Kế hoạch mở rộng điện khí LNG ở Đông Nam Á và nguy cơ với cuộc sống vùng ven biển
Những ngư dân tại quận Chana (Thái Lan) đối mặt với cơn bão trong một lần đi đánh bắt cá. Một phần của địa phương này đã dánh cho việc xây dựng khu công nghiệp năng lượng và cảng biển nước sâu. Ảnh: Napat Wesshasartar

Đối với Tom Buitizon (57 tuổi), Verde Island Passage (Đoạn đảo Verde, sau đây được viết tắt là VIP), là nguồn sống của ông và hàng triệu người dân sống tại miền Nam Luzon (Philippines). Nguồn lợi ích từ biển dồi dào hỗ trợ sinh kế, cung cấp thực phẩm cho gia đình của họ.

Trong hơn 25 năm làm nghề, Buitizon đã từng đánh bắt được đến 20kg cá mỗi lần ra biển vào nhiều năm trước đây, nhưng giờ đây những ngư dân sống ven biển VIP đang gặp nhiều khó khăn hơn khi nguồn thức ăn đó dần khan hiếm. Ông nói rằng, rất nhiều thứ đã thay đổi theo hướng tồi tệ hơn kể từ khi thành phố Batangas trở thành tụ điểm phát triển nhiều ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm cả các dự án khí tự nhiên hoá lỏng (LNG).

“Hiện tại, mỗi lần tôi chỉ đánh bắt được hai đến ba kg cá. Đôi khi tôi không muốn mạo hiểm đi xa bờ bởi tình trạng cạn kiệt thuỷ sản và chi phí xăng tăng cao khiến chuyến đi trở nên vô ích”, ông nói.

Buitizon cũng lo ngại rằng sự mở rộng nhanh chóng của các dự án khí hóa thạch sẽ gây áp lực lớn tới hệ sinh thái ven biển tại đây, nơi còn được mệnh danh là “rừng Amazon của đại dương”. VIP là nơi sinh sống của 60% các loài cá ven bờ được biết đến trên thế giới. Nhưng đây dự kiến cũng sẽ là địa điểm của 8 nhà máy điện khí và 7 kho cảng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG).

VIP chỉ là một trong những bờ biển tại Đông Nam Á đang bị đe doạ bởi các dự án điện khí trong khu vực. Theo Trung tâm Năng lượng, Sinh thái và Phát triển (CEED) có trụ sở tại Philippines, Đông Nam Á đang nhanh chóng chuyển từ khu vực phụ thuộc vào than trở thành một trung tâm khí hoá thạch của châu Á.

Báo cáo mới nhất của CEED thống kê, đến nay trong khu vực ghi nhận số lượng nhà máy điện khí tương đương với tổng công suất 138GW và 118 kho cảng LNG, bao gồm cả những dự án đang được xây dựng và đã đề xuất. Dẫn đầu xu hướng chuyển dịch từ than sang LNG ở Đông Nam Á là các quốc gia Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam - đây cũng là những quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo.

Mối đe dọa đến đa dạng sinh học biển

Kế hoạch mở rộng điện khí LNG ở Đông Nam Á và nguy cơ với cuộc sống vùng ven biển
Nhà nghiên cứu đánh giá các rạn san hô ở vùng biển thành phố Batangas, Philippines. Ảnh: CEED

VIP nằm ở trung tâm của Tam giác San hô (Coral Triangle), một mạng lưới ám tiêu (reef) bao gồm các vùng biển của Indonesia, Philippines, Malaysia, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon và Đông Timor. Trong khi Tam giác San hô chỉ chiếm 1,5% tổng diện tích đại dương của thế giới nhưng lại đại diện cho khoảng 30% rạn san hô trên hành tinh này.

Tuy nhiên, do nhiều năm phát triển công nghiệp đã gây ra sự suy thoái nghiêm trọng cho hệ sinh thái biển của VIP. Biến đổi khí hậu, đánh bắt thuỷ sản bất hợp pháp và du lịch không bền vững đều là những mối đe doạ đối với vùng hành lang ven biển này.

Một cuộc phân tích chất lượng nước do CEED thực hiện tại đây cho thấy nồng độ “rất cao” của các chất ô nhiễm chính và kim loại nặng như phốt-phát, crom, đồng và chì, dọc theo bờ biển Barangays Ilijan và Dela Paz ở thành phố Batangas. Một nghiên cứu khác của đơn vị này cho thấy độ phủ san hô “rất thấp” tại các rạn san hô gần các khu vực công nghiệp nặng ở Ilijan và Dela Paz. Họ cũng phát hiện ra rằng, mặc dù độ đa dạng sinh học và mật độ cá ở các vùng nước gần khu vực các dự án thấp hơn so với phần còn lại của VIP nhưng sinh khối loài vẫn khá cao.

CEED chỉ ra rằng, việc hút nước biển và xả nước từ các nhà máy khí đốt và kho cảng LNG có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ nước biển, khiến cá phải tìm kiếm nguồn nước mát hơn ở những vùng biển khác. Mặt khác, các hoạt động vận tải biển do vận chuyển LNG sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường nước, sự bồi lắng có thể phá huỷ các rạn san hô và tiềm ẩn nguy hại đến các tàu biển nhỏ hơn.

Nếu VIP tiếp tục bị ảnh hưởng thêm do sự mở rộng cơ sở hạ tầng LNG theo các đề xuất hiện tại ở Philippines thì tác động của việc phá huỷ môi trường biển và hệ sinh thái biển có thể rất sâu rộng.

Giáo sư Jayvee Saco (Đại học Batangas), người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Hải dương học và Thủy sinh học Verde Island Passage, cho biết: “Vấn đề là các khu vực đa dạng sinh học được kết nối với nhau và tất cả các sinh vật ở các khu vực khác đều có thể bị ảnh hưởng [từ sự suy thoái môi trường biển tại VIP]”.

Ông cảnh báo “hiệu ứng suy thoái có thể tiếp tục trầm trọng hơn”. Dù vậy ông vẫn nhận định cần có những nghiên cứu cụ thể hơn về mối liên hệ giữa hệ sinh vật ở VIP với hệ sinh vật ở các khu vực khác.

Còn về phía ngư dân, Buitizon lo ngại rằng nhiều loại cá khác nhau trong khu vực VIP có thể sẽ biến mất do sự phát triển ồ ạt của các dự án khí hoá thạch trong khu vực, và thế hệ sau chỉ còn biết về chúng qua sách vở.

“Chúng tôi không chống lại chính phủ. Chúng tôi chỉ muốn họ hiểu mối quan tâm của chúng tôi và nghiên cứu tác động của việc mở rộng các dự án LNG vì VIP là nhà của các loại sinh vật biển khác nhau. Nếu điều này bị phá hủy, không chỉ cuộc sống của người dân Batangas sẽ khốn khổ hơn mà cả những người sống ở các tỉnh khác.” Buitizon chia sẻ.

Trước đó, nhóm cộng đồng Bukluran ng Mangingisda ng Batangas đã đề xuất tới Bộ Tài nguyên & Môi trường Philippines công nhận vùng biển VIP xung quanh các dự án thuộc công ty San Miguel, Linseed-AF&P và các nhà máy khí đốt hiện có, là “khu vực NAA” (non-attainment area) – tức là khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường và không cho phép thiết lập các nguồn cung cấp chất ô nhiễm mới.

Về vấn đề này, Bộ Năng lượng Philippines nhận định với tờ The Philippines Star rằng, sẽ ban hành Giấy chứng nhận tuân thủ môi trường để ràng buộc một dự án không được gây ra tác động tiêu cực đáng kể đến môi trường, đồng thời tiến hành giám sát và kiểm tra nghiêm ngặt các cơ sở khí đốt đang được đề xuất.

Nguy cơ với rừng ngập mặn tại “Hòn đảo thần linh”

Kế hoạch mở rộng điện khí LNG ở Đông Nam Á và nguy cơ với cuộc sống vùng ven biển
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đến thăm Rừng quốc gia Ngurah Rai Grand Forest Park (Bali) vào cuối năm 2021. Khu rừng ngập mặn này là địa điểm tổ chức Hội nghị G20 và được chỉ định làm địa điểm xây dựng kho cảng LNG rộng 3 ha ở làng Sidakarya, Denpasar. Ảnh: Cơ quan Lâm nghiệp và Môi trường tỉnh Bali

Các cộng đồng địa phương trên hòn đảo Bali (Indonesia) cũng đang phản đối kế hoạch xây dựng một kho cảng LNG trong một khu rừng ngập mặn ở thành phố Denpasar trong công cuộc đẩy nhanh mục tiêu thương mại hoá khí đốt của chính phủ nước này.

Theo đánh giá của CEED, có thể thấy rõ xu hướng đẩy mạnh tiến độ xây dựng các kho cảng LNG tại các quốc gia xuất khẩu LNG như Indonesia và Malaysia.

Ông Ida Bagus Setiawan – Trưởng phòng Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản thuộc Văn phòng Nhân lực, Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản tỉnh Bali – cho biết, dự án LNG sẽ cung cấp cho điểm “nóng” du lịch nguồn điện ổn định, từ đó không phải phụ thuộc vào các nguồn năng lượng bên ngoài hòn đảo này.

Nhưng người dân địa phương lo ngại rằng, dự án LNG nếu được xây dựng trong Rừng quốc gia Ngurah Rai tại làng Sidakarya, thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng bản địa. Được biết, rừng quốc gia Ngurah Rai là hệ sinh thái rừng ngập mặn lớn nhất tại Bali, có vị trí gần với các khu vực kinh doanh và du lịch.

Trong khi đó, việc nạo vét cát để làm đường biển đã và đang gây tổn hại đến rừng ngập mặn và các hệ sinh thái ven biển khác. Rừng ngập mặn cung cấp một số dịch vụ hệ sinh thái quan trọng như là nơi sinh sản của các loài sinh vật biển, hấp thụ CO2 và giảm nguy cơ sóng thần.

Theo kế hoạch, đường ống dẫn khí LNG sẽ được lắp đặt đi qua khu vực rừng ngập mặn, nhưng đơn vị đề xuất phương án này là PT Dewata Energi Bersih khẳng định sẽ không làm xáo trộn rễ rừng ngập mặn.

Mặt khác, người dân cũng lo ngại rằng cảng tiếp nhận các tàu vận chuyển LNG sẽ phá huỷ các rạn san hô trong khu vực vì Bali cũng là một phần trong Tam giác San hô.

Chuyên gia luật tài nguyên thiên nhiên Ahmad Redi cho rằng: “Dự án kho cảng LNG ở Bali phải được xem xét và đánh giá lại về khả năng gây hại lớn tới môi trường nếu muốn tiếp tục triển khai”.

Ông Samsi Gunarta, người đứng đầu Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bali, cho biết ban quản lý dự án chỉ có thể tiến hành nạo vét nếu được cấp giấy phép kièm theo quy trình phân tích, đánh giá các tác động môi trường. “Giấy phép sẽ không được cấp nếu các yêu cầu về yếu tố môi trường không đáp ứng và dự án có thể bị chấm dứt nếu các dự án không thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật”.

Thiếu vắng nghiên cứu, tham vấn ý kiến cộng đồng

Kế hoạch mở rộng điện khí LNG ở Đông Nam Á và nguy cơ với cuộc sống vùng ven biển
Cư dân của quận Chana (Thái Lan) thu thập trai để sinh sống. Ảnh: Napat Wesshasartar

Chana là một thị trấn ven biển ở tỉnh Songkhla, miền nam Thái Lan, được biết đến với hệ sinh thái biển đa dạng, phần lớn cư dân dựa vào nghề cá làm sinh kế. Tuy nhiên, một phần của Chana đang được chuyển đổi thành khu phức hợp công nghiệp năng lượng và một cảng biển nước sâu.

Hiện tại, miền nam Thái Lan là khu vực duy nhất trong cả nước, ngoại trừ khu vực Thủ đô Bangkok, là nơi có nhu cầu điện năng vượt quá khả năng sản xuất. Để cung cấp năng lượng cho khu công nghiệp, chính phủ đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm năng lượng tại đây, trong đó bao gồm nhà máy điện LNG.

Người dân địa phương và các nhà hoạt động đang phản đối dự án LNG trên bởi chính quyền đã không thực hiện các buổi lấy ý kiến công chúng, đặc biệt những cư dân có cuộc sống và sinh kế sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự phát triển dự án này. Việc xây dựng kho cảng LNG sẽ đòi hỏi phải nạo vét đáy biển để tiếp nhận các tàu lớn chở LNG.

“Đó không phải là vấn đề năng lượng mà là việc không có một buổi họp chính thức công khai để lấy ý kiến công chúng”, một trong những nhà hoạt động – bác sĩ Supat Hasiwannakit cho biết. Các cuộc phản đối ở Chana và Bangkok đã dẫn đến một số nhà hoạt động bị bắt giữ.

Theo giới chuyên gia Thái Lan, đánh giá tác động môi trường do chính phủ thực hiện cho thấy rất ít chi tiết về cách dự án này có thể ảnh hưởng đến vùng biển giàu có tại Chana. Kua Rittibon – giảng viên tại Đại học Prince Songkla, lấy ví dụ một trong các tác động cần được nghiên cứu cẩn trọng hơn, đó là việc trầm tích được đào lên trong quá trình nạo vét có thể bị dòng chảy cuốn theo và ảnh hưởng đến các rạn san hô.

Mặt khác, Việt Nam là quốc gia được đánh giá là một trong những thị trường LNG tiềm năng nhất của châu Á. Theo báo cáo của CEED, tổng công suất của các dự án khí LNG hiện trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng hoặc đang trong quá trình xây dựng đạt tới 56,3 GW. Tuy nhiên, hiện các nghiên cứu, hiểu biết về tác động của các dự án LNG đối với đa dạng sinh học biển và cộng đồng ven biển rất hạn chế.

Theo một số ý kiến chuyên gia, sự thiếu vắng các khảo sát, nghiên cứu về tác động môi trường biển của các dự án năng lượng còn từ nguyên nhân hiện tại việc bảo tồn các hệ sinh thái trên đất liền vẫn được chú trọng hơn. Trong khi đó, các nghiên cứu về biển thường cần tới nguồn tài trợ lớn, đánh giá tác động trên quy mô rộng, thậm chí đa quốc gia, nên so với tiềm lực của Việt Nam hiện khó thể thực hiện đầy đủ.

“Số lượng các nghiên cứu về các dự án điện khí ven biển rất hạn chế. Do đó vẫn chưa thể biết được cụ thể khu vực ven biển sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, liệu nhà máy điện khí có làm tăng nhiệt độ ở khu vực đó hay không. Nếu nhiệt độ tăng, các loài thủy sinh sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, hệ thống sử dụng nước làm mát để xả thải ra sao… ”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển thiên nhiên (CCD) nhận định.

Mặt khác, trong Luật Bảo vệ môi trường 2022 có quy định về trách nhiệm của chủ dự án đầu tư sau khi có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, bao gồm việc công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định của pháp luật. Dù vậy, không phải tất cả các công ty đều tuân thủ đầy đủ quy định này.

Ông Hà cũng cho biết thêm: “Hiện nay, vẫn chưa có quy định pháp luật ràng buộc về việc đánh giá và quản lý tác động môi trường của từng loại dự án năng lượng điện mới ở Việt Nam”.

Giải pháp và tương lai của LNG

Kế hoạch mở rộng điện khí LNG ở Đông Nam Á và nguy cơ với cuộc sống vùng ven biển
Những ngư dân và các nhóm cộng đồng địa phương tổ chức một cuộc diễu hành bằng thuyền để phản đối kế hoạch mở rộng dự án khí hóa thạch và khí LNG ở tỉnh Batangas vào ngày 22/4/2022. (Ảnh: Philstar / Gaea Katreena Cabico)

Ông Sam Reynolds, chuyên gia phân tích tài chính năng lượng Viện phân tích tài chính và kinh tế năng lượng (IEEFA) có trụ sở tại Mỹ, đánh giá: Có nhiều dự án LNG ở các khu vực đang phát triển tại châu Á là “không thực tế” do những hạn chế nhất định tuỳ theo tình hình từng quốc gia và vấn đề tài chính. Khi các nước Đông Nam Á mở rộng quy mô đầu tư vào cơ sở hạ tầng LNG ven biển, song hành phải là các biện pháp giảm thiểu tác động trong suốt vòng đời dự án đối với môi trường biển và cộng đồng.

Theo Miguel Azcuna (Đại học Batangas), một nhà khoa học nghiên cứu về VIP, sự lên tiếng từ các tổ chức quốc tế như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) có thể góp phần làm chậm lại sự phát triển công nghiệp “quá mức” trong khu vực. Một giải pháp khác là tăng thêm số lượng các khu bảo tồn biển tại những vùng biển đa dạng sinh vật để giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình công nghiệp hoá. Như hiện tại, VIP có 36 khu bảo tồn biển.

Năm 2017, Mạng lưới Khu bảo tồn Biển và Thực thi Pháp luật Đảo Verde đã được thành lập, gồm 5 tỉnh xung quanh VIP là Batangas, Occidental Mindoro, Oriental Mindoro, Marinduque và Romblon. Theo đó, đại diện các cơ quan chính phủ đã ký một thỏa thuận để bảo vệ và bảo tồn hành lang biển, cùng với sự cam kết từ công ty điện lực First Gen Corp – công ty đã xây dựng 4 nhà máy nhiệt điện khí và hiện đang xây dựng một kho cảng LNG tại nơi này.

Mặt khác, Muhammad Zainuri, chuyên gia sinh vật biển tại Đại học Diponegro (Indonesia) đề xuất rằng các công ty nên đầu tư vào hệ thống khắc phục để xử lý nước thải. “Chúng ta cần nước biển luôn trong xanh để tạo ra oxy. Rác thải ngày càng gia tăng trong tự nhiên hàng năm, nếu không được xử lý sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng”, ông nói.

Các chuyên gia khác trong khu vực cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đánh giá đúng mức tác động của môi trường các dự án. Bà Ngô Thị Tố Nhiên, giám đốc điều hành Sáng kiến Việt Nam về Chuyển đổi Năng lượng (VIETSE) tại Việt Nam, nhận định, do đặc thù mới phát triển của lĩnh vực LNG tại Việt Nam, việc học hỏi kinh nghiệm phát triển LNG và đánh giá tác động môi trường cũng như tránh những tác động tiêu cực đã xảy ra trong quá khứ từ các nước phát triển là điều cần thiết để từ đó rút ra những bài học quý báu, giúp Việt Nam không hạn chế được rủi ro.

Bà cũng nhấn mạnh rằng để có thể phát triển bền vững, cần phải rà soát và đồng bộ hóa quy định trong các giai đoạn dự án để đảm bảo sự tuân thủ các kế hoạch hành động môi trường xã hội trên thực tế.

“Đối với chủ đầu tư dự án, quy định cần bao gồm cả sự chuẩn bị đầy đủ và đúng lúc nguồn lực về môi trường xã hội, thời gian triển khai các biện pháp giảm thiếu tác động và biện pháp phòng ngừa/ ứng phó sự cố. Cơ quan nhà nước cần cụ thể hóa quy định kiểm tra/giám sát bao gồm cả mẫu báo cáo riêng đặc thù cho LNG để giám sát/xử lý vấn đề môi trường xã hội trong đất liền và trên biển.” bà Nhiên cho hay.

(Theo The Philippines Star)