Theo đó, Nhà Trắng đang xem xét thực hiện một lệnh hành pháp chống độc quyền, nhằm thúc đẩy các cơ quan Chính phủ xem xét mức độ ảnh hưởng từ các quyết định của họ đối với sự cạnh tranh trong mọi ngành công nghiệp của quốc gia. Lệnh này được đưa ra sau những phản ánh về tình trạng độc quyền của các công ty ở một loạt các ngành khác nhau tại Mỹ, từ ngân hàng đến hàng không.

Một động lực khác nữa là việc các nhà lập pháp Hạ viện đang hướng đến luật chống độc quyền sâu rộng hơn, nhằm hạn chế quyền lực của "bộ tứ công nghệ" - Facebook, Google, Apple và Amazon - cũng như ngăn chặn sự hợp nhất/thâu tóm của các công ty. Lệnh được xây dựng dựa trên một báo cáo năm 2016 của Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, và đang được thực hiện bởi các cựu quan chức chính quyền Barack Obama, đều là những người hiện đang làm việc cho Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden.

Mỹ xem xét thực hiện lệnh hành pháp chống độc quyền đối với
Mỹ chống độc quyền trên toàn nền kinh tế, kiềm chế "bộ tứ công nghệ"

Hiện vẫn chưa rõ về thời điểm lệnh được ban hành. Phát ngôn viên Nhà Trắng Emilie Simons không bình luận cụ thể, nhưng nhắc lại cam kết của ông Biden trong chiến dịch tranh cử Tổng thống rằng sẽ gia tăng cạnh tranh trong nền kinh tế Mỹ, bao gồm cả việc cấm các thỏa thuận bất công đối với người lao động và bảo vệ nông dân khỏi các hành vi lạm dụng.

Trước đó, vào tháng 7/2020, CEO Amazon Jeff Bezos, CEO Apple Tim Cook, CEO Facebook Mark Zuckerberg và CEO Google Sundar Pichai đã cùng nhau tham dự phiên điều trần “Online Platforms and Market Power” (Nền tảng trực tuyến và sức mạnh thị trường) qua hình thức trực tuyến. Tại đây, Nghị sỹ của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đặt câu hỏi cho các lãnh đạo này. Phần lớn câu hỏi nhằm vào Bezos, Zuckerberg và Pichai. Theo thống kê của VentureBeat, mỗi người phải ngồi “ghế nóng” ít nhất 50 phút. Trong khi đó, Cook bị truy hỏi ít hơn đối thủ, khoảng 25 phút.

Chủ tịch Hội đồng chống độc quyền của Hạ viện Mỹ, ông David Cicilline, cho biết lời khai của 4 CEO xác nhận bằng chứng mà họ thu thập được trong năm qua. Bộ tứ công nghệ bị cáo buộc “nghiền nát” đối thủ để giành thị phần và lợi nhuận.

Năm ngoái, tiểu ban chống độc quyền của Hạ viện Mỹ đã công bố một báo cáo sau cuộc điều tra kéo dài 16 tháng đối với riêng ngành công nghệ, tuyên bố rằng Amazon, Apple, Facebook và Google đã tham gia vào một loạt các hành vi độc quyền. "Bộ tứ công nghệ" này cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự trên khắp thế giới, bao gồm các cuộc điều tra chống độc quyền ở châu Âu và luật truyền thông mới ở Australia, Ấn Độ... nhằm hạn chế sức ảnh hưởng của những công ty này.

Năm 2016, chính quyền cựu Tổng thống Obama đã ban hành một lệnh tương tự nhằm thúc đẩy các cơ quan hành pháp bảo vệ cạnh tranh, nhưng kết quả không thành công. Trong khi đó, lệnh của chính quyền Biden được cho sẽ bao gồm chi tiết cụ thể về cách các cơ quan Chính phủ nên xem xét yếu tố cạnh tranh trong các thỏa thuận.

Nhà Trắng gần đây cũng đã bổ nhiệm những người ủng hộ cải cách chống độc quyền vào các vị trí chủ chốt. Đầu tháng này, Tổng thống Biden đã bổ nhiệm Lina Khan, một nhà phê bình "bộ tứ công nghệ" nổi tiếng, làm Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang.

Tổng thống Biden vẫn chưa chỉ định người lãnh đạo Bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp, dù được cho là đang xem xét Jon Sallet và Jonathan Kanter cho vị trí này, với việc cả 2 đều từng tham gia các kế hoạch phản đối Google.