CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã chứng khoán: NBB) đã tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm lần 2, sau lần đầu tổ chức bất thành do không đủ số cổ đông tham dự.

Tại đại hội lần này, cổ đông công ty đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu năm nay đạt 800 tỷ đồng, tăng 72% so với kết quả năm 2022. Lợi nhuận trước thuế cũng dự kiến đạt 33 tỷ đồng, tăng 40%.

Năm Bảy Bảy cũng đã trình đại hội thông qua việc không chia cổ tức năm 2023.

Đáng chú ý, Năm Bảy Bảy đã bổ sung thêm tờ trình về việc hủy bỏ phương án chào bán quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu đã được ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2022 thông qua vào ngày 2/11/2022.

Lý do được Công ty đưa ra do khi có kế hoạch chào bán, giá cổ phiếu NBB của Công ty nằm quanh mức 14.000 - 15.000 đồng/cổ phiếu, song do tình hình bất lợi về tình hình kinh tế nên tới thời điểm hiện tại giá cổ phiếu của Công ty dao động ở mức 12.000 - 13.000 đồng/cổ phiếu, nên không thể chào bán với giá 15.000 đồng/cổ phiếu như kế hoạch cũ. Vì đó, Ban Giám đốc cũng chưa thể triển khai được kế hoạch trên.

Năm Bảy Bảy (ĐHĐCĐ 2023): Hủy bỏ phương án chào bán hơn 50,2 triệu cổ phiếu

Trước đó, công ty dự kiến chào bán tối đa hơn 50,2 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cp, tỷ lệ 2:1 (tức cổ đông sở hữu một cổ phiếu tại ngày chốt danh sách sẽ được hưởng một quyền mua và cứ hai quyền mua sẽ được mua một cổ phần mới).

Thời gian thực hiện chào bán trong dự kiến trong quý I và quý II/2023, sau khi có chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Năm Bảy Bảy cũng cho biết, công ty đã đăng ký bán 315.861 cổ phiếu quỹ từ ngày 10/10 - 8/11, nếu hoàn tất giao dịch nói trên, số lượng cổ phiếu lưu hành dự kiến của công ty trước thời điểm chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sẽ tăng từ gần 100,2 triệu đơn vị lên gần 100,5 triệu đơn vị.

Nếu chào bán hết số cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu dự kiến trên, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 1.005 tỷ đồng lên khoảng 1.507 tỷ đồng. Đồng thời, Năm Bảy Bảy sẽ thu được gần 754 tỷ đồng từ đợt chào bán này.

Tổng số tiền thu được sẽ được công ty dự kiến bổ sung hơn 422,4 tỷ đồng vào dự án Sơn Tịnh và bổ sung hơn 331 tỷ đồng vào dự án De Lagi. Thời gian dự kiến giải ngân trong năm 2023. Tỷ lệ chào bán tối thiểu là 70% tổng số cổ phần dự kiến chào bán để thực hiện hai dự án này (tương đương số cổ phần chào bán tối thiểu là gần 35,2 triệu cổ phiếu).

Về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2023, Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu đạt 14,05 tỷ đồng, giảm 81,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 0,13 tỷ đồng, giảm 91,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 48,9%, về chỉ còn 30,2%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 88,6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 32,8 tỷ đồng, về 4,24 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 48,4%, tương ứng tăng thêm 13,39 tỷ đồng, lên 41,08 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 24,8%, tương ứng giảm 12,81 tỷ đồng, về 38,76 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 15,5%, tương ứng giảm 1,06 tỷ đồng, về 5,76 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý I/2023, Công ty ghi nhận lỗ 40,28 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 21,35 tỷ đồng. Trong đó, Công ty thoát lỗ nhờ vào doanh thu tài chính.

Năm Bảy Bảy có thuyết minh, doanh thu tài chính chủ yếu phát sinh từ doanh thu hợp tác đầu tư.

Về kế hoạch kinh doanh, Năm Bảy Bảy đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu 800 tỷ đồng, tăng 71,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 20,5 tỷ đồng, tăng 241,7% so với thực hiện trong năm 2022.

Tính đến hết quý I/2023, Năm Bảy Bảy chỉ hoàn thành 0,6% so với kế hoạch lợi nhuận năm.

Trước đó, trong năm 2022, Năm Bảy Bảy cũng đặt kế hoạch kinh doanh tham vọng với doanh thu 800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 102 tỷ đồng nhưng cuối năm, kết quả kinh doanh lao dốc, Công ty lần lượt ghi nhận doanh thu giảm 17,5%, về 466,36 tỷ đồng và hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu; lợi nhuận giảm 98,1%, về chỉ 6 tỷ đồng và hoàn thành 6% kế hoạch lợi nhuận năm.