Hà Nội: Đề nghị phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư 44 dự án
Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp.

Theo tờ trình, UBND thành phố đề nghị HĐND thành phố cho ý kiến điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn trung ương của dự án (nhóm A) gồm: Cải tạo nâng cấp quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai từ 1.600 tỷ đồng lên thành hơn 2.106 tỷ đồng.

Phê duyệt chủ trương đầu tư 36 dự án (gồm 30 dự án nhóm B, 6 dự án nhóm C) được UBND thành phố chỉ đạo, giao các đơn vị thực hiện lập, thẩm định, trình phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.

Trong số 36 dự án, có 9 dự án sử dụng 100% ngân sách cấp huyện (thuộc các quận: Tây Hồ, Long Biên và các huyện: Thường Tín, Thanh Trì) và 2 dự án sử dụng ngân sách quận (Bắc Từ Liêm) và ngân sách thành phố.

Tổng mức đầu tư dự kiến gần 10.421 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố hơn 7.210 tỷ đồng và ngân sách cấp huyện là gần 3.211 tỷ đồng.

Về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, ngân sách cấp thành phố gồm hơn 7.210 tỷ đồng, dự kiến sử dụng trong giai đoạn 2021-2025 là hơn 5.768 tỷ đồng (chiếm khoảng 80% tổng mức đầu tư), bảo đảm không vượt khả năng cân đối ngân sách thành phố giai đoạn 2021-2025.

Các dự án này đã có trong danh mục dự kiến đầu tư giai đoạn 2021-2025 (đề nghị bổ sung kế hoạch trung hạn 3 dự án: Xây dựng tuyến đường từ đường Tây Thăng Long đến đường từ Đại học Mỏ địa chất đi đường Phạm Văn Đồng; bảo tồn, tôn tạo di tích đình Ngự Triều Di Quy và Am Mỵ Châu; bảo tồn, tôn tạo di tích cụm di tích Đền An Dương Vương tại khu di tích thành Cổ Loa).

“Các dự án trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư là các dự án quan trọng thuộc đối tượng ưu tiên của các lĩnh vực, phù hợp với mục tiêu, định hướng đầu tư và các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trong giai đoạn 2021-2025”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh.

UBND thành phố đề nghị HĐND thành phố xem xét thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư 7 dự án (gồm 3 dự án nhóm B, 4 dự án nhóm C) sử dụng vốn đầu tư công của thành phố và cấp huyện, tổng mức đầu tư dự kiến 2.347,7 tỷ đồng.

Báo cáo thẩm tra về các dự án trình tại kỳ họp, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố cho hay đã thẩm tra 39/44 dự án UBND thành phố trình. Theo báo cáo thẩm tra, các dự án UBND trình HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư là những dự án thuộc các lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp (6 dự án), bảo vệ môi trường (5 dự án), đê điều và thủy lợi (12 dự án), nông nghiệp (1 dự án), hạ tầng giao thông (15 dự án). Đây là các dự án thuộc ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.

Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 20 dự án, cụ thể: Xây dựng, mở rộng Trường Trung học phổ thông Ba Vì (huyện Ba Vì); cải tạo, nâng cấp Trường Trung học phổ thông Tây Hồ (quận Tây Hồ); xây dựng, mở rộng Trường Trung học phổ thông Minh Quang (huyện Ba Vì); cống hóa mương thoát nước sau Trường Tiểu học Xuân La (đoạn từ đường Võ Chí Công đến ngõ 34 Xuân La); xây dựng tuyến mương Việt Hưng - Cầu Bây và hồ điều hòa Cự Khối (quận Long Biên); xây dựng trạm bơm Cự Khối và tuyến mương xả ngoài đê tả Hồng (quận Long Biên); xây dựng tuyến cống thoát nước Long Biên - Cự Khối (quận Long Biên); kè chống sạt lở bờ hữu sông Hồng tương ứng từ K84+600 đến K86+389 đê hữu Hồng thuộc xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì); cải tạo, nâng cấp tuyến đê Vân Cốc đoạn từ K8+800 đến K13+660 (huyện Đan Phượng); cải tạo, nâng cấp hệ thống tưới Vàng - Dương Xá (huyện Gia Lâm); cải tạo, nâng cấp tuyến kênh Thiên Đức (huyện Gia Lâm); cải tạo, nâng cấp tuyến đê tả Đáy kết hợp làm đường giao thông trên địa bàn quận Hà Đông; cải tạo, nâng cấp đê tả Cà Lồ đoạn từ K0+00 đến Km20+252 (huyện Sóc Sơn); cải tạo, nâng cấp đê hữu Cầu đoạn từ Km17+00 đến Km28+828 và kè bờ sông hữu Cầu đoạn từ Km25+350 đến Km26+00 xã Bắc Phú (huyện Sóc Sơn); cải tạo, nâng cấp tuyến kênh Thạnh Phú kết hợp làm đường giao thông (huyện Mê Linh); nạo vét sông cầu Bây trên địa bàn quận Long Biên; kiên cố hóa hệ thống kênh tưới N12 kết hợp làm đường giao thông (huyện Ba Vì); cải tạo, nâng cấp và phát huy hiệu quả sông Hang (thị xã Sơn Tây); xây dựng, mở rộng Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội (huyện Sóc Sơn); xây dựng đường liên xã Thanh Liệt - Tam Hiệp - thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì).

Với đề xuất liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cải tạo môi trường hồ Tứ Liên (quận Tây Hồ), Ban Kinh tế - Ngân sách cho rằng, theo phân cấp quản lý đầu tư và phân cấp nhiệm vụ chi hiện hành, dự án thuộc trách nhiệm quản lý và nhiệm vụ chi của quận Tây Hồ. Vì thế, đề nghị HĐND thành phố thống nhất việc chuyển dự án Cải tạo môi trường hồ Tứ Liên, quận Tây Hồ để giao chính quyền quận Tây Hồ tiếp tục thực hiện thẩm quyền liên quan đến dự án theo phân cấp quản lý mới.

Để đại biểu HĐND thành phố có thêm thông tin thảo luận, quyết định và quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án còn lại, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị UBND thành phố giải trình bổ sung, làm rõ một số nội dung đối với các dự án còn lại.