|
Người dân đứng chờ lên tàu đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông. |
Giá vé đường sắt tốc độ cao thấp nhất 1,7 triệu đồng chặng Hà Nội - TP HCM
Theo dự thảo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được chia 3 mức để phù hợp khả năng chi trả của người dân, nhu cầu và mức độ tiện nghi khác nhau và dựa trên cơ sở tham khảo giá vé bình quân của VietnamAirlines và Vietjet - hai hãng hàng không có thị phần lớn nhất trong nước.
Từ đó, dự thảo đề xuất giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến bằng 75% mức trung bình vé máy bay hàng không giá rẻ và phổ thông. Trong đó, mỗi km vé hạng nhất dự kiến là 0,18 USD (khoang VIP), hạng hai 0,074 USD và hạng ba là 0,044 USD.
Như vậy, tính trên chặng Hà Nội - TP HCM, vé hạng nhất khoảng 6,9 triệu; hạng hai là 2,9 triệu và hạng ba là 1,7 triệu đồng cho chặng đường sắt dài 1.541 km với tổng thời gian di chuyển khoảng 5 giờ 30 phút.
"Giá vé đề xuất không có sự khác biệt lớn với các nước có điều kiện tương đồng Việt Nam", dự thảo tờ trình nêu và so sánh với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Kinh - Thượng Hải (Trung Quốc), Jakarta - Bandung (Indonesia) và Tohoku (Nhật Bản).
|
Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam có chiều dài 1.541 km, trong đó 70% là công trình cầu, hầm có yêu cầu khảo sát thiết kế phức tạp. |
Tổng chi phí đầu tư 1,7 triệu tỷ đồng với 4 dự án thành phần
Theo dự thảo tờ trình, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có tổng mức đầu tư khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí xây dựng và thiết bị chiếm hơn 974.000 tỷ đồng. Trong đó kết cấu gồm 60% cầu, 10% hầm và 30% nền đất với chiều dài 1.541 km, trong đó 70% là công trình cầu, hầm có yêu cầu khảo sát thiết kế phức tạp. Suất đầu tư khoảng 43,7 triệu USD mỗi km. "Đây là mức trung bình so với một số tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới có cùng dải tốc độ khai thác khi quy đổi về thời điểm năm 2024", dự thảo cho biết.
Để rút ngắn thời gian thực hiện, huy động tối đa nguồn lực, các nhà thầu trong nước tham gia thực hiện, Chính phủ dự kiến phân chia thành 4 dự án thành phần và đồng thời triển khai. Cụ thể gồm:
Dự án thành phần 1: đoạn từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Vinh (Nghệ An) có tổng chiều dài khoảng 281 km.
Dự án thành phần 2: đoạn từ ga Vinh đến ga Đà Nẵng có tổng chiều dài khoảng 420 km.
Dự án thành phần 3: đoạn từ ga Đà Nẵng đến ga Diên Khánh (Khánh Hòa) có tổng chiều dài khoảng 480 km.
Dự án thành phần 4: đoạn từ ga Diên Khánh đến ga Thủ Thiêm (TP.HCM) có tổng chiều dài khoảng 360 km.
Trên cơ sở lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật, quy mô đầu tư, tham khảo suất đầu tư các dự án đường sắt tốc độ cao đã và đang triển khai trên thế giới, sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỉ USD, bố trí vốn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỉ USD, tương đương khoảng 16,2% kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 nếu giữ nguyên tỷ lệ đầu tư công trung hạn chiếm 5,5 - 5,7% GDP như hiện nay. Chính phủ đề xuất bố trí nguồn vốn đầu tư công.
|
Sau khi hoàn thành dự án, dự kiến Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được giao toàn bộ phương tiện, thiết bị để khai thác và chịu trách nhiệm trả nợ chi phí đầu tư phương tiện, thiết bị. |
Tàu chạy tối đa 320km/h
Về phương án tổ chức khai thác: dự kiến tàu khách và tàu hàng nhẹ (thư tín, thương mại điện tử...) khai thác với tốc độ tối đa 320 km/giờ và với 2 loại tàu (tàu chạy suốt Bắc - Nam chỉ dừng ở một số ga chính và tàu chạy suốt Bắc - Nam dừng đan xen ở tất cả các ga, tàu khu đoạn).
Tuyến đường sắt tốc độ cao bố trí 23 ga hành khách. Dự kiến đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố, trong đó mỗi địa phương bố trí 1 ga khách gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM. Riêng Hà Tĩnh bố trí thêm ga Vũng Áng là ga hàng có đón tiễn khách, đồng thời là ga kết nối với tuyến đường sắt Mụ Giạ - Vũng Áng. Vũng Áng là khu kinh tế lớn khu vực bắc miền Trung nên dự báo cho thấy nhu cầu vận tải hành khách đi lại tương đối lớn. Hai tỉnh Bình Định và Bình Thuận bố trí thêm ga Bồng Sơn và ga Phan Rí để phục vụ tác nghiệp trong quá trình khai thác. Theo nghiên cứu của tư vấn, phương án bố trí ga khách của tuyến tương đồng với tuyến đường sắt Bắc Kinh - Thượng Hải (chiều dài 1.318 km, tốc độ thiết kế 380 km/giờ, bố trí 24 ga).
|
Để rút ngắn thời gian, dự án này được chia thành 4 dự án thành phần và triển khai đồng thời, gồm đoạn từ Ngọc Hồi (Hà Nội) đến Vinh (Nghệ An); Vinh - Đà Nẵng; Đà Nẵng - Diên Khánh (Khánh Hòa) và đoạn còn lại đến ga Thủ Thiêm (TP HCM). |
Khi có nhu cầu vận tải hàng hóa (hàng nặng - không phải hàng lỏng, hàng rời) sẽ điều chỉnh biểu đồ chạy tàu để vận tải hàng hóa khác khung giờ với tàu khách (tàu hàng yêu cầu phải đóng container, tốc độ tối đa 160 km/giờ)...
Sau khi hoàn thành dự án, dự kiến Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được giao toàn bộ phương tiện, thiết bị để khai thác và chịu trách nhiệm trả nợ chi phí đầu tư phương tiện, thiết bị.
Được biết, tiến độ dự kiến đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, khảo sát lập Báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2025 - 2026. Triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần cuối năm 2027. Phấn đấu xây dựng hoàn thành toàn tuyến năm 2035.
https://sohuutritue.net.vn/gia-ve-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-du-kien-thap-nhat-17-trieu-dong-chang-ha-noi--tp-hcm-d240843.html