Hà Nội: huyện Gia Lâm sắp có Cảng container Phù Đổng, quận Tây Hồ xác định vị trí xây dựng nhà hát quy mô lớn
Huyện Gia Lâm sắp có Cảng container Phù Đổng
Theo đó, ngày 20/10/2021 UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định 4513/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết Cảng container Phù Đổng. Quy mô công suất cảng là 2,54 triệu tấn/năm; định hướng đến năm 2030 là 3 triệu tấn/năm.
Khu đất nghiên cứu quy hoạch chi tiết Cảng container Phù Đổng nằm về phía hạ lưu cầu Phù Đổng và trong vùng bãi sông Đuống - tương ứng khoảng Km11+200 đê hữu Đuống, thuộc địa phận các xã Cổ Bi, Đặng Xá (huyện Gia Lâm). Về phạm vi ranh giới: Phía Bắc giới hạn đến mép nước sông Đuống; phía Nam giới hạn đến hết đê hữu Đuống; phía Tây giáp cầu Phù Đổng; phía Đông giáp mương thủy lợi và trạm bơm Lời.
Tổng diện tích khu đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 340.366m2, trong đó đất nghiên cứu lập dự án cảng container khoảng 230.381m2; đất nằm ngoài phạm vi dự án, thuộc hành lang bảo vệ cầu Phù Đổng khoảng 15.228m2; đất nằm ngoài phạm vi dự án, thuộc hành lang bảo vệ đê hữu Đuống khoảng 94.757m2.
Cảng container Phù Đổng sẽ có quy mô công suất cảng là 2,54 triệu tấn/năm; định hướng đến năm 2030 là 3 triệu tấn/năm. Ảnh minh hoạ |
Mục tiêu của đồ án quy hoạch nhằm cụ thể hóa định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Quy hoạch xây dựng cảng container với các khu chức năng đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn bằng đường thủy, đồng thời với yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng của thành phố Hà Nội, góp phần giảm tải cho vận tải đường bộ; khai thác có hiệu quả quỹ đất ngoài bãi sông.
Theo đồ án quy hoạch, cảng Phù Đổng có chức năng là cảng container kết hợp cảng tổng hợp, công suất đến năm 2030 là 3 triệu tấn/năm (đối với cỡ tàu lớn nhất 800 tấn). Trong đó, đối với nhu cầu vận tải hàng hóa bằng container thông qua cảng Phù Đổng là 120.000 TEU (tương đương 1,5 triệu tấn/năm); đối với nhu cầu vận tải hàng hóa khác: Xi măng 1,1 triệu tấn/năm, vật liệu xây dựng khác 400 nghìn tấn/năm.
Về quy mô, cảng Phù Đổng gồm 4 bến container cập tàu; 3 bến hàng xi măng; 2 bến vật liệu khác; diện tích dành cho bãi hàng container là 66.360m2 và bãi tập kết hàng khác là 66.589m2.
Việc tổ chức không gian, kiến trúc và cảnh quan được thực hiện theo nguyên tắc: Phù hợp định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch phòng, chống lũ, quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảnh quan khu vực hành lang xanh và khu vực bãi sông Đuống; kết nối hài hòa tới các đầu mối giao thông vận tải của các khu vực đô thị lân cận; tạo lập hình ảnh cảng sông hiện đại với tổ chức không gian phù hợp với điều kiện hiện trạng khu vực bãi sông và các quy định pháp luật hiện hành...
Công bố điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị khu vực hồ Tây và phụ cận
Chiều 21/10, tại trụ sở UBND quận Tây Hồ (Hà Nội), Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phối hợp UBND quận Tây Hồ tổ chức công bố điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực hồ Tây và phụ cận (A6) tỷ lệ 1/2000 tại các ô quy hoạch 16, 17, 19 và các tuyến đường khu vực. Việc điều chỉnh được thực hiện trên cơ sở Quyết định số 2078/QĐ-UBND (ngày 10-5-2021) của UBND thành phố Hà Nội.
Theo đó, quy mô nghiên cứu lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch khoảng 77,46 ha, thuộc địa giới hành chính các phường Quảng An, Tứ Liên (quận Tây Hồ). Về ranh giới, phía Bắc giáp hồ Tây và khu dân cư; phía Tây giáp hồ Tây; phía Nam giáp hồ Tây và khu biệt thự hồ Tây, khu dân cư; phía Đông giáp đường Âu Cơ. Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị Khu vực hồ Tây và phụ cận nhằm hình thành khu vực không gian văn hóa, tâm linh kết hợp trục không gian cảnh quan công cộng, quảng trường, khu vực thương mại, dịch vụ, khách sạn phục vụ du lịch nghỉ dưỡng; xác định cụ thể vị trí xây dựng nhà hát quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho Thủ đô theo chủ trương của Thành ủy Hà Nội và làm cơ sở để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An tỷ lệ 1/500.
Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận sau khi được điều chỉnh. |
Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu trên cơ sở giữ nguyên phạm vi ranh giới, quy mô diện tích và dân số của 3 ô quy hoạch 16, 17, 19 theo quy hoạch phân khu được duyệt (tổng dân số khoảng 3.510 người), đề xuất điều chỉnh tăng quy mô đối với mạng lưới đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật, đề xuất các giải pháp tổ chức, phân luồng và các giải pháp kỹ thuật khác nhằm đáp ứng tối đa lưu lượng giao thông và khả năng kết nối với các khu vực lân cận, bảo đảm các chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo Quy chuẩn xây dựng, Tiêu chuẩn thiết kế hiện hành.
Trong đó, tại ô quy hoạch 19 xây dựng một nhà hát có quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho Thủ đô, kết hợp trục không gian công cộng, quảng trường, khu vực thương mại dịch vụ, du lịch tại các ô đất ký hiệu 19/CXDT-la, 19/CXDT-1b, 19/CXDT-2, 19/CXDT-4, chỉ tiêu mật độ xây dựng tối đa 25%. Đồng thời, điều chỉnh bổ sung, mở rộng, nâng cấp hạng một số tuyến đường giao thông bảo đảm đáp ứng lưu lượng giao thông cho nhu cầu của công trình nhà hát và các khu vực lân cận.
Cụ thể: Đối với ô quy hoạch 16, bổ sung 2 đoạn tuyến đường kéo dài đường giao thông trong trục không gian bán đảo Quảng An kết nối từ đường Xuân Diệu đến đường Âu Cơ (quy mô mỗi tuyến làn đường rộng 21m, 4 làn xe).
Đối với ô quy hoạch 17, mở rộng thành phần mặt cắt ngang 2 tuyến đường giao thông trong trục không gian bán đảo Quảng An từ 19,5m (2 làn xe) lên thành 21m (4 làn xe).
Đối với ô quy hoạch 19, mở rộng mặt cắt ngang tuyến đường kết nối từ đường Đặng Thai Mai đến ô đất 58 đường Tây Hồ từ 11,5m (2 làn xe) lên thành 22m (3 làn xe); mở rộng mặt cắt ngang tuyến đường nội bộ phía Đông Bắc, Đông Nam và Tây Nam xóm Chùa (xóm Mấu) từ 11,5m (2 làn xe) lên thành 18,5m (3 làn xe); mở rộng mặt cắt ngang tuyến đường nối từ đường Đặng Thai Mai vào phủ Tây Hồ tăng từ 13,5m (2 làn xe) lên thành 18,5m (3 làn xe). Đoạn phố Quảng Khánh đi qua khu vực nhà hát sẽ được thay thế bằng tuyến đường quy hoạch mới phía Đông Bắc hồ Đầm Trị (bảo đảm tối thiểu 2 làn xe chạy). Kết nối không gian nhà hát với các tuyến đường lân cận được thông qua 3 cầu nổi trên mặt nước (mặt cắt ngang rộng từ 2,5 - 5m) phục vụ cho việc đi bộ, xe điện và xe cứu hỏa khi có sự cố, lối vào phục vụ hậu cần và kỹ thuật được thông qua đường hầm từ tuyến đường kết nối phía Đông Nam của nhà hát. Đoạn tuyến kết nối với không gian của nhà hát sẽ được nghiên cứu cụ thể trong giai đoạn Quy hoạch tỷ lệ 1/500 và dự án đầu tư xây dựng, bảo đảm các yêu cầu về giao thông, không gian kiến trúc cảnh quan và các yêu cầu kỹ thuật khác.