Lãi suất huy động là gì?

Lãi suất huy động (tiếng Anh: deposit interest rate) là mức lãi suất tiền gửi được các ngân hàng, tổ chức tài chính đưa ra để huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân. Đây chính là mức lãi suất mà các ngân hàng, tổ chức tài chính cam kết sẽ chi trả cho chủ sở hữu khoản tiền khi gửi tiền.Lãi suất huy động hay còn gọi là lãi suất tiền gửi.

Lãi suất huy động là gì? Vì sao lãi suất huy động thấp hơn lãi suất cho vay?
Lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm luôn là thông tin được nhiều cá nhân và tổ chức quan tâm. (Ảnh minh hoạ)

Căn cứ vào chính sách khác nhau, mỗi ngân hàng sẽ đưa ra mức lãi suất huy động riêng. Những người có tiền nhàn rỗi sẽ là đối tượng được các ngân hàng, tổ chức tài chính hướng đến, thông thường lãi suất càng cao sẽ càng thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Tuy nhiên, mức lãi suất huy động của các ngân hàng, tổ chức tài chính phải tuân thủ theo mức trần lãi suất huy động do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Lãi suất huy động được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên số tiền gửi tại ngân hàng theo kỳ hạn gửi (tháng/năm). Thông thường 1 năm là thời hạn áp dụng tỷ lệ phần trăm này. Trường hợp muốn tính mức lãi suất trong 1 tháng cần chia tỷ lệ này cho 12.

Ví dụ: Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng tiền gửi trực tuyến tại Ngân hàng B là 6.8%. Như vậy, lãi suất huy động 1 tháng là: 6,8/12 ≈ 0,567 %.

Nghĩa là sau 6 tháng người gửi tiền sẽ hưởng số tiền lãi = Số tiền gửi x 0,567% x 6

Trần lãi suất huy động là gì?

Trần lãi suất huy động là mức lãi suất huy động tiền gửi cao nhất mà các ngân hàng thương mại được phép niêm yết. Mức trần lãi suất huy động do Ngân hàng Nhà nước quy định dựa trên việc phân tích nền kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ.

Các ngân hàng thương mại buộc phải tuân thủ quy định về mức lãi suất trần cho Ngân hàng Trung ương ban hành. Các ngân hàng thương mại được phép quyết định lãi suất huy động của mình nhưng không được vượt quá trần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước ban hành, nếu không tuân thủ sẽ bị xử lý theo quy định của Nhà nước.

Trần lãi suất được đặt ra với mục đích ngăn chặn sự chạy đua lãi suất huy động giữa các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính nhằm thu hút khách gửi tiền, từ đó ngăn chặn hệ quả của sự gia tăng đột biến về lãi suất cho vay.

Lãi suất huy động là gì? Vì sao lãi suất huy động thấp hơn lãi suất cho vay?
Các ngân hàng thương mại buộc phải tuân thủ quy định về mức lãi suất trần cho Ngân hàng Trung ương ban hành.

Nếu không có lãi suất trần, các ngân hàng và tổ chức tài chính có thể chạy đua, nâng cao lãi huy động để thu hút tiền gửi, từ đó dẫn đến việc lãi suất cho vay cũng phải tăng cao theo, gây khó khăn cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần vay tiền để sản xuất kinh doanh hoặc vay tiêu dùng.

Đặc điểm của lãi suất huy động

Lãi suất huy động luôn biến động bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Tỷ lệ lạm phát, sự cạnh tranh giữa các ngân hàng và chính sách tiền tệ cho Ngân hàng Nhà nước thi hành.

Lãi suất huy động thường tăng trong các trường hợp: Tỷ lệ lạm phát cao, các ngân hàng cạnh tranh gay gắt, Nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, muốn hút tiền lưu thông ra khỏi thị trường.

Ngược lại, khi lạm phát ổn định, cạnh tranh không quá gay gắt hoặc chính sách tiền tệ được nới lỏng thì lãi suất tiết kiệm thường sẽ giảm. Lãi suất thường tính theo chu kỳ tháng hoặc năm.

Vì sao lãi suất huy động thấp hơn lãi suất cho vay?

Thứ nhất, nhà đầu tư cần hiểu hoạt động kinh doanh chính của các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính bao gồm những gì.

Đó là:

- Huy động và nhận tiền gửi ngắn hạn, trung hạn và dài hạn từ các tổ chức và cá nhân;

- Cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đối với các tổ chức và cá nhân trên cơ sở tính chất và khả năng nguồn vốn của Ngân hàng;

- Thanh toán giữa các tổ chức và cá nhân;

- Thực hiện các giao dịch ngoại tệ, các dịch vụ tài trợ thương mại quốc tế, chiết khấu thương phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác;

- Các dịch vụ khác được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép.

Lãi suất huy động là gì? Vì sao lãi suất huy động thấp hơn lãi suất cho vay?
Đặc thù của hoạt động ngân hàng là tính rủi ro cao. (Ảnh minh hoạ)

Thứ hai, hoạt động ngân hàng có tính chất đặc thù là tính rủi ro cao.

- Đối tượng kinh doanh của ngân hàng là tiền. Tiền là một thứ rất khó kiểm soát, rất khó quản lý.

- Quan hệ kinh doanh mang tính kéo dài. Mỗi một cá nhân, tổ chức vay tiền để đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh, hay hoạt động cá nhân của họ thường tối thiểu là 3 tháng, có thể kéo dài 1 năm, 5 năm, thậm chỉ 10 đến 20 năm. Thể hiện độ rủi ro cao, càng để lâu khả năng hoàn trả khó đảm bảo hơn.

- Ngân hàng phải gánh chịu hầu hết rủi ro trong nền kinh tế. Ví dụ: Doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để kinh doanh bị cháy, doanh nghiệp đó lâm vào tình trạng khó khăn, khó có khả năng có tiền để thanh toán trả Ngân hàng.

Thứ ba, nguy cơ phản ứng dây chuyền khi các ngân hàng hoạt động không ổn định, thậm chí phá sản.

- Khi cho các tổ chức, cá nhân vay một số tiền lớn, tổ chức cá nhân đó không có khả năng trả ngân hàng, điều này dẫn đến ngân hàng không có tiền cho người dân hay tổ chức khác vay nữa. Như vậy, hoạt động đó có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống ngân hàng, thay đổi sự quản lý, thậm chí có thể thay đổi cả hệ thống tài chính, bộ máy cấp cao.

- Khi ngân hàng bị thiệt hại, khủng hoảng, dẫn đến tình trạng phá sản, làm người dân - nguồn chính để thu hút tiền tệ lưu thông mất niềm tin, người dẫn sẽ tích tiền ở nhà, không gửi vào ngân hàng nữa. Việc lưu thông tiền hạn chế, nhà nước in thêm tiền sẽ đẩy lạm phát tăng làm giá cả hàng hóa, chi phí sinh hoạt người dân tăng lên. Lạm phát tăng quá cao không kiểm soát được làm cho nền kinh tế bị khủng hoảng, thậm trí sụp đổ.

Lãi suất huy động là gì? Vì sao lãi suất huy động thấp hơn lãi suất cho vay?
Lãi suất cho vay luôn cao hơn lãi suất huy động tại cùng thời điểm. (Ảnh minh hoạ)

Như vậy, căn cứ vào tính chất đặc thù của hoạt động kinh doanh ngân hàng, các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính cần đạt được lợi nhuận để đảm bảo duy trì ngân hàng hoạt động ổn định, bền vững; nhằm hỗ trợ tốt cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Bên cạnh đó, ngân hàng, tổ chức tài chính thường có quy mô lớn, cần nhiều nhân sự, địa bàn hoạt động rộng, phải đáp ứng các quy định về quy mô vốn của cơ quan quản lý.

Chính vì vậy, các ngân hàng luôn cố gắng đảm bảo lợi nhuận kinh doanh tốt. Dựa vào hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng có thể thấy, lợi nhuận chủ yếu của ngân hàng cũng đến từ việc huy động tiền gửi với lãi suất thấp từ các nguồn tiền nhàn rỗi. Sau đó cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu, đảm bảo điều kiện, vay lại với lãi suất cho vay cao hơn nhằm thu về lợi nhuận từ khoản chênh lệch giữa lãi suất huy động thấp với lãi suất cho vay cao hơn.

Do đó, lãi suất cho vay luôn cao hơn lãi suất huy động tại cùng thời điểm.