Theo đó, kết thúc quý II/2023, lãi ròng của PV Power chỉ đạt 181,6 tỷ đồng, giảm 69% so với quý 2/2022.

Theo giải trình của PV Power, sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận chủ yếu do giá nhiên liệu tăng cao trong quý II/2023 đã khiến giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng thêm 1.428 tỷ đồng, tương ứng tăng 21,8% so với quý II/2022. Trong khi đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ tăng 768 tỷ đồng, tương ứng tăng 13% so với quý 2/20222. Dẫn đến việc lợi nhuận gộp trong quý II/2023 giảm 49,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 469 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong quý II/2022, PV Power có ghi nhận khoản doanh thu chênh lệch tỷ giá của Hợp đồng mua bản diện Nhà máy điện Vũng Áng 06 tháng cuối năm 2018. Trong khi đó, quý II/2023 không có khoản tương tự, dẫn đến lợi nhuận gộp giảm so với cùng kỳ năm trước.

PV Power cũng cho biết trong quý II/2023, các nhà máy thuỷ điện của Tổng Công ty đều sụt giảm sản lượng do lưu lượng nước về hồ thấp, dẫn đến doanh thu thủy điện giảm trong khi đó giá vốn không giảm tương ứng do chi phi cổ định chiếm tỷ trọng lớn trong giá vốn. Đồng thời, các nhà máy điện khí gặp khó khăn khi giá nhiên liệu tăng, cùng với đó là việc huy động vận hành bằng nhiên liệu dầu dẫn đến phải thực hiện lên, xuống máy nhiều lần cũng làm cho giá vốn tăng cao.

PV Power: Lãi ròng quý 2/2023 giảm 69%. Ảnh minh họa
PV Power lãi ròng quý 2/2023 giảm 69%. Ảnh minh họa

Đối với hoạt động tài chính, PV Power ghi nhận lỗ 14 tỷ đồng trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 163 tỷ đồng của cùng kỳ. Cụ thể, trong quý II/2023, doanh thu tài chính hợp nhất đã tăng 67 tỷ đồng chủ yếu do lãi tiền gửi ngân hàng tăng. Trong khi đó, chi phí tài chính giảm 82 tỷ, chủ yếu là do lãi tiền vay giảm 18 tỷ; đồng thời, lỗ chênh lệch tỷ giá giảm 54 tỷ và chi phí tư vấn tái cấu trúc giảm 7,5 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu POW gần như xóa sạch đà tăng được ghi nhận phiên 26/7. Chốt phiên giao dịch 27/7, POW giảm 1.85% và đóng cửa mức 13.300 đồng/cp. Tính từ đầu năm đến nay, thị giá cổ phiếu này tăng 24.88%, trong đó mức giá đóng cửa cao nhất là 13.950 đồng/cp (5/6) và giá thấp nhất là 11.000 đồng/cp (4/1).

Đối với nửa cuối năm 2023, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng giao các ban Khai thác Dầu khí; Công nghiệp khí và Lọc hóa dầu; Thương mại thị trường tính toán nguồn khí tối ưu nhất cho các nhà máy của PV Power ở khu vực Đông và Tây Nam Bộ, chủ trì phối hợp với các nhà máy đạm cân đối sử dụng nguồn khí.

PV Power cần tính toán cụ thể về việc phân bổ sản lượng cho từng nhà máy, sẵn sàng đưa Tổ máy số 1 Nhiệt điện Vũng Áng đi vào hoạt động trong tháng 7, kiểm soát chặt chẽ thời gian bảo dưỡng, đại tu các nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 2.

Song song đó, tổng công ty cần phối hợp giữa các nhà máy trong và ngoài Tập đoàn để xử lý các sự cố, quản trị dòng tiền, thu xếp nguồn vốn, công tác giải ngân, quản trị danh mục các dự án đầu tư trọng điểm.

Đáng chú ý, PV Power cho biết đang gặp khó khăn với việc thu hồi công nợ từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tính đến nay tổng số tiền nợ đọng đã xấp xỉ 13.000 tỷ đồng. Hồi tháng 6, EVN từng cho biết số nợ vay tại các đơn vị thành viên là rất lớn, nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao.