Trong thời đại mà trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần thâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống, từ lớp học đến nơi làm việc, các mối quan hệ hợp tác giữa con người và AI (human-AI partnerships) được dự đoán sẽ trở thành một yếu tố phổ biến trong tương lai gần.
Không chỉ là công cụ hỗ trợ thông tin, công nghệ AI ngày càng đóng vai trò như một “đồng nghiệp” – cộng tác cùng con người trong các nhiệm vụ mang tính sáng tạo, phân tích và xử lý tình huống thực tế.
Tuy nhiên, khi AI trở nên tự chủ hơn trong các hoạt động nhóm, nhất là khi tác nhân AI (AI agents) đang phát triển mạnh, một loạt câu hỏi đạo đức và tâm lý bắt đầu xuất hiện – đặc biệt là các câu hỏi: Con người có thể thực sự tin tưởng AI như những đồng nghiệp thực sự của mình? Khi nào thì AI nên giải thích hành động của mình để xây dựng niềm tin nơi con người?
Theo chuyên trang Psychology Today, một nghiên cứu công bố vào tháng 1/2025 đã khai thác chủ đề này bằng cách sử dụng một trò chơi điện tử nhiều người chơi theo dạng “cướp cờ”. Trong đó, người tham gia được chia thành 4 nhóm: hợp tác với AI hoặc con người, có hoặc không có phần giải thích hành động của đồng đội. Các tình huống trong trò chơi đều yêu cầu đồng đội (AI hoặc con người) ưu tiên thành công của cả nhóm, dù điều đó có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực cho một số cá nhân.
Kết quả cho thấy, niềm tin vào đồng đội AI thấp hơn đáng kể so với đồng đội con người trong một số tình huống. Đáng chú ý, người dùng có kỳ vọng cao về tính minh bạch và đạo đức ở AI hơn cả con người.
Khi đánh giá hiệu quả làm việc nhóm, các nhóm có AI được đánh giá cao hơn nếu AI có đưa ra lời giải thích, đặc biệt trong các tình huống nhạy cảm. Điều này nhấn mạnh vai trò của ngữ cảnh và sự minh bạch trong giao tiếp giữa người và AI.
Từ nghiên cứu này, nhiều hướng đi cho nghiên cứu tương lai được đặt ra: liệu niềm tin vào AI có thay đổi theo thời gian sử dụng? Con người phản ứng ra sao khi làm việc với AI trong môi trường có áp lực cao như y tế hoặc tài chính? Liệu các yếu tố văn hóa – ví dụ cá nhân chủ nghĩa so với tập thể – có ảnh hưởng đến mức độ chấp nhận AI? Và điều gì sẽ xảy ra nếu AI có khả năng thấu cảm hay điều chỉnh hành vi theo cảm xúc con người?
Chúng ta đang đứng trước làn sóng đổi mới công nghệ AI lớn chưa từng có. Để đảm bảo rằng AI phát triển đúng hướng, khoa học và nhân văn phải song hành. Các nghiên cứu như trên không chỉ giúp định hình thiết kế hệ thống AI tương lai, mà còn giúp con người hiểu rõ hơn về chính kỳ vọng và giới hạn đạo đức của mình khi bước vào kỷ nguyên cộng tác với trí tuệ nhân tạo.
Sự trỗi dậy của AI thường bị mô tả như một mối đe dọa đối với việc làm. Truyền thông liên tục cảnh báo về “robot thay thế con người” hay “máy móc chiếm chỗ lao động”.
Thực tế, rủi ro là có thật. Theo dự đoán, đến năm 2030, AI có thể tự động hóa đến 30% tổng số giờ làm việc tại Mỹ nói riêng. Đặc biệt, lực lượng lao động tri thức sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt.
Tuy nhiên, theo Forbes, cách tiếp cận thông minh hơn không phải là lo sợ, mà là tận dụng AI như một công cụ để nâng cao hiệu suất, mở rộng năng lực cá nhân, coi chúng như các "cộng sự" . Những người biết hợp tác cùng AI sẽ là những người có thể “miễn dịch” với sự thay đổi nghề nghiệp trong tương lai.
AI hiện nay rất giỏi trong xử lý dữ liệu lớn, phát hiện quy luật, đưa ra dự đoán và tối ưu hóa quy trình. Nó cũng vượt trội ở các nhiệm vụ như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận diện hình ảnh và tính toán phức tạp.
Tuy nhiên, AI vẫn yếu ở các khía cạnh như trí thông minh tổng quát, cảm xúc, sáng tạo và tư duy cấp cao. Công nghệ AI thiếu sự linh hoạt, trực giác và kỹ năng giao tiếp mà con người sở hữu. Các hệ thống AI mạnh nhất hiện nay vẫn mang tính chuyên biệt – cực kỳ hiệu quả trong một lĩnh vực cụ thể nhưng dễ rối loạn khi gặp tình huống lạ.
Người lao động tri thức: Luật sư, kế toán, nhà phân tích, cố vấn – đều có thể dùng AI để tăng hiệu suất. AI giúp xử lý lượng dữ liệu khổng lồ, tìm ra thông tin quan trọng, soạn thảo hợp đồng, phát hiện xu hướng tài chính. AI thay con người làm việc lặp đi lặp lại để họ tập trung vào nhiệm vụ quan trọng hơn.
Người làm sáng tạo: Với nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhà văn, AI không thay thế cảm xúc con người, nhưng lại hỗ trợ quá trình sáng tạo. Một kiến trúc sư có thể dùng AI để tạo bản phác thảo ý tưởng chỉ từ vài dòng mô tả. Nhà quảng cáo có thể dùng AI để tạo ra hàng nghìn phương án tiêu đề dựa trên đối tượng khách hàng. Với cách tiếp cận đúng, AI trở thành “trợ lý sáng tạo” lý tưởng.
Kỹ sư và nhà giải quyết vấn đề: Trong các ngành khoa học, kỹ thuật, vận hành và công nghệ thông tin, công nghệ AI có thể chạy hàng triệu mô phỏng, dự đoán lỗi máy móc, tối ưu hiệu suất. Kỹ sư có thể dùng AI để khám phá thiết kế mới. Nhân viên IT có thể dựa vào AI để phát hiện lỗ hổng bảo mật. Những vai trò này sẽ không biến mất – mà càng cần những người biết kết hợp AI với tư duy con người.
Sau đây là các gợi ý của tạp chí Forbes để con người có thể làm việc hiệu quả hơn với các "cộng sự AI".
1. Học tập liên tục
- Trang bị kỹ năng bổ trợ AI: phân tích dữ liệu, lập trình, tư duy phản biện.
- Làm quen với các công cụ như Google Gemini, Microsoft Copilot, ChatGPT, Midjourney, DALL·E...
- Doanh nghiệp cần đầu tư đào tạo, nâng cao năng lực nhân sự phù hợp kỷ nguyên AI.
2. Thử nghiệm và đổi mới
- Xác định những quy trình lặp lại, nặng tính dữ liệu – đây là nơi AI phát huy tác dụng.
- Kết hợp AI vào quy trình làm việc để giảm thời gian làm việc tẻ nhạt.
- Khuyến khích tư duy sáng tạo bằng cách để AI đề xuất hướng đi mới.
3. Hợp tác giữa người và AI
- Xây dựng văn hóa làm việc nơi con người và AI bổ trợ lẫn nhau.
- Tạo các nhóm liên ngành kết hợp chuyên môn và kỹ năng AI.
- Mạnh dạn đề xuất thử nghiệm AI trong các phòng ban.
4. Khung đạo đức rõ ràng
- Đảm bảo AI được phát triển minh bạch, công bằng và có trách nhiệm.
- Tham gia thảo luận cộng đồng về đạo đức và sử dụng AI đúng cách.
5. Linh hoạt và thích nghi
- Coi thay đổi công nghệ là cơ hội, không phải mối đe dọa.
- Giữ tinh thần học hỏi, khám phá và sẵn sàng thích ứng với công cụ mới.
Công nghệ AI được xem là một bước tiến mang tính cách mạng. Thay vì sợ hãi, hãy biến AI thành đồng minh để phát triển kỹ năng, mở rộng tầm nhìn và dẫn đầu tương lai. Những ai chủ động học hỏi, tích hợp AI vào công việc, sẽ là những người bền vững và thành công nhất trong kỷ nguyên mới.
© thitruongbiz.vn