FDA cho biết túi độn ngực có thể gây nguy cơ ung thư biểu mô tế bào vảy (một loại ung thư da) và các khối u bạch huyết khác nhau (ung thư hệ thống miễn dịch).
FDA cho biết túi độn ngực có thể gây nguy cơ ung thư biểu mô tế bào vảy (một loại ung thư da) và các khối u bạch huyết khác nhau (ung thư hệ thống miễn dịch).

Túi độn ngực có thể gây nguy cơ ung thư

Cụ thể, tiến sĩ Binita Ashar - Giám đốc Văn phòng Thiết bị Kiểm soát Nhiễm trùng và Phẫu thuật tại Trung tâm Thiết bị và Sức khỏe Phóng xạ của FDA cho biết các tế bào ung thư thường xuất hiện trong nang hoặc mô sẹo xung quanh vùng cấy ghép vú. Các khối u này khác với khối u lympho tế bào lớn liên quan đến cấy ghép vú (BIA-ALCL), từng được FDA xác định vào năm 2011. Đây là loại u lympho tế bào T có thể xảy ra sau khi phẫu thuật cấy ghép ngực.

Loại ung thư mới được FDA cảnh báo ngày 9/9 vừa qua thực chất không phải ung thư vú, mà là một dạng ung thư hạch không Hodgkin, ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.

Nguy cơ phát triển tình trạng này khá thấp, nhưng khối u có thể lây lan từ mô sẹo và chất lỏng xung quanh mô cấy đến khắp cơ thể. Bên cạnh đó, ung thư biểu mô tế bào vảy và các khối u lympho rất hiếm khi xuất hiện sau các ca phẫu thuật ghép ngực.

Tiến sĩ Ashar cũng khuyến nghị bệnh nhân và các bác sĩ báo cáo các trường hợp phát triển khối u cho FDA để cơ quan này có thể xác định quy mô của hiện tượng. Một số trường hợp ung thư được chẩn đoán nhiều năm sau ca cấy ghép.

FDA khuyến cáo phụ nữ nên tìm hiểu thật kỹ các rủi ro, cân nhắc giữa lợi và hại trước khi quyết định nâng ngực. Những người đã tiến hành phẫu thuật nên theo dõi trong một thời gian nhất định và liên hệ với bác sỹ phẫu thuật hoặc cơ sở y tế ngay lập tức nếu phát hiện có bất kỳ thay đổi nào.

Những rủi ro chết người khi nâng ngực

Tại Việt Nam, trong thời gian qua đã xảy ra hàng loạt các vụ tử vong do nâng ngực, cụ thể:

Khoảng 11h30 ngày 18/3/2022, chị N. được phẫu thuật nâng ngực theo lịch hẹn tại Bệnh viện 1A (số 542 Lý Thường Kiệt, phường 7, quận Tân Bình, TP HCM). Đến gần 15h cùng ngày, không thấy chị N., người nhà vào gặng hỏi, được bác sĩ trả lời "bệnh nhân gây mê, chưa tỉnh".

Một lúc sau người nhà tiếp tục vào tìm, được bác sĩ trả lời "bệnh nhân bị tụt huyết áp" và không cho gặp. Lo sợ sự việc chẳng lành, người nhà bệnh nhân "quậy", tìm kiếm từng phòng và tá hỏa phát hiện chị N. đang nằm trên giường và đã tử vong.

"Dù bệnh nhân đã tử vong nhưng bác sĩ phẫu thuật không biết tử vong lúc nào khiến gia đình tôi rất bức xúc" - người nhà nạn nhân nói.

Cuối tháng 4/2022, nữ khách hàng tên L. (ngụ quận 1) đến Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn (quận Tân Bình, TP HCM) khám tiền phẫu và được hẹn thực hiện cấy mỡ ngực sau đó 1 ngày.

Trong ngày phẫu thuật, bà L. bị khó thở và được hỗ trợ y tế. Sau đó chuyển từ Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn về Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục hồi sức. Tuy nhiên, bệnh nhân tử vong vào chiều 20/4.

Cơ quan công an quận Tân Bình, thanh tra Sở Y tế đã phối hợp kiểm tra, niêm phong hồ sơ bệnh án, yêu cầu cơ sở tạm ngưng hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ cho đến khi có kết luận điều tra.

Ngoài rủi ro chết người khi nâng ngực thì trong nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Annals of Surgery, một nhóm nghiên cứu đã xem xét gần 100.000 bệnh nhân tham gia các nghiên cứu hậu kiểm lớn trong thời gian từ năm 2007 đến 2010. Trong đó, khoảng 80.000 đã đặt túi silicon, số còn lại được đặt túi nước muối.

Ngoài ra, 72% phụ nữ được nâng ngực, 15% được nâng ngực sửa đổi, 10% tạo hình ngực, và 3% tạo hình ngực sửa đổi.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng những phụ nữ đặt túi silicon có nguy cơ cao hơn trong một số hậu quả bất lợi hiếm gặp. Những hậu quả này bao gồm viêm khớp dạng thấp; Hội chứng Sjogren, một rối loạn miễn dịch đặc trưng bởi khô mắt và khô miệng; và xơ cứng bì - tình trạng xơ cứng mạn tính của da và mô liên kết.

Tất cả những tình trạng bệnh này đều có nguy cơ cao hơn từ 6 đến 8 lần ở những phụ nữ đặt túi silicon so với người bình thường.

Phụ nữ đặt túi silicon cũng có nguy cơ thai lưu cao gấp 4,5 lần, nhưng không tăng nguy cơ sảy thai. Họ cũng có nguy cơ phát triển u hắc tố ác tính cao gấp 4 lần.

Đặt túi silicon cũng liên quan với nguy cơ biến chứng phẫu thuật cao hơn so với đặt túi nước muối.

Khoảng 5% phụ nữ bị sẹo xung quanh chỗ đặt, được gọi là co kéo vỏ bao, so với 2,8% ở phụ nữ đặt túi nước muối.

Các tác giả lưu ý rằng mặc dù một số nguy cơ hay gặp hơn ở phụ nữ đặt túi silicon, song “tỷ lệ tuyệt đối của những hậu quả bất lợi này là thấp”.

Tuy nhiên BS. Stuart Linder, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ từ Beverly Hills, California, lại tỏ ra hoài nghi.

“Tôi sử dụng túi nâng silicon và tôi đã có hơn 20 năm kinh nghiệm, và tôi chưa từng thấy bất cứ điều gì đã ám chỉ điều này”, ông nói.

“Trừ khi FDA tuyên bố nguy cơ cao hơn, còn thì các sản phẩm được coi là an toàn và có thể sử dụng trong phẫu thuật”.