Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm bán iPhone 14 tại Columbia do đang bị công ty viễn thông Thụy Điển Ericsson kiện vì vi phạm 12 bằng sáng chế 5G, Apple mới đây tuyên bố sẽ phát hành iPhone 14 Plus tại nước này vào 28/10.

Lệnh cấm bán iPhone 14 tại Columbia và những hệ luỵ đi kèm
Ericsson kiện Apple vì vi phạm 12 bằng sáng chế 5G.

Trước thông báo trên, Carlos Olarte, luật sư của Ericsson tại Colombia đã khẳng định “tôi nghi ngờ đó là một sự nhầm lẫn” và nhấn mạnh rằng hành động này sẽ trực tiếp vi phạm lệnh cấm.

Vụ tranh chấp giữa Ericsson và Apple có thể tóm gọn như sau: Ericsson muốn Apple phải trả tiền để sử dụng các công nghệ 5G đã được cấp bằng sáng chế của mình, với mức giá là 5 USD cho mỗi chiếc iPhone. Tuy nhiên, Apple từ chối trả mức phí này.

Vào tháng 7, một thẩm phán Colombia đã cấm nhập khẩu và bán bất kỳ thiết bị 5G nào của Apple. Đây là biện pháp phòng ngừa cho đến khi có phán quyết cuối cùng của vụ kiện nêu trên. Như vậy, Colombia hiện là quốc gia duy nhất cấm các thiết bị có sử dụng công nghệ 5G của Apple.

Lệnh cấm bán iPhone 14 tại Columbia và những hệ luỵ đi kèm
Columbia ra lệnh cấm nhập khẩu và bán bất kỳ thiết bị 5G nào của Apple trước khi có phán quyết cuối cùng.

Luật sư Olarte cho biết, dù Colombia chỉ chiếm khoảng 0,2% doanh số bán hàng trên toàn thế giới của Apple, nhưng Ericsson quyết tâm sẽ kiện tụng tới cùng tại Columbia. Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ từ “gã khổng lồ” viễn thông Thụy Điển rằng là sẽ không nhân nhượng trong bất kỳ cuộc đàm phán pháp lý nào.

Mất đi thị trường Columbia cũng vẫn là một thiệt hại rất lớn đối với Apple. Tuy nhiên, việc Apple thông báo sẽ bán iPhone tại Columbia có nghĩa là trực tiếp vi phạm lệnh cấm, theo Olarte.

Mặc dù không có phản hồi với tuyên bố của Ericsson, Apple sau đó đã xóa chú thích về ngày bán iPhone 14 tại Colombia khỏi thông báo nêu trên. Ở một diễn biến khác, Apple cho rằng quyết định của tòa án Colombia là không công bằng và đang kháng cáo.

Đáng nói, một số nguồn thông tin cho biết, lệnh cấm đã khiến những tín đồ iPhone tại Columbia phải tìm đến những người bán hàng xách tay hoặc hàng buôn lậu do không thể mua máy ở các cửa hàng chính thống của Apple.

Lệnh cấm bán iPhone 14 tại Columbia và những hệ luỵ đi kèm
Người dùng iPhone tại Columbia không thể tìm thấy máy tại các cửa hàng chính thống của Apple.

Mức giá bán iPhone thông qua những nguồn này cũng cao hơn so với giá niêm yết của Apple. Phiên bản tiêu chuẩn có giá niêm yết là 799 USD trên trang web của Apple, nhưng nó có giá cao hơn 36% tại một cửa hàng ở Colombia – gần 5 triệu peso (khoảng 1,084 USD). Thậm chí, một cửa hàng có thể tính phí cao hơn tới 600.000 peso (khoảng 130 USD) so với cửa hàng khác cho cùng một mẫu iPhone.

Rủi ro của việc cố gắng mua iPhone tại Columbia trong bối cảnh lệnh cấm nêu trên là người dùng phải chịu trả giá cao hơn, có thể chưa chắc truy cập được mạng viễn thông Colombia và sẽ không có linh kiện thay thế, sửa chữa, bảo hành.

Dù vậy, Apple đã xin sẵn chứng nhận cho iPhone 14 từ cơ quan quản lý viễn thông Colombia – quy trình mà các công ty thực hiện trước khi đưa điện thoại ra thị trường ở nước này. Đây là một động thái cho thấy “nhà táo” đã sẵn sàng mở bán iPhone 14 tại Columbia nếu được gỡ bỏ lệnh cấm trên.

Brazil cấm bán smartphone thiếu cục sạc

Ngay trước sự kiện iPhone 14, ngày 6/9, Bộ Tư pháp Brazil đưa ra lệnh cấm bán mọi smartphone thiếu cục sạc đối với Apple, phạt công ty này 12.274.500 BRL (55 tỷ đồng), đồng thời phải hủy đăng ký thương hiệu điện thoại thông minh iPhone ở thị trường nước này, tính từ mẫu iPhone 12 trở đi.

Lệnh cấm bán iPhone 14 tại Columbia và những hệ luỵ đi kèm
Hộp iPhone không có cục sạc với mục đích bảo vệ môi trường.

"Đình chỉ ngay việc cung cấp các mẫu điện thoại mang thương hiệu iPhone mà không có bộ chuyển đổi nguồn đi kèm, bất kể mẫu mã hay thế hệ nào", theo thông báo của Bộ Tư pháp Brazil viết.

Trước lệnh cấm này, Apple khẳng định việc loại bỏ củ sạc khỏi hộp đựng iPhone là nhằm giúp giảm lượng khí thải carbon cho hành tinh và sẽ kháng cáo. Apple loại củ sạc khỏi hộp iPhone từ thế hệ iPhone 12 năm 2020 với lý do bảo vệ môi trường. Sau đó nhiều nhà sản xuất khác, như Samsung, cũng áp dụng cách đóng hộp trên.

Tháng 10/2021, Bộ Tư pháp Brazil ra văn bản yêu cầu hai hãng giải thích lý do. Đến tháng 5, Brazil bắt đầu tiến hành các thủ tục pháp lý để buộc các hãng phải đưa cục sạc trở lại. Samsung sau đó đã tuân thủ các hướng dẫn của chính phủ nước này. Galaxy Z Flip4 và Z Fold4 được bán mới đây tại Brazil đều có củ sạc đi kèm.