Bộ Công Thương cho biết thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này có diễn biến tăng khá cao, nhất là đối với mặt hàng dầu diesel. Nguyên nhân của việc tăng giá mạnh là do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm sản lượng cao hơn mức dự kiến khá nhiều của OPEC+ (mức dự kiến là 500 thùng/ngày nhưng thực tế đã xem xét giảm sản lượng cho tháng 11 tới hơn 1 triệu thùng/ngày - mức giảm lớn nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 và dự kiến sẽ xem xét cắt giảm 2 triệu thùng/ngày cho thời gian tiếp theo).

Kỳ điều hành này, do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh cùng với việc tỷ giá USD/VND tăng, một số chi phí kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Tài chính công bố điều chỉnh tăng nhẹ nên giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu đều tăng.

Cụ thể, giá xăng dầu tại kỳ điều hành ngày 11/10: Giá xăng E5 tăng 560 đồng/lít, giá bán là 21.290 là đồng/lít; Giá xăng RON95 tăng 560 đồng/lít, giá bán là 22.000 đồng/lít; Giá dầu diesel tăng 1.960 đồng/lít, giá bán là 24.180 đồng/lít.

Đây là lần tăng giá xăng đầu tiên sau 9 kỳ giảm giá và 1 kỳ giữ nguyên giá từ đầu tháng 7/2022 đến nay. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 27 lần điều chỉnh, trong đó có 14 lần tăng, 12 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

Giá xăng tăng lần đầu sau 9 lần giảm giá. Ảnh minh họa
Giá xăng tăng lần đầu sau 9 lần giảm giá. Ảnh minh họa

Để hỗ trợ cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm mức trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu, chi Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel 200 đồng/lít để hạn chế mức tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Cụ thể, bên cạnh việc ngừng chi Quỹ bình ổn giá với xăng, liên Bộ thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước là 451 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 600 đồng/lít), dầu diesel ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 708 đồng/kg (kỳ trước là 741 đồng/kg).

Những ngày gần đây, nhiều cây xăng ở phía Nam lâm cảnh khan hàng, phải tạm dừng bán. Nhiều cửa hàng do thua lỗ nên đóng cửa khiến người dân mua xăng khó khăn.

Bộ Công Thương mời doanh nghiệp xăng dầu họp khẩn

Bộ Công Thương vừa có văn bản hỏa tốc mời các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp sản xuất xăng dầu dự cuộc họp bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Cuộc họp dự kiến diễn ra sáng mai (12/10). Thành phần dự họp là đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Hiệp hội xăng dầu và các doanh nghiệp. Mục đích cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Sáng 11/10, cho ý kiến về các báo cáo về tình hình kinh tế xã hội, có ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc tăng giá trong năm qua có nguyên nhân quan trọng từ thiếu hụt nguồn cung trong nước; tỷ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu thua lỗ.

Thực trạng này dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng thường xuyên đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng, dầu bán cho khách hàng.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu, rút ra bài học và có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời khi giá thế giới có diễn biến bất lợi trong tương lai.