Kinh tế Việt Nam năm 2021 - Bản lĩnh vượt khó

Nhiều nỗ lực lớn, quyết sách mới

Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch. Theo Ban Kinh tế Trung ương, ngoài thiệt hại về người, dịch bệnh trong hai năm 2020-2021 đã gây tổng thiệt hại cho nền kinh tế cả nước gần 40 tỷ USD. Cộng đồng doanh nghiệp bị tổn thất nặng nề, suy giảm cả về lượng và hiệu quả hoạt động...

Các biện pháp quyết liệt, triệt để và quy mô nhất, kể cả chưa có tiền lệ, được các cơ quan chức năng liên tiếp đưa ra. Quốc hội cho phép Chính phủ áp dụng một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách, để kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch. Ngân sách nhà nước được quản lý theo hướng tiết kiệm triệt để chi thường xuyên để bổ sung và chi tối đa cho công tác chống dịch; các tổ công tác, ban chỉ đạo và trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch các cấp được thành lập và phối hợp chặt chẽ với nhau. Nhiều cuộc họp giao ban trực tiếp từ Thủ tướng Chính phủ đến cấp cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phòng, chống dịch để giữ tăng trưởng kinh tế, giữ tăng trưởng kinh tế để có nguồn lực phòng, chống dịch là chủ trương xuyên suốt.

Đặc biệt, Chính phủ, qua thực tiễn tình hình trong nước và quốc tế, tham khảo ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021, quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; theo đó cả nước chuyển hướng chiến lược chống dịch từ “phòng ngự” sang “tiến công”, chủ động và linh hoạt thích ứng với dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế; phân cấp rõ ràng và tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, sự linh hoạt kịp thời trong triển khai các chính sách; triển khai đồng bộ các biện pháp tài chính - tín dụng, như: Miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí cho doanh nghiệp; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng...

Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế cũng được đẩy mạnh rõ rệt theo hướng coi trọng hơn thị trường và củng cố các chuỗi cung ứng trong nước; thúc đẩy chuyển đổi số trong cả quản lý và sản xuất, kinh doanh, lưu thông phân phối và các hoạt động xã hội truyền thống khác. Hoạt động thương mại điện tử, làm việc, hội họp, học tập, tư vấn và kể cả vui chơi giải trí từ xa… ngày càng trở nên phổ biến và thường xuyên hơn.

Về tổng thể, theo Chính phủ, năm 2021, các điều kiện nền tảng vẫn vững mạnh; lượng dự trữ ngoại hối tăng cao; tiền tệ ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát… Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Standard & Poor’s và Fitch đồng loạt nâng cấp độ triển vọng từ “ổn định” lên “tích cực” kể từ khi đại dịch bùng phát.

Chịu nhiều tổn thất cả về con người và kinh tế do đại dịch Covid-19, năm 2021 là một năm khó khăn, nhưng không thất vọng và ghi nhận bản lĩnh vượt khó của Việt Nam.

Kết quả trên càng có ý nghĩa to lớn hơn khi chúng ta phòng, chống dịch trong điều kiện hầu hết các vật tư, thiết bị y tế, đặc biệt là thuốc, vắc xin trong nước không sản xuất được, phải nhập khẩu trong khi nguồn cung khan hiếm trên toàn cầu.

Thích ứng với bối cảnh “bình thường mới”

Theo dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết số 16/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, với “giải pháp đủ mạnh”, “thời gian đủ dài”, “quy mô đủ lớn”, Việt Nam sẽ tập trung vào tăng cường năng lực y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xa, hộ gia đình, kích thích đầu tư công và cải cách hành chính, với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đồng thời, tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững hơn, với tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6-6,5% trong 2022.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể kéo dài, các nhiệm vụ, giải pháp và các chính sách hỗ trợ phát triển cần chú ý gắn trực tiếp với diễn biến của dịch bệnh; tập trung hỗ trợ cả về thể chế hành chính và về tín dụng - tài chính, cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Các chính sách tiền tệ, tài khóa, nợ công phải vận hành linh hoạt và hiệu quả hơn để kích thích cho cả tổng cung và tổng cầu. Giải pháp ứng dụng công nghệ, thúc đẩy các xu hướng số hóa và tự động hóa cần được kết hợp với cải cách thể chế phát triển và phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và kinh tế đô thị. Hoạt động xuất khẩu phải được đa dạng hóa, đáp ứng và khai thác các cơ hội mới từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các mô hình kinh tế mới, mở rộng không gian kinh tế trong nước. Tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu trên cơ sở khai thác tốt vị thế đối ngoại và điểm đến hàng đầu trong Đông Nam Á về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Đại dịch Covid-19 cho thấy không có ngoại lệ đổ vỡ và khủng hoảng cho bất kỳ mô hình kinh doanh và nhà nước nào, kể cả các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Đại dịch cũng khiến thế giới trở nên chật hẹp hơn, gia tăng sự tùy thuộc, kết nối chặt chẽ và tác động lan tỏa hơn giữa các quốc gia. Không một ai, không một quốc gia nào được an toàn khi cộng đồng và các nước khác chưa an toàn. Dịch bệnh tạo áp lực và động lực thúc đẩy các nỗ lực xây dựng, củng cố và phối hợp thường xuyên hơn các thể chế, cả “bàn tay nhà nước” và “bàn tay thị trường”.

Dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức về y tế và kinh tế - xã hội chưa có tiền lệ, nên đòi hỏi chúng ta cũng phải có những tư duy, cách làm và nỗ lực chưa có tiền lệ, để vượt qua, phục hồi và tiếp tục phát triển…!

Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được tôi rèn qua chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh và muôn vàn thử thách nghiệt ngã khác đã, đang và sẽ ngày càng được nâng cao, mạnh mẽ và sáng tạo hơn, là cội nguồn sức mạnh để đất nước ta vượt mọi khó khăn trên hành trình vươn mình, hội nhập và sánh vai cùng thế giới…!

Theo báo cáo tóm tắt về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá kết quả năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 (diễn ra ngày 5-1): Trong năm 2021, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 1,84%. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 2,58%. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành một trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 336,25 tỷ USD, tăng 19%; xuất siêu đạt 4 tỷ USD. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 9,2%...