Kiểm toán là gì? Vai trò, công việc và chức năng của kiểm toán
Kiểm toán là gì?
Khái niệm kiểm toán
Kiểm toán là hoạt động kiểm tra và xác minh tính đúng đắn, trung thực của một báo cáo tài chính nào đó nhằm cung cấp các thông tin chính xác nhất về tình hình tài chính của doanh nghiệp, đơn vị hay tổ chức đó.
Có thể hiểu đơn giản, kiểm toán là một quá trình thu thập, đánh giá các chứng từ, bằng chứng liên quan đến các thông tin tài chính đã được cung cấp để đưa ra những đánh giá, báo cáo về sự phù hợp của thông tin đó với các hạng mục được thiết lập.
Phân loại kiểm toán
Phân loại Kiểm toán theo mục đích của kiểm toán
- Kiểm toán tuân thủ
Kiểm toán tuân thủ là loại kiểm toán nhằm xem xét doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức được kiểm toán có tuân thủ các quy định mà các cơ quan chức năng của nhà nước hay các cơ quan có thẩm quyền cấp trên đã đề ra.
- Kiểm toán hoạt động
Kiểm toán hoạt động là loại kiểm toán nhằm đánh giá, xem xét các mặt về kinh tế, tính hiệu quả, hiệu lực của hoạt động được thực hiện kiểm toán, cụ thể:
+ Tính kinh tế: Xem xét tính kinh tế dựa trên việc để đạt mục tiêu đã đề ra, giúp doanh nghiệp, đơn vị hay tổ chức tiết kiệm tốt các nguồn lực.
+ Tính hiệu quả: Kết quả đạt được tốt nhất với lượng nguồn lực nhất định.
+ Tính hiệu lực: Xem xét khả năng về mức độ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã xác định của doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức thực hiện kiểm toán.
- Kiểm toán báo cáo tài chính
Kiểm toán báo cáo tài chính là loại kiểm toán nhằm kiểm tra, đánh giá và xem xét về tính trung thực của các báo cáo tài chính được kiểm toán.
Các báo các tài chính được kiểm toán thường gặp bao gồm:
+ Báo cáo kết quả kinh doanh
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
+ Thuyết minh báo cáo tài chính
+ Bảng cân đối kế toán
+ Báo cáo quyết toán vốn
Phân loại theo loại hình tổ chức kiểm toán
Dựa trên loại hình tổ chức kiểm toán, kiểm toán được phân chia thành 3 loại: Kiểm toán độc lập, kiểm toán Nhà nước và kiểm toán nội bộ.
- Kiểm toán độc lập
Kiểm toán độc lập được thực hiện bởi các kiểm toán viên chuyên nghiệp, độc lập làm việc trong các tổ chức kiểm toán chuyên nghiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức.
Tổ chức và hoạt động của kiểm toán độc lập:
Tổ chức kiểm toán độc lập được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp với 02 hình thức phổ biến là công ty hợp danh và công ty tư nhân.
Hoạt động chính của các doanh nghiệp kiểm toán độc lập là cung cấp dịch vụ kiểm toán, bên cạnh đó còn hỗ trợ thêm các dịch vụ về thuế, tài chính, định giá tài sản.
- Kiểm toán Nhà nước
Kiểm toán Nhà nước là việc kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý ngân sách, tiền và tài sản của Nhà nước và được thực hiện bởi các cơ quan chuyên trách.
Tổ chức và hoạt động của kiểm toán Nhà nước:
Tại một số quốc gia, tổ chức kiểm toán có thể phân thành các cấp như: Kiểm toán nhà nước trung ương, kiểm toán nhà nước địa phương, kiểm toán theo khu vực địa lý.
Ở Việt Nam, tổ chức bộ máy kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn trực thuộc chính phủ, thực hiện các loại kiểm toán khác nhau: Kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động và kiểm toán tuân thủ nhằm đánh giá, xem xét các đơn vị đã thực hiện chấp hành luật pháp và các chính sách, chế độ Nhà nước đã ban hành chưa để có kế hoạch điều chỉnh phù hợp.
- Kiểm toán nội bộ
Kiểm toán nội bộ là công việc kiểm soát, đánh giá kết quả thực hiện các quy chế nội bộ, thực hiện pháp luật và kiểm tra hệ thống kiểm soát nội bộ, thực thi hoạt động tài chính – kế toán của doanh nghiệp có hữu hiệu hay không để đưa ra những đề xuất cải tiến, hoàn thiện.
Tổ chức và hoạt động của kiểm toán nội bộ:
Tổ chức kiểm toán nội bộ chịu sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo đơn vị, độc lập với các bộ phận khác và được thiết lập dưới hình thức là bộ phận chuyên môn (phòng, ban…) trực thuộc bộ máy lãnh đạo cao cấp của đơn vị.
Hoạt động kiểm toán nội bộ thường không được quy định bởi pháp luật, trừ trường hợp ở Việt Nam quy định cho doanh nghiệp nhà nước. Kiểm toán nội bộ thực hiện đánh giá, kiểm tra về tính kinh tế, tính hiệu quả và hiệu lực của hoạt động trong đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp được kiểm toán.
Quy trình kiểm toán
Ở phạm vi chung, quy trình kiểm toán gồm 3 giai đoạn: Lập kế hoạch, thực hiện, kết thúc kiểm toán. |
Tùy thuộc vào từng loại kiểm toán sẽ có những quy trình kiểm toán đặc thù khác nhau. Tuy nhiên trên phạm vi chung, các loại kiểm toán sẽ có có quy trình tương tự nhau, bao gồm 3 giai đoạn:
Lập kế hoạch kiểm toán
Ở giai đoạn này, kiểm toán thực hiện các công việc như:
+ Công tác chuẩn bị: Tiếp nhận khách hàng, chuẩn bị nhân sự, chuẩn bị phương tiện kiểm toán
+ Lập kế hoạch kiểm toán và xây dựng chương trình kiểm toán
Thực hiện kiểm toán
Giai đoạn thực hiện kiểm toán bao gồm việc triển khai nội dung trong kế hoạch và chương trình kiểm toán, cụ thể:
+ Thực hiện các khảo sát kiểm toán
+ Thực hiện phân tích và khảo sát chi tiết về nghiệp vụ, số dư
Kết thúc kiểm toán
Giai đoạn kết thúc kiểm toán bao gồm các công việc cụ thể sau:
+ Tổng hợp kết quả kiểm toán
+ Lập báo cáo kiểm toán
+ Công bố báo cáo kiểm toán
Đối với kiểm toán báo cáo tài chính sẽ bao gồm các công việc:
+ Xem xét các khoản nợ ngoài ý muốn
+ Xem xét các sự kiện phát sinh sau
+ Đánh giá, nghiên cứu các kết quả và lập báo cáo kiểm toán
+ Công bố báo cáo kiểm toán và hoàn thiện hồ sơ kiểm toán
Vai trò, công việc và chức năng của kiểm toán
Vai trò của kiểm toán
Trong cơ chế kinh tế mới, vai trò của kiểm toán ngày càng được thể hiện rõ rệt và đang dần tiếp cần dần với các nguyên tắc, chuẩn mực của kế toán kiểm toán các nước. Sự lành mạnh của hệ thống tài chính phụ thuộc nhiều vào chất lượng các thông tin về các hoạt động kinh tế, quản trị kinh doanh do kế toán cung cấp và do kiểm toán xem xét, đánh giá.
Kiểm toán ngày càng khẳng định được vai trò của mình đối với các tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước, cụ thể:
Đối với cơ quan Nhà nước
+ Kiểm toán phản ánh, kiểm soát ngân quỹ nhà nước và sự vận động của toàn bộ ngân quỹ và tài sản quốc gia
+ Hỗ trợ Nhà nước đưa ra các quyết định và các giải pháp để quản lý kinh tế – tài chính hiệu quả
Đối với doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế
Kiểm toán ngoài việc thực hiện vai trò kiểm tra, đánh giá các thông tin tài chính – kế toán còn thực hiện công tác tạo lập căn cứ và đưa ra những tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra những quyết định kinh doanh kịp thời, chính xác về đầu tư và kinh doanh.
Công việc của kiểm toán
Kiểm toán đóng vai trò quan trọng đối với các tổ chức, doanh nghiệp nhằm xác minh tính trung thực và tính hợp pháp của các báo cáo tài chính. Kiểm toán thực hiện các công việc chính như:
+ Kiểm tra tính đúng đắn, trung thực của các báo cáo tài chính
+ Đưa ra các ý kiến về mức độ hợp lý của các thông tin tài chính – kế toán
+ Tư vấn cho lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức về những sai sót đang xảy ra để từ đó gợi ý các biện pháp khắc phục giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Chức năng của kiểm toán
Kiểm toán có 02 chức năng chính là xác minh và bày tỏ ý kiến.
Chức năng kiểm tra và xác nhận (xác minh)
Chức năng xác minh của kiểm toán nhằm khẳng định mức độ trung thực của các tài liệu và tính pháp lý của việc thực hiện các nghiệp vụ hay việc lập báo cáo tài chính. Đây được coi là chức năng cơ bản nhất gắn với sự ra đời và tồn tại, phát triển của hoạt động kiểm toán
Chức năng xác minh được thể hiện theo 2 mặt:
+ Tính trung thực, đúng đắn của các số liệu
+ Tính hợp thức của các biểu mẫu phản ánh tình hình tài chính doanh nghiệp, đơn vị hoặc tổ chức đó. Các thông tin trước hết sẽ được xác minh qua hệ thống kiểm soát nội bộ, kết quả cuối cùng khi được xác minh sẽ được điều chỉnh để có hệ thống thông tin tin cậy và lập các bảng khai tài chính.
Chức năng bày tỏ ý kiến
Chức năng bày tỏ ý kiến được thể hiện bằng việc đưa ra những ý kiến nhận xét của kiểm toán viên về chất lượng và tính hợp lí của các thông tin tài chính, cụ thể:
+ Thực hiện tư vấn cho quản lý nhà nước về việc phát hiện những bất cập trong chế độ tài chính kế toán để từ đó kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét, nghiên cứu và hoàn thiện để phù hợp hơn
+ Hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp, đơn vị được kiểm toán: Thông qua các sai sót và các chỉ số yếu kém của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán viên đề xuất, gợi mở các biện pháp để khắc phục, chấn chỉnh hệ thống kiểm soát nội bộ đối với doanh nghiệp, đơn vị đó.
Tầm quan trọng của kiểm toán trong doanh nghiệp
Kiểm toán hoạt động dưới vai trò là người bảo vệ giá trị cho doanh nghiệp. Mục đích của công việc này là đảm bảo hoạt động của công ty tuân thủ các quy định pháp luật. Và tuân thủ các đạo đức kinh doanh và quy chế hoạt động của công ty. Kiểm toán còn chịu trách nhiệm phát hiện ra những sai sót trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Họ giữ vai trò là người tư vấn và định hướng cho ban giám đốc và hội đồng quản trị về kiểm soát rủi ro.
Bên cạnh đó, kiểm toán là giúp chủ doanh nghiệp cải tiến những điểm yếu. Các điểm yếu này từ hệ thống quản lý và quản trị doanh nghiệp. Bằng cách phân tích, kiểm tra, giám sát quy trình hoạt động của các phòng ban. Các kiểm toán nội bộ sẽ đưa ra những lời tư vấn giúp công ty hoạt động năng suất và hiệu quả hơn.