Lần đầu tiên NDT vượt USD trở thành đồng tiền được Trung Quốc dùng nhiều nhất trong giao dịch xuyên biên giới

Cụ thể, tỷ lệ sử dụng NDT trong các khoản thanh toán và biên lai xuyên biên giới của Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục 48% vào cuối tháng 3 từ mức gần bằng 0% trong năm 2010, theo nghiên cứu của Bloomberg Intelligence (BI) dựa vào dữ liệu từ Cục Quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc (SAFE). Các số liệu cho thấy tỷ lệ của đồng đô la giảm xuống 47% từ 83% trong cùng kỳ.

Tỷ lệ này được tính toán dựa trên khối lượng của tất cả các loại giao dịch xuyên biên giới Trung Quốc, bao gồm giao dịch chứng khoán thông qua các liên kết giữa Trung Quốc đại lục và các thị trường vốn của Hồng Kông. Trong khi đó, tỷ trọng của đồng NDT trong thanh toán toàn cầu ít thay đổi, ở mức 2,3% trong tháng 3, theo dữ liệu từ hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Tính toán của Reuters dựa vào dữ liệu của SAFE cũng cho thấy NDT sử dụng trong biên lai và thanh toán xuyên biên giới của Trung Quốc trong tháng 3 tăng lên mức cao kỷ lục 549,9 tỉ đô la, so với 435,5 tỉ đô la vào một tháng trước đó.

“Việc tăng sử dụng đồng NDT trong giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc có thể là kết quả tự nhiên từ nỗ lực mở rộng tài khoản vốn của Bắc Kinh, với dòng vốn chảy vào trái phiếu Trung Quốc và dòng vốn chảy ra từ chứng khoán Hồng Kông tăng lên”, Stephen Chiu, giám đốc chiến lược về tỷ giá và ngoại hối châu Á tại BI, viết trong một báo cáo.

Người phát ngôn của SAFE cho biết tỷ lệ sử dụng NDT trong giao dịch xuyên biên giới tăng cho phép các công ty trong nước giảm rủi ro về tình trạng mất cân xứng tiền tệ trong các giao dịch. Trong một chỉ thị thúc đẩy ngoại thương hôm 25/4, Quốc Vụ viện Trung Quốc cho biết Trung Quốc tiếp tục mở rộng thanh toán bằng NDT trong các giao dịch xuyên biên giới.

Chris Leung, nhà kinh tế tại Ngân hàng DBS, nhận định: “Các nỗ lực quốc tế hóa NDT đang tăng tốc khi các quốc gia khác tìm kiếm một loại tiền tệ thanh toán thay thế để đa dạng hóa rủi ro và khi uy tín của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm sút. Nhưng đồng thời, chúng ta vẫn thấy sự thống trị của đồng đô la còn một chặng đường dài phía trước, và tỷ trọng của đồng NDT trong thanh toán toàn cầu có thể chỉ ở quy mô nhỏ mãi mãi”.

Theo một bài báo gần đây của Zhang Ming, Phó giám đốc Khoa Tài chính Quốc tế tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, PBOC đã thay đổi chiến lược quốc tế hóa đồng nhân dân tệ kể từ đầu năm 2022.

Ông cho biết, thay vì tập trung vào việc tăng cường thúc đẩy thanh toán dầu thô bằng đồng nhân dân tệ và mở rộng khả năng tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài đối với chứng khoán trong nước như đã làm cho đến cuối năm 2021, ngân hàng trung ương đã bắt đầu tích cực thúc đẩy việc sử dụng nhiều hơn đồng tiền này trong việc thanh toán các giao dịch hàng hóa xuyên biên giới và cải thiện khả năng tiếp cận toàn cầu đối với các công cụ phái sinh gắn liền với tài sản bằng đồng nhân dân tệ.

Sự tập trung rõ nét hơn vào thanh toán hàng hóa được thể hiện rõ ràng từ các thỏa thuận như thỏa thuận được ký kết vào tháng trước với Brazil, thỏa thuận này sẽ cho phép các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á và Nam Mỹ thực hiện các giao dịch thương mại và tài chính bằng đồng nhân dân tệ.

Zhi Xiaojia, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại Crédit Agricole cho biết: “Trung Quốc có động lực mạnh mẽ để thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ nhằm quản lý rủi ro gia tăng về căng thẳng địa chính trị và sự chia rẽ giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ đã tăng cường đối thoại quốc tế và đạt được một số tiến bộ tích cực trên mặt trận này, đặc biệt là với ASEAN, Trung Đông và các nền kinh tế Mỹ Latinh”.

Tuy nhiên, do PBOC duy trì các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ, rất ít chuyên gia kỳ vọng đồng nhân dân tệ sẽ nhanh chóng thăng hạng trong các loại tiền tệ thanh toán toàn cầu.