Lành mạnh hóa thị trường chứng khoán
Nhà đầu tư theo dõi bảng giao dịch chứng khoán. Ảnh minh họa

VN-Index giảm hơn 140 điểm

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21-4, chỉ số VN-Index giảm hơn 14 điểm, về mức 1.370,21 điểm, đánh dấu phiên giảm thứ 6 liên tiếp.

Còn tính trong 10 phiên gần đây, thị trường có tới 9 phiên đi xuống. Như vậy, tính từ đầu tháng 4 đến nay, chỉ số chung đã “bốc hơi” hơn 140 điểm.

Công ty Quản lý quỹ VinaCapital nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm do ảnh hưởng từ việc một số cá nhân bị khởi tố và bắt giữ với cáo buộc thao túng và che giấu thông tin chứng khoán; lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của các nhà đầu tư... Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7-2021 đến tháng 3-2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của Công ty Ngôi sao Việt, Công ty Cung điện mùa Đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Vụ việc của Tập đoàn FLC và Tập đoàn Tân Hoàng Minh khiến các nhà đầu tư lo lắng việc điều tra sẽ được mở rộng sang các công ty khác, nhất là đối với các công ty bị nghi ngờ về thao túng giá cổ phiếu và các công ty có tình hình tài chính không tốt, không minh bạch trong việc phát hành trái phiếu. Hàng loạt cổ phiếu mang tính đầu cơ (đã tăng "nóng" từ giữa năm 2021 trong khi kết quả kinh doanh không có chuyển biến tích cực) đồng loạt bị bán tháo và giảm mạnh. Điều đó dẫn đến việc bán giải chấp cổ phiếu (call margin) trên diện rộng trong những ngày qua. Ngay cả những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt cũng bị đem ra bán giải chấp để trả tiền vay mua chứng khoán, ảnh hưởng đến toàn thị trường chung.

Bên cạnh đó, các yếu tố vĩ mô trên thế giới không có nhiều hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán. Xung đột giữa Nga và Ukraina làm gián đoạn nguồn cung một số loại hàng hóa cơ bản, đẩy nguy cơ lạm phát lên cao…

Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng nhìn nhận, thông tin bất lợi trên thị trường bất động sản, chứng khoán đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư.

Trên thực tế, để bảo đảm thị trường chứng khoán phát triển ổn định, minh bạch, trong năm 2022, Bộ Tài chính chỉ đạo UBCKNN triển khai nhiều giải pháp quan trọng, trong đó tích cực hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển về dài hạn.

Cùng với đó, Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường, rà soát, nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Việc khởi tố các vụ án “thao túng thị trường chứng khoán” thời gian qua cho thấy quyết tâm của cơ quan chức năng trong việc thanh lọc, lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.

Tăng niềm tin của nhà đầu tư

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh đưa quan điểm, việc mạnh tay xử lý những trường hợp vi phạm trên thị trường chứng khoán chỉ tác động trước mắt đến tâm lý nhà đầu tư. Ở khía cạnh tích cực, động thái này sẽ giúp thanh lọc nhà đầu tư, bảo vệ những nhà đầu tư và doanh nghiệp chân chính, tăng niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với thị trường; đồng thời, giúp minh bạch, lành mạnh hóa thị trường, giúp thị trường phát triển bền vững.

Cùng quan điểm, các chuyên gia Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, đây là bước đi cần thiết nhằm bảo đảm sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường chứng khoán trong dài hạn.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh dự báo, sau đợt điều chỉnh này, thị trường chứng khoán sẽ tăng điểm, thậm chí có thể tăng lên mốc 1.600 điểm trong năm 2022. Sở dĩ vị chuyên gia này đưa ra nhận định trên bởi nền kinh tế những tháng đầu năm có nhiều khởi sắc. GDP quý I-2022 tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I-2021 và 3,66% của quý I-2020. Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh, kinh tế vĩ mô khá ổn định. Dự báo, đến cuối năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,5-7%. Đây là điểm tựa rất quan trọng với thị trường chứng khoán.

Còn các chuyên gia của VCBS đã đưa một số yếu tố kinh tế chính sẽ chi phối thị trường chứng khoán trong quý II-2022 cũng như năm 2022. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam dần lấy lại đà tăng trưởng, nhưng đi cùng với mức lạm phát cao. Đồng thời, lãi suất nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ, nhưng mặt bằng lãi suất nhìn chung vẫn được giữ ở mức thấp nhờ thanh khoản dồi dào của hệ thống ngân hàng. Các chuyên gia của VCBS duy trì dự báo mức cao nhất trong năm 2022 của chỉ số VN-Index có thể tiến đến 1.580 - 1.600 điểm, tương đương với mức tăng khoảng 6 - 8% so với mức đỉnh của năm 2021.

Niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường đang tăng lên khi Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động thực hiện ngay các biện pháp ổn định thị trường tài chính tiền tệ, chứng khoán. Bộ Tài chính, UBCKNN phối hợp với các cơ quan liên quan yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin theo đúng quy định pháp luật; trường hợp phát hiện công bố thông tin không rõ ràng, không chính xác thì yêu cầu cải chính và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đồng thời, thực hiện ngay việc công bố và cung cấp thông tin chính thức, trung thực về vụ việc và tình hình, triển vọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước cho các cơ quan báo chí và nhà đầu tư để nhà đầu tư tin tưởng, yên tâm tiếp tục thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo quy định pháp luật.