Theo đó, việc cổ phiếu của FLC bị hủy niêm yết là do Công ty CP Tập đoàn FLC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch Chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.

Quyết định này nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, thuộc trường hợp chứng khoán bị huỷ niêm yết bắt buộc theo quy định tại khoản 1, điều 120, Nghị định 155 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Với quyết định này, xấp xỉ 710 triệu cổ phiếu FLC sẽ chính thức bị hủy niêm yết từ ngày 20/2 tới, giá trị chứng khoán hủy niêm yết theo mệnh giá là 7.100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của FLC trên HoSE chỉ ở mức 3.570 đồng, tương ứng giá trị vốn hóa của FLC là 2.534,7 tỷ đồng.

Trao đổi với Lao Động, luật sư Lê Thu Hằng, Công ty Luật TAT cho biết khi cổ phiếu bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư vẫn được đảm bảo về nguồn sở hữu đối với cổ phiếu. Doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đảm bảo cổ phiếu cho các nhà đầu tư.

"Gần 710 triệu cổ phiếu FLC bị HOSE hủy niêm yết này không làm thay đổi quyền lợi của nhà đầu tư với tư cách cổ đông của Tập đoàn FLC. Tuy nhiên, việc hủy niêm yết sẽ khiến cổ phiếu của họ không được giao dịch, mua bán, chuyển đổi trên sở giao dịch chứng khoán, được hiểu như cổ phiếu bị "treo" không quy đổi được thành tiền mặt", luật sư giải thích.

Khi cổ phiếu mà nhà đầu tư mua bị hủy niêm yết thì vẫn có thể giữ được giá trị. Pháp luật quy định các công ty có cổ phiếu bị hủy niêm yết phải đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM để đảm bảo cổ phiếu vẫn có thể được mua bán như mong muốn của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, giá trị cổ phiếu còn đạt mức cao hay giữ được thanh khoản hay không lại là một câu chuyện khác. Bởi việc bị hủy niêm yết chứng tỏ cổ phiếu của tổ chức phát hành không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe để có thể giao dịch trên sàn chứng khoán. Uy tín vì thế bị giảm sút dẫn đến khó mua đi bán lại.

Theo bà Thu Hằng, để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư khi cổ phiếu huỷ niêm yết, bản thân doanh nghiệp phải mua lại số cổ phiếu này bằng tiền của mình hoặc bằng cách bán tài sản gồm máy móc, nhà xưởng, bất động sản... Nếu không, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ yêu cầu công ty chuyển cổ phiếu lên UPCOM để giao dịch. Khi ấy nhà đầu tư có thể tiếp tục bán cổ phiếu tại đây và hình thức này gọi là huỷ niêm yết chuyển sàn.

Tuy nhiên, vấn đề này còn phụ thuộc vào thị trường và quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép các cổ phiếu trên được hoạt động bình thường.

Luật sư lưu ý: "Thời gian chôn vốn của các nhà đầu tư chưa thể xác định được rõ ràng. Các cổ phiếu từng bị huỷ niêm yết cũng như cổ phiếu của FLC không phải là ngoại lệ".

Bà Hằng khuyên các nhà đầu tư nên chú ý và liên tục cập nhật các thông tin về cổ phiếu và doanh nghiệp. Nhờ đó có thể dễ dàng nhận ra các dấu hiệu có vấn đề của công ty. Khi nhận thấy cổ phiếu có khả năng bị huỷ do lỗi từ phía công ty thì nên bán ngay tại thời điểm tình hình kinh doanh không tốt.

Đối với cổ phiếu không được niêm yết trên sàn chứng khoán dù là UPCOM thì nhà đầu tư cũng không nên quá lo lắng. Họ sẽ được đảm bảo về nguồn sở hữu với chứng khoán, bởi cổ phiếu bị huỷ niêm yết nhưng không phải huỷ giá trị.

Chia sẻ với CafeBiz, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư Tài chính (VAFI), cho rằng khi đầu tư vào bất cứ DN nào, nhà đầu tư phải chịu một mức độ rủi ro nhất định. Tuy nhiên, với chức năng của cơ quan quản lý nhà nước, cần nghiêm túc xử lý, cảnh báo sớm các trường hợp vi phạm của lãnh đạo DN trên thị trường chứng khoán nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư; đừng để xảy ra chuyện phát hành cổ phiếu vô tội vạ kiểu "bán giấy lấy tiền", "bán chui", "thao túng cổ phiếu" rồi mới vào cuộc xử lý. Cuối cùng, nhà đầu tư phải gánh chịu mọi hậu quả.

Trong khi đó, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á (DAS), cho rằng sau sự việc các cổ phiếu thuộc họ FLC, bài học sâu sắc mà nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán rút ra là: chọn cổ phiếu phải chọn cả lãnh đạo DN, xem họ là ai, tâm - tầm và năng lực điều hành, quản trị và tài chính ra sao?

"Nếu ai từng để ý cổ phiếu FLC hay ROS có liên quan ông Trịnh Văn Quyết sẽ thấy 2 DN này thường chú trọng việc định giá lên tới hàng tỉ USD với mục đích thu hút nhà đầu tư, thay vì chú trọng lành mạnh tài chính, phát triển kinh doanh đúng hướng, ổn định và bền vững…", ông Tuấn dẫn chứng.

Tháng 4/2011, FLC chính thức được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận việc trở thành công ty đại chúng. Đến tháng 10/2011, cổ phiếu doanh nghiệp chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán là FLC - đánh dấu bước đi đầu tiên trên sàn chứng khoán. Ngày 22/11/2010, Công ty cổ phần FLC chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 170 tỷ đồng.

Cổ phiếu này tạo nên cơn sốt khi liên tục tăng "nóng" chỉ trong một thời gian ngắn năm 2022 với chênh lệch giá có thời điểm lên tới hơn 800%. Đây được coi là một trong những cổ phiếu "ác mộng" nhất của thị trường khi ấy. Từ mức giá cao nhất trên 43.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng 3/2012, FLC đã giảm liên tục về mức đáy hơn 3.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối năm 2022 và giao dịch lình xình vùng giá này, trước khi "nổi sóng" trở lại với thông tin chuyển sàn.

Tháng 8/2013, FLC chính thức chuyển niêm yết 77,2 triệu cổ phiếu từ HNX sang Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) và mất chưa đầy một năm để lọt rổ VN30 - 30 doanh nghiệp vốn hóa lớn của thị trường. FLC cũng lọt vào tầm ngắm của loạt quỹ ngoại như V.N.M ETF, FTSE ETF…

Tuy nhiên, mã này không đạt kỳ vọng của giới đầu tư khi sau đó đã ở dưới mệnh giá nhiều năm liên tiếp. Nhưng có một điểm đặc biệt là dù giá thấp chỉ bằng ly trà đá, FLC, bên cạnh những phiên gần như mất thanh khoản, vẫn có nhiều phiên "dậy sóng" thị trường với thanh khoản thường xuyên nằm trong top đầu thị trường.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) vừa ra quyết định huỷ niêm yết 709.997.807 cổ phiếu FLC.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) vừa ra quyết định huỷ niêm yết 709.997.807 cổ phiếu FLC.

Ông Trịnh Văn Quyết trong các buổi họp cổ đông cũng nhiều lần đề cập đến việc cổ phiếu ở dưới mệnh giá, trước chất vấn của cổ đông. Cuối năm 2019, ông Quyết từng khẳng định cổ phiếu sẽ về mệnh giá trong năm 2020. Nếu không đạt được, ông xin phá sản. Ông cũng cam kết chi 1.500-2.000 tỷ đồng để mua thêm cổ phiếu.

Nhưng phải đến tháng 3/2021, FLC mới chính thức lấy lại mệnh giá sau 7 năm. Kể từ đó, mã này liên tục tăng mạnh, từ "chân sóng", mã này nhiều phiên tăng trần với khối lượng sang tay lớn nhất thị trường.

Đặc biệt, trong phiên giao dịch 11/1/2022, FLC thậm chí được sang tay tới 155 triệu cổ phiếu - lập kỷ lục thanh khoản trong lịch sử chứng khoán Việt. Phiên liền trước đó, FLC cũng được giao dịch tới 135 triệu mã. Sự việc bán tháo diễn ra trùng thời điểm ông Trịnh Văn Quyết đăng ký bán ra 175 triệu cổ phiếu từ 10/1/2022 đến 17/1/2022, nhưng không công bố thông tin.

Dù nhận tin xấu từ lãnh đạo, FLC vẫn không ngừng "tạo sóng" và được giới đầu tư giao dịch sôi động. Phiên giao dịch đầu tháng 4/2022, FLC tiếp tục đạt thanh khoản hơn 100 triệu cổ phiếu. Lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam có 8 phiên giao dịch vượt ngưỡng thanh khoản 100 triệu cổ phiếu, thì FLC chiếm tới 3/8 phiên.

Nhưng kịch bản của FLC với những nhà đầu tư lâu năm không khó đoán. Thực tế, mã này thường mất khoảng 1-2 tháng để leo từ "chân sóng" đến đỉnh bằng nhiều chu kỳ tăng mạnh 3-4 phiên, thậm chí tăng trần, sau đó điều chỉnh 1-2 phiên. Dấu hiệu đỉnh của những đợt "sóng" này là cổ phiếu sẽ lao dốc nhiều phiên với thanh khoản giảm dần hoặc mất thanh khoản. Một thời gian sau đó, giá lẫn thanh khoản sẽ bật mạnh rồi đi ngang một thời gian, trước khi đợt "sóng" mới hình thành.

FLC nói gì khi bị huỷ niêm yết?

Chiều 14/2, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (FLC Group) có kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại việc hủy niêm yết cổ phiếu FLC.

"FLC khẩn thiết kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại về việc hủy niêm yết cổ phiếu, trong đó cần đặc biệt xem xét đến các lý do khách quan, cũng như hoàn cảnh bất khả kháng của doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin như đã giải trình nêu trên", thông cáo của FLC viết.

FLC Group cho biết thời gian gần đây, Tập đoàn và các đơn vị thành viên phải đối mặt với nhiều nguy cơ, khó khăn trong quá trình hoạt động do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin, cũng như các vấn đề phát sinh liên quan đến việc một số cựu lãnh đạo bị tạm giam để điều tra.

Vấn đề đáng nói là trong thời gian dài, Tập đoàn FLC không thể tìm kiếm được công ty kiểm toán chấp thuận kiểm toán cho báo cáo tài chính của FLC.

Phải đến ngày 20/9/2022, FLC đã chính thức ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY. Theo đó, UHY sẽ là đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021 của FLC. Nhưng do nhiều lý do khách quan, đến thời điểm hiện tại, FLC vẫn chưa nhận được kết quả kiểm toán của UHY.

Đánh giá việc chưa có báo cáo kiểm toán vì bất khả kháng nên FLC đã liên tiếp có văn bản giải trình và kiến nghị cơ quan quản lý xem xét, hỗ trợ. Trong đó, tháng 8/2022, công ty đã đề nghị Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận tình trạng Tập đoàn FLC chưa có báo cáo tài chính kiểm toán là sự kiện bất khả kháng. Đồng thời, tập đoàn này cũng xin không bị đình chỉ giao dịch/huỷ niêm yết cho đến khi Bộ Tài chính chỉ định được công ty kiểm toán và đơn vị này kiểm toán báo cáo tài chính của FLC.