Lần đầu có tài liệu hướng dẫn về chuyển đổi số trong ngành du lịch
Đây là một nguồn tham khảo quan trọng nhằm cung cấp các thông tin về thực trạng và các giải pháp tổng thể nhằm hướng dẫn sự chuyển đổi số đồng bộ trong ngành du lịch đối với các đối tượng cơ quan quản lý nhà nước, khách du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và hướng dẫn viên.
Chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu và ngày càng trở nên cấp thiết, mang tính chiến lược đối với ngành du lịch trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, trong đó nhấn mạnh ưu tiên phát triển du lịch số, du lịch thông minh là những lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao.
Tầm nhìn này được thể hiện thông qua nhiều văn bản pháp luật như: Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 949/QĐ-BVHTTDL ngày 22/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch CĐS của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2022…
Trang bìa tài liệu Hướng dẫn Chuyển đổi số của Trung tâm Thông tin du lịch, Tổng cục du lịch |
Theo đó, CĐS không chỉ đơn giản là đầu tư hạ tầng hay ứng dụng công nghệ thông tin vào du lịch. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phân biệt 17 điểm khác nhau giữa ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS. Trong đó đáng chú ý một số điểm khác biệt của CĐS như: Chuyển trọng tâm sang người đứng đầu; Chuyển từ chú trọng làm như thế nào sang làm cái gì; CĐS tập trung vào người dùng; Chuyển từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số dùng chung; Chuyển từ cách làm từng phần sang làm toàn diện, …
Nói tóm lại, CĐS là sự chuyển đổi căn bản phương thức hoạt động truyền thống sang hoạt động trên môi trường số thông qua ứng dụng những công nghệ hiện đại, qua đó mang lại những giá trị gia tăng mới cho khách hàng và nhà cung cấp.
Có ba mục tiêu quan trọng cần hướng tới bao gồm:
Thứ nhất, xây dựng và phát triển một hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch thống nhất trên toàn quốc giúp kết nối, liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp. Hướng tới kết nối, chia sẻ tài nguyên với Hệ tri thức Việt số hóa.
Thứ hai, tập trung hệ tài nguyên số, dữ liệu số dùng chung trên toàn quốc, cung cấp dữ liệu mở phục vụ cơ quan quản lý hoạch định chính sách; giúp doanh nghiệp mở rộng khả năng tiếp cận thị trường thương mại điện tử và nâng cao hiệu quả kinh doanh; cung cấp thông tin cập nhật và tin cậy đáp ứng nhu cầu của du khách và công chúng.
Thứ ba, gia tăng trải nghiệm du lịch thông minh, mang đến cho du khách nhiều tiện lợi, từ việc tìm thông tin, lên ý tưởng tới việc đặt, giao dịch và thanh toán điện tử.
Do đó, quá trình này đòi hỏi sự đổi mới về tư duy nhận thức, sự phối hợp chặt chẽ để hành động; kiến thức, năng lực và nguồn lực để triển khai thực hiện từ tất cả các bên liên quan như du khách, doanh nghiệp, cộng đồng làm du lịch và cơ quan chức năng.
CĐS là xu hướng tất yếu của ngành du lịch |
Tài liệu Hướng dẫn CĐS trong ngành du lịch cũng gợi ý tham khảo một lộ trình thực hiện CĐS gồm ba giai đoạn: Khởi động (tập trung vào thay đổi nhận thức, xác định yêu cầu, mục tiêu, chi phí,…); Xây dựng chiến lược và Triển khai thực hiện.
Theo đó, Trung tâm Thông tin Du lịch, Tổng cục du lịch, triển khai các nhiệm vụ như: Tiếp tục phát triển, giới thiệu, phổ biến các sản phẩm, ứng dụng, nền tảng chung nhằm hỗ trợ các chủ thể liên quan thực hiện CĐS; phối hợp với cơ quan quản lý du lịch địa phương xây dựng Kế hoạch CĐS trong du lịch tại địa phương;…
Còn cơ quan quản lý du lịch địa phương cần thực hiện các hoạt động như: Đề xuất, báo cáo UBND tỉnh/thành phố về chủ trương thực hiện CĐS du lịch tại địa phương; ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở kinh doanh du lịch và các đơn vị liên quan trên địa bàn thực hiện;…
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động du lịch, hướng dẫn viên du lịch, du khách cũng cần quan tâm, chủ động và tích cực tham gia các hoạt động CĐS du lịch của địa phương và ngành du lịch; đặc biệt cần chuẩn bị các kỹ năng số, công nghệ số để sẵn sàng thay đổi, thích ứng hướng đến sự phát triển bền vững.
Như vậy, cốt lõi của tài liệu hướng dẫn CĐS là “Hệ sinh thái CĐS du lịch” với sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Trong đó, Thẻ Du lịch thông minh, ứng dụng Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel, ứng dụng Nền tảng Quản trị và Kinh doanh du lịch, Trang vàng Du lịch Việt Nam, hệ thống cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam được xem là những sản phẩm cốt lõi hỗ trợ thiết thực cho khách du lịch, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, hướng dẫn viên, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.
Sơ đồ hệ thống phần mềm/ứng dụng hiện hành |
Cùng với đó là các sản phẩm thông minh và tiện ích giúp đáp ứng tối ưu nhu cầu của người dùng, tiêu biểu như hệ thống quản lý phòng tại các cơ sở lưu trú, hệ thống vé điện tử, hệ thống kiểm soát ra vào tự động, bãi đỗ xe thông minh, máy bán nước tự động, phần mềm quản lý bán hàng, hệ thống quản lý khách hàng, hệ thống quản lý chương trình khuyến mãi, chữ ký số, hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử, sản vật vùng miền, hệ thống thuyết minh điện tử…