Theo khảo sát của Viện ZEW, lòng tin của nhà đầu tư tại Đức giảm mạnh trong tháng Năm, gây thêm lo ngại về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.Chỉ số kỳ vọng về nền kinh tế theo khảo sát của ZEW giảm tháng thứ ba liên tiếp, với mức giảm 14,8 điểm, xuống âm 10,7 điểm.

Con số trên thấp hơn dự báo của các nhà phân tích và lần đầu tiên quay trở lại mức âm kể từ tháng 12/2022. Mức âm cho thấy hầu hết các nhà đầu tư bi quan về nền kinh tế.

Chủ tịch ZEW Achim Wambach cho biết các chuyên gia về thị trường tài chính nhận định tình hình nền kinh tế sẽ xấu hơn trong sáu tháng tới. Ông nói thêm kinh tế Đức có thể rơi vào suy thoái, dù nhẹ.

Theo ông, lòng tin của nhà đầu tư giảm sút một phần do khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục tăng lãi suất, trong khi nguy cơ Mỹ vỡ nợ gây thêm sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Sau khi giảm 0,5% trong quý IV/2022 do giá năng lượng cao, kinh tế Đức đã tránh được suy thoái nhờ việc tăng trưởng trong quý I/2023.

 Một nhà máy hóa chất của BASF ở Ludwigshafen, Đức. Ảnh: AP
Một nhà máy hóa chất của BASF ở Ludwigshafen, Đức. Ảnh: AP

Tuy nhiên, một loạt các số liệu kinh tế tiêu cực trong những tuần gần đây đã làm giảm hy vọng về sự phục hồi mạnh của cường quốc công nghiệp của châu Âu.

Ông Carsten Brzeski, Giám đốc phân tích vĩ mô toàn cầu của Ngân hàng ING, cho biết trong một báo cáo với khách hàng: “ZEW hôm nay gửi một thông điệp đáng lo ngại. Ba lần giảm liên tiếp là một xu hướng mới, một xu hướng đáng lo ngại..”

Trong báo cáo quốc gia hôm 17/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và cú sốc giá năng lượng tăng cao đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của Berlin trong ngắn hạn.

Theo IMF, Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của Đức dự kiến sẽ “gần bằng 0 vào năm 2023, trước khi tăng dần lên 1% -2% trong giai đoạn 2024 – 2026, khi tác động của việc thắt chặt tiền tệ dần biến mất và nền kinh tế điều chỉnh để thích nghi với cú sốc năng lượng”.