Trước đó, LPBank đã chào bán tổng cộng gần 32,93 triệu trái phiếu ra công chúng với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tương ứng với 3.293 tỷ đồng. Trong đó bao gồm hơn 29,4 triệu trái phiếu LPB7Y202203 kỳ hạn 7 năm và gần 3,5 triệu trái phiếu LPB10Y202204 kỳ hạn 10 năm.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm, không kèm theo chứng quyền, là nợ thứ cấp và thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 của LPBank.

Lãi suất áp dụng cho trái phiếu là lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất tham chiếu (là bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND, kỳ hạn 12 tháng, trả lãi cuối kỳ được niêm yết của Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank tại ngày xác định lãi suất) cộng biên độ.

Trong kỳ tính lãi đầu tiên, LPBank áp dụng lãi suất 9,6%/năm cho trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 9,9%/năm cho kỳ hạn 10 năm. Theo biểu lãi suất của LPBank, mức lãi suất cao nhất mà nhà băng này niêm yết ở mức 7%/năm cho các kỳ hạn dài.

Như vậy, mức lãi suất cho các lô trái phiếu đang cao hơn khoảng 2,6-2,9 điểm % so với lãi suất huy động tiền gửi cao nhất mà LPBank đang niêm yết.

Kết thúc đợt chào bán, ngân hàng này đã phân phối thành công gần 15,56 triệu trái phiếu, tương đương 47,24% lượng chào bán. Tổng số tiền LPBank thu được từ đợt chào bán là gần 1.556 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, ngân hàng thu ròng hơn 1.555 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 3, LPBank có 21.300 tỷ trái phiếu đang lưu hành. Trong đó, trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên là gần 7.011 tỷ đồng; kỳ hạn 1 - 5 năm là 14.290 tỷ đồng.

LPBank 'ế' hơn 17,37 triệu trái phiếu chào bán. Ảnh minh họa
LPBank 'ế' hơn 17,37 triệu trái phiếu chào bán. Ảnh minh họa

Theo BCTC năm 2022, LPBank ghi nhận tài sản thế chấp đạt 611.000 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị tài sản thế chấp là bất động sản đạt 418.000 tỷ đồng, chiếm 68,5 % tổng giá trị tài sản thế chấp tại ngân hàng, tăng hơn 128.500 tỷ đồng (tương đương tăng 44%) so với cùng kỳ năm trước và cao gấp 1,77 lần so với tổng dư nợ cho vay năm 2022 là 235.500 tỷ đồng.

Như vậy, mỗi đồng cho vay tại LPBank được đảm bảo bởi 1,77 đồng tài sản thế chấp là bất động sản.

Về nợ xấu, tính hết năm 2022, LPBank đạt hơn 3.400 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng nhẹ 19 tỷ đồng lên 1.352 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt lên 1.069 tỷ, tăng 2,3 lần, tương đương tăng 132% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, nợ xấu trên tổng dư nợ của LPBank vẫn ở mức đảm bảo, đạt 1,44% trên tổng dư nợ, mức an toàn trong ngành tài chính.

Mặt khác, BCTC cũng đưa ra các chỉ tiêu nằm ngoài báo cáo, trong đó có khoản nợ khó đòi đã xử lý năm 2022 ngày càng “phình” to, lên tới 5.900 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, đối với nợ gốc của khoản nợ đã xử lý rủi ro đang trong thời gian theo dõi đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Chính điều này đã dẫn tới khoản nợ lãi vọt lên 2.715 tỷ đồng, tăng 153% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, khoản nợ khó đòi nằm ngoài BCTC không những không giảm đi, mà còn tăng lên rất nhanh tại nhà bằng này.