóa công nghệ thông tin ngân hàng. Năm 2000, ACB đã thực hiện tái cấu trúc hoạt động tại Hội sở theo định hướng kinh doanh và hỗ trợ. Tháng 6/2000, khi thị trường chứng khoán Việt Nam hình thành, ACB đã thành lập Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACB), bắt đầu chiến lược đa dạng hóa hoạt động.

Năm 2001, ACB chính thức vận hành hệ ngân hàng lõi là TCBS (The Complete Banking Solution: Giải pháp ngân hàng toàn diện), chuyển từ mạng cục bộ sang mạng diện rộng.

Giai đoạn 2001 – 2005

Năm 2003, ACB xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 trong các lĩnh vực huy động vốn, cho vay ngắn hạn và trung dài hạn, thanh toán quốc tế và cung ứng nguồn lực tại Hội sở.

Năm 2004, Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản ngân hàng Á Châu (ACBA) được thành lập.

Năm 2005, ACB và ngân hàng Standard Chartered (SCB) ký kết thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật toàn diện, đồng thời SCB trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng ACB. Ngân hàng ACB triển khai giai đoạn hai của chương trình hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, bao gồm các cấu phần: Nâng cấp máy chủ, thay thế phần mềm xử lý giao dịch thẻ ngân hàng bằng một phần mềm mới có khả năng tích hợp với nền công nghệ lõi hiện có và lắp đặt hệ thống máy ATM.

Giai đoạn 2006 – 2010

Ngân hàng ACB niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vào tháng 10/2006. Trong năm 2007, ACB tiếp tục chiến lược đa dạng hóa hoạt động, thành lập Công ty Cho thuê tài chính ACB (ACBL), cũng như tăng cường việc hợp tác với các đối tác như Công ty Open Solutions (OSI), Microsoft, Ngân hàng Standard Chartered; và trong năm 2008, với Tổ chức American Express và Tổ chức JCB. Năm 2009, ngân hàng ACB hoàn thành cơ bản chương trình tái cấu trúc nguồn nhân lực.

Đến năm 2010, ACB xây dựng Trung tâm dữ liệu dự phòng đạt chuẩn đặt tại Đồng Nai. Trong giai đoạn này, ngân hàng ACB đẩy nhanh việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đã thành lập mới và đưa vào hoạt động 223 chi nhánh và phòng giao dịch. Trong thời gian này, ngân hàng ACB được Nhà nước Việt Nam trao tặng hai Huân chương lao động và được nhiều tạp chí tài chính có uy tín trong nước và trên thế giới bình chọn là ngân hàng tốt nhất tại Việt Nam.

Giai đoạn 2011 – 2015

Định hướng chiến lược phát triển của ACB giai đoạn 2011 – 2015 và tầm nhìn 2020 được ban hành vào đầu năm. Trong đó nhấn mạnh đến chương trình chuyển đổi hệ thống quản trị điều hành phù hợp với các quy định pháp luật Việt Nam và hướng đến áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất. Cuối năm, ACB đã khánh thành Trung tâm Dữ liệu dạng mô-đun (Enterprise module data center) tại TP HCM. Trong giai đoạn 2011 – 2015, ACB đã đưa vào hoạt động thêm 45 chi nhánh và phòng giao dịch mới.

Năm 2015, ngân hàng ACB đã hoàn thành các dự án chiến lược như:

  • Tái cấu trúc kênh phân phối.
  • Hình thành trung tâm thanh toán nội địa (Giai đoạn 1).
  • Hoàn thiện phương thức đánh giá hiệu quả hoạt động đơn vị và nhân viên Hội sở.

Đồng thời cho khởi tạo và triển khai các dự án ngân hàng giao dịch (Transaction banking), ngân hàng ưu tiên (Priority banking), quản lý bán hàng (Customer management system),..nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Giai đoạn 2015 đến nay

Trong năm 2016, ACB đã hoàn thành theo đúng tiến độ nhiều hạng mục các dự án công nghệ để hỗ trợ hoạt động kinh doanh, vận hành và quản lý hệ thống, tiêu biểu như: Chuyển đổi hệ thống core chứng khoán ACBS; cải tiến các chương trình CLMS, CRM, ACMS, ELM, PASS để hỗ trợ việc tinh gọn quy trình nghiệp vụ; nâng cấp hệ thống các máy ATM, website ACB, gia tăng tiện ích, dịch vụ thanh toán cho khách hàng,…

Tính đến nay, ngân hàng ACB đã và đang luôn khẳng định vị thế của một ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam trong suốt hơn 21 năm hình thành và phát triển. ACB là ngân hàng hoạt động có quy tắc: Tăng trưởng phải bền vững, quản lý phải ngày càng chuyên nghiệp, thu nhập chính đáng và lợi nhuận ở mức hợp lý.

Ngân hàng ACB cung cấp những sản phẩm, dịch vụ nào?

Các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng ACB cung cấp rất đa dạng, bao gồm:

ACB là ngân hàng gì? Ngân hàng ACB có tốt không? Sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng ACB
Ngân hàng ACB cung cấp những sản phẩm, dịch vụ tín dụng nào?

Sản phẩm thẻ:

Thẻ tín dụng nội địa và quốc tế:

  • Thẻ tín dụng ACB Express
  • Thẻ tín dụng ACB World Mastercard
  • Thẻ tín dụng ACB Visa Platinum
  • Thẻ tín dụng ACB Mastercard
  • Thẻ tín dụng ACB JCB
  • Thẻ tín dụng ACB Visa
  • Thẻ tín dụng ACB Visa Business
  • Thẻ tín dụng ACB Visa Signature

Thẻ ghi nợ và thẻ trả trước:

  • Thẻ JCB Debit
  • Thẻ Mastercard Debit
  • Thẻ Visa Debit
  • Thẻ ACB Green
  • Thẻ ACB2Go
  • Thẻ Visa Prepaid
  • Thẻ Mastercard Dynamic
  • Thẻ JCB Prepaid
  • Thẻ trả trước quốc tế - Visa Platium Travel

Dịch vụ ngân hàng điện tử:

  • Thanh toán qua Samsung Oay với thẻ ACB
  • Cổng ACB2Pay
  • Nhận chuyển tiền từ nước ngoài qua thẻ ACB Visa
  • Bảo hiểm thẻ
  • Chấp nhận thẻ
  • Xác thực giao dịch thẻ trực tuyến 3D Secure
  • Chuyển tiền liên ngân hàng qua thẻ
  • Chuyển tiền liên ngân hàng 24/7
  • Top up thẻ tín dụng

Giao dịch cho vay đa dạng:

  • Vay kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp
  • Vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu mua nhà, du học,..
  • Vay không cần tài sản bảo đảm
  • Vay linh hoạt với chính sách được thiết kế riêng phù hợp theo nhu cầu, mục đích của khách hàng

Dịch vụ gửi tiền tiết kiệm:

Cung cấp đầy đủ các hình thức gửi tiết kiệm như dịch vụ tiết kiệm tiền gửi có kỳ hạn thông thường, tiết kiệm tiền gửi tự động với mức lãi suất cao nhất đảm bảo lợi ích tốt nhất cho khách hàng.

  • Gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn thông thường: Áp dụng cho các loại tiền như VNĐ, USD, EUR với kỳ hạn linh hoạt theo ngày, tuần, tháng, năm. Theo từng giai đoạn mà có các mức lãi suất khác nhau.
  • Tiền tiết kiệm gửi tự động: Ngân hàng sẽ tự động tái túc khi hết kỳ hạn, giúp khách hàng tiết kiệm được thời gian làm thủ tục.

Giao dịch thương mại, thanh toán quốc tế:

Các hình thức thanh toán bao gồm: L/C, D/A, D/P, L/C UPAS, L/C nội địa, giao dịch chuyển tiền nhanh Đông Dương, thanh toán biên mậu (với kinh doanh biên mậu là hoạt động trao đổi thương mại qua biên giới của hai quốc gia lân cận) sang Trung Quốc và Campuchia.

ACB là ngân hàng gì? Ngân hàng ACB có tốt không? Sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng ACB
Ngân hàng điện tử ACB.

Ngân hàng điện tử:

  • ACB online
  • ACB mobile
  • SMS Banking ACB

Bảo hiểm:

  • Bảo hiểm Tiết kiệm SUN – Sống chủ động
  • Các Giải pháp bảo vệ Tài chính toàn diện
  • Bảo hiểm Đầu tư SUN – Sống sung túc
  • ACB Medical Care
  • Bảo hiểm sức khỏe Bảo An Khang

Một số dịch vụ khác:

  • Chuyển tiền nước ngoài
  • Dịch vụ kiều hối
  • Dịch vụ thanh toán trong nước và quốc tế
  • Dịch vụ chuyển tiền và nhận tiền

Ban lãnh đạo ngân hàng ACB

Hội đồng quản trị:

  • Chủ tịch HĐQT – Ông Trần Hùng Huy
  • Phó Chủ tịch HĐQT – Ông Nguyễn Thành Long
  • Thành viên HĐQT – Bà Đặng Thu Thủy
  • Thành viên HĐQT – Bà Đinh Thị Hoa
  • Thành viên HĐQT – Ông Dominic Timothy Charles Scriven
  • Thành viên độc lập HĐQT – Ông Võ Văn Hiệp
  • Thành viên độc lập HĐQT – Ông Huang Yuan Chiang

Ban Giám đốc:

  • Tổng Giám đốc – Ông Đỗ Minh Toàn
  • Phó Tổng Giám đốc – Ông Bùi Tấn Tài
  • Thành viên HĐQT/Phó Tổng Giám đốc – Ông Đàm Văn Tuấn
  • Phó Tổng Giám đốc – Ông Nguyễn Đức Thái Hân
  • Phó Tổng Giám đốc – Bà Nguyễn Ngọc Như Uyên
  • Phó Tổng Giám đốc – Bà Nguyễn Thị Hai
  • Phó Tổng Giám đốc – Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân
  • Phó Tổng Giám đốc – Ông Từ Tiến Phát
  • Kế toán trưởng/Phó TGĐ/GĐ Tài chính – Ông Nguyễn Văn Hòa

Thành viên Ban kiểm soát:

  • Trưởng Ban kiểm soát – Ông Huỳnh Nghĩa Hiệp
  • Thành viên Ban kiểm soát – Bà Hoàng Ngân
  • Thành viên Ban kiểm soát – Bà Nguyễn Thị Minh Lan
  • Thành viên Ban kiểm soát – Bà Phùng Thị Tốt