Hoạt động M&A trong ngành công nghệ sôi động trong năm 2021, với tổng giá trị giao dịch tăng gấp 3 lần 2020. Trong khi đó, các chuyên gia trong ngành đánh giá tiềm năng, dư địa của hoạt động này còn phát triển hơn nữa cùng với quá trình phát triển của kinh tế số Việt Nam.

Bất chấp COVID-19, M&A vẫn sôi động

Tại Hội thảo “Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022”, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ TT&TT, cho biết trước năm 2015, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) của Việt Nam chủ yếu tập trung trong lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh bất động sản... không có M&A công nghệ số.

Anh-chup-Man-hinh-2022-01-11-l-3898-2326

Hoạt động M&A trong ngành công nghệ sôi động bất chấp COVID-19.

Giai đoạn 2015-2018, đã xuất hiện một số thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ số có giá trị chuyển nhượng lớn như Công ty CP VNG mua 38% vốn điều lệ, tương ứng sở hữu 3,72 triệu cổ phần của Công ty CP Tiki. Năm 2018, Vingroup mua 51% cổ phần Mundo Reader, công ty chủ quản của thương hiệu smartphone BQ.

Giai đoạn 2019 - 2021 đã xuất hiện hàng loạt thương vụ lớn như VNPAY nhận đầu tư 300 triệu USD từ SoftBank Vision Fund và Quỹ GIC; thương vụ Teamsek đầu tư 100 triệu USD vào nền tảng thương mại điện tử Scommerce; Affirma Capotal đầu tư 34 triệu USD vào Siêu Việt Group, FPT mua lại nền tảng quản trị doanh nghiệp Base.vn...

Theo TS. Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc công ty KPMG Việt Nam, thị trường M&A Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021. Cụ thể, thống kê 10 tháng 2021, hoạt động M&A trong khối ngành công nghệ có số lượng giao dịch đã tăng gấp đôi, trong khi tổng giá trị giao dịch lại tăng hơn gấp 3 lần lên đến gần 1 tỷ USD so với năm 2020, tổng giá trị giao dịch chỉ đạt 282 triệu USD.

Các giao dịch đáng chú ý: Tiki (vòng gọi vốn 258 triệu USD do Bảo hiểm AIA dẫn dắt), Sky Mavis (vòng gọi vốn 152 triệu USD do Andreessen Horowitz dẫn dắt), Momo (vòng gọi vốn 100 triệu USD do Warburg Pincus dẫn dắt)... Dự báo, hoạt động M&A sẽ tiếp tục sôi động mạnh trong thời gian tới.

Doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam sẽ được lợi ích gì khi thực hiện M&A? Trả lời câu hỏi này, ông Hồ Phi Ân, CEO Công ty CP EI Industrial, đánh giá ở góc độ doanh nghiệp, thì việc M&A trong lĩnh vực công nghệ gia tăng là rất đáng mừng. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận được nguồn vốn dồi dào từ các quỹ đầu tư nước ngoài lớn. Tuy nhiên, hành trình để được công nhận không hề dễ và rất nhiều khó khăn. Có thể nói rằng, việc M&A tăng là lo hay mừng sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

"Các công ty công nghệ có vòng đời nhanh, và khi chúng tôi đã bước ra sân chơi thế giới thì không được phép sợ bị thâu tóm. Nếu mình không đủ giỏi và bị thâu tóm, qua đó giúp công ty phát triển hơn nữa là điều bình thường. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng định hướng một ngày nào đó sẽ thoái vốn ra khỏi công ty để theo đuổi các ước mơ, dự án khác", ông Ân chia sẻ.

Về bản chất, ông Ân cho rằng không sợ bị thâu tóm, mà quan trọng là thâu tóm với mức giá nào? Với góc độ cá nhân cũng như kinh nghiệm làm việc, ông thấy rằng các quỹ đầu tư luôn đặt Việt Nam trong tầm ngắm, trong đó nhiều quỹ chọn Việt Nam là thị trường mũi nhọn trong năm 2022.

Bán cho ai, giá trị thu về?

"Chúng ta ươm mầm doanh nghiệp khởi nghiệp thì cũng mong bán được. Tuy nhiên, chúng ta chưa bàn tới vấn đề bán cho ai? và bán rồi có mang lại hậu quả gì không?"

Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT

Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Việt Khôi, Viện trưởng Viện Giáo dục kỹ năng và Trí tuệ sáng tạo, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), đánh giá đi cùng với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và sự chủ động gia nhập thị trường quốc tế của Việt Nam, hoạt động M&A của các doanh nghiệp trong và ngoài nước ngày càng phát triển và gia tăng. M&A là một trong những phương pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên sân chơi CPTPP.

Việc chống thâu tóm về mặt kỹ thuật không khó, có các giải pháp như cho cổ đông hiện hữu mua cổ phần giá rẻ hoặc cho cổ đông ngoài mua cổ phần với chiết khấu sâu, hoặc cho cổ đông chuyển cổ phiếu sang tiền mặt. Tóm lại, vấn đề quan trọng trong M&A là giá bán.

M-A-trong-linh-vuc-cong-nghe-s-6950-5262

Cần lưu ý việc nước ngoài mua bán, sáp nhập, thôn tính các lĩnh vực ảnh hưởng chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Còn ở góc nhìn của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT), cho rằng M&A đang là xu hướng, doanh nghiệp nào đầu tư cũng muốn bán được hàng, bán giá càng cao càng tốt. "Chúng ta ươm mầm doanh nghiệp khởi nghiệp thì cũng mong bán được. Tuy nhiên, chúng ta chưa bàn tới vấn đề bán cho ai? và bán rồi có mang lại hậu quả gì không?", ông đặt vấn đề.

Theo đó, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp nhấn mạnh: "Dữ liệu không sẵn có, dữ liệu sinh ra từ các ứng dụng. Chủ quyền dữ liệu là vấn đề quan trọng như chủ quyền quốc gia. Vì vậy, khi bán dữ liệu cũng cần đặt vấn đề ai mua, mua để làm gì? Ai là người chỉ mua vì lợi nhuận và thúc đẩy phát triển, ai mua với ý đồ xấu?".

Đồng thời, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp nói rằng, hiện nay có tình trạng, nhiều doanh nghiệp thay vì đầu tư một giấy phép, thì để doanh nghiệp Việt Nam mua giấy phép xong doanh nghiệp nước ngoài mua lại doanh nghiệp đó, điều đó có nghĩa họ không cần qua khâu xin giấy phép.

Do vậy, ông Đường cho rằng rất cần lưu ý để việc nước ngoài mua bán, sáp nhập, thôn tính các lĩnh vực ảnh hưởng chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Trong chính sách về đầu tư rất cần lưu ý tới lĩnh vực này.

Hiện nay, Bộ TT&TT đang xây dựng Luật Công nghiệp, công nghệ. Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, cho hay dự kiến Luật này sẽ trình Quốc hội năm 2025.

Trong bối cảnh, Việt Nam có 99,2% các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, ông Tuyên đặt vấn đề

làm thế nào để các doanh nghiệp này tiếp cận được với nguồn vốn khổng lồ từ nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

"Cần quy định để người Việt Nam kinh doanh và kiếm lời trên tài sản số, thay vì những tài sản này nằm trong tay các ông lớn quốc tế. Đó là một vấn đề chúng tôi đưa vào dự thảo luật. Từ góc độ về an ninh quốc gia, chúng tôi có đưa ra các quy định dữ liệu về năng lực đất đai, bí mật kinh doanh...", ông Tuyên nói.