Giá vàng thế giới trên sàn Kitco giao dịch ở mức 1834.9 - 1835.9 USD/ounce. Giá vàng cao hơn sau động thái thắt chặt chính sách tiền tệ tích cực hơn từ Cục Dự trữ Liên bang, ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến thị trường tài chính toàn cầu. Giá vàng kỳ hạn tháng 8 tăng 6,20 USD ở mức 1819,7 USD/ounce.

Vàng tăng mạnh trở lại do USD hạ nhiệt nhưng cũng nhanh chóng lao dốc vào đầu phiên giao dịch trên thị trường Mỹ khi đồng bạc xanh tăng vọt với việc giới đầu tư đánh cược vào khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát.

Những biến động khó lường trên thị trường tài chính châu Âu cũng ảnh hưởng mạnh tới các thị trường tài sản khác.

Vàng vẫn đang trong xu hướng giá giảm do đồng USD không ngừng mạnh lên so với các đồng tiền chủ chốt khác. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư vào vàng được dự báo sẽ tăng lên khi lạm phát ở mức cao và kéo dài.

Trên thực tế, vàng mất giá không nhiều so với các loại tài sản khác như cổ phiếu và các loại tiền số. Giới đầu tư chờ đợi thời điểm vàng sẽ bứt phá. Trên Kitco, chủ tịch McEwen Mining Corp cho rằng, vàng sẽ tăng lên mức 5.000 USD/ounce trong vòng 2 cho đến 3 năm nữa.

Vàng đảo chiều tăng. Ảnh minh họa

Tại thị trường trong nước, sau 2 ngày “lao dốc”, giá vàng trong nước rạng sáng hôm nay (16/6) đảo chiều tăng với mức tăng từ 50.000 đồng đến 600.000 đồng/ lượng. Với mức điều chỉnh này, vàng trong nước hiện đang mua vào trên 67 triệu đồng/ lượng và bán ra trên 68 triệu đồng/ lượng.

DOJI tiếp tục là cơ sở điều chỉnh giá vàng mạnh nhất với mức tăng 600.000 đồng ở chiều mua và 500.000 đồng ở chiều bán. Như vậy, vàng thương hiệu DOJI ở cả 2 khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang mua vào và bán ra lần lượt mức 67,5 triệu đồng/ lượng và 68,3 triệu đồng/ lượng.

Giá vàng SJC đã được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh tăng 50.000 đồng ở cả hai chiều. Với mức điều chỉnh này, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 67,65 triệu đồng/lượng mua vào và 68,47 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.

Tỷ giá ngoại tệ ngày 16/6:

Đầu phiên giao dịch ngày 16/6 (theo giờ Việt Nam), trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,67%, đạt mức 104,85.

Đồng USD trượt giá vào phiên giao dịch vừa qua, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tiến hành tăng lãi suất “khủng” ở mức 75 điểm cơ bản, nhằm nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng nóng, tuy nhiên điều này dự báo cho một nền kinh tế phát triển chậm lại, cùng với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong thời gian tới.

Đồng bạc xanh đã suy yếu so với đồng Euro trong phiên giao dịch vừa qua, sau thông tin về một cuộc họp bất ngờ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Theo đó, các hành động chính sách tiền tệ của ECB có thể ảnh hưởng đến 19 quốc gia trong khu vực đồng Euro. Với áp lực bán tháo, đồng USD giảm trong khi đồng Euro đã tăng 0,36%, đạt mức 1,0452 USD.

Ở một diễn biến khác, đồng bảng Anh đã phục hồi từ mức thấp nhất so với đồng bạc xanh kể từ tháng 3 năm 2020 vào phiên giao dịch vừa qua, với mức tăng 1,71%, đạt 1,2202 USD. Tuy nhiên, áp lực tốc độ tăng trưởng kinh tế Anh đang chậm lại và xung đột thương mại tiềm ẩn với Liên minh châu Âu đang đè nặng lên đồng tiền này.

Trên thị trường trong nước, vào cuối phiên giao dịch 15/6, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng nhẹ ở mức: 23.093 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào bán ra giữ nguyên ở mức: 22.550 đồng - 23.250 đồng.

Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ ở mức: 23.388 đồng – 24.835 đồng.

Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau: Vietcombank: 23.080 đồng - 23.360 đồng; VietinBank: 23.010 đồng - 23.450 đồng. Tỷ giá Euro tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau: Vietcombank: 23.836 đồng - 24.920 đồng; VietinBank: 23.425 đồng - 24.715 đồng.