Giá lợn hơi ngày 25/8

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay đi ngang so với ngày trước đó và dao động trong khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg. Cụ thể, mức giá thấp nhất khu vực 65.000 đồng/kg được ghi nhận tại Yên Bái, Lào Cai và Hà Nam. Còn tại Hưng Yên, Thái Bình, giá lợn hơi hôm nay ở mức 70.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Nhiều địa phương gồm Nam Định, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và TP Hà Nội… giá lợn hơi dao động quanh mốc 66.000 - 68.000 đồng/kg.

Cùng chung xu hướng thị trường với khu vực miền Bắc, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay nhìn chung khá lặng sóng và dao động trong khoảng 63.000 - 70.000 đồng/kg. Trong đó mức giá cao nhất 70.000 đồng tiếp tục được ghi nhận tại Ninh Thuận và Bình Thuận. Mức giá lợn hơi thấp nhất khu vực 63.000 đồng/kg được ghi nhận tại Đắk Lắk. Cao hơn một giá, hiện Lâm Đồng, Quảng Bình đang thu mua lợn hơi ở mức 64.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại trong khu vực hiện giá lợn hơi xoay quanh mức 66.000 – 67.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay biến động từ 1.000 - 2.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 62.000 - 70.000 đồng/kg. Cụ thể sau khi điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Đồng Nai lên mức 69.000 đồng/kg. Cùng điều chỉnh tăng 2.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Sóc Trăng, Cà Mau lần lượt có giá 64.000 đồng/kg và 70.000 đồng/kg. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, tại Trà Vinh, giá lợn hơi hôm nay điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg xuống mức 64.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, mức giá cao nhất 70.000 đồng/kg được ghi nhận tại Tây Ninh, mức giá thấp nhất khu vực 62.000 đồng được ghi nhận tại Hậu Giang.

Giá thực phẩm ngày 25/8: Thị trường ít biến động
Giá lợn hơi ngày 25/8 đi ngang tại khu vực miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và biến động trái chiều tại khu vực miền Nam.

Sau khi được tiêm vacxin phòng dịch tả lợn châu Phi, nhiều con lợn của người dân ở Phú Yên có dấu hiệu phản ứng thuốc, dẫn đến bỏ ăn, nóng sốt rồi chết. Người chăn nuôi lợn tại Phú Yên chia sẻ, vacxin dịch tả heo châu Phi NAVET-ASFVAC có giá 974.000 đồng/lọ, mỗi lọ tiêm được 25 liều/25 con. Sau khi xảy ra hiện tượng lợn chết, lãnh đạo các địa phương và ngành chức năng Phú Yên đã yêu cầu tạm dừng tiêm loại vacxin phòng dịch tả lợn châu Phi này để tìm hiểu nguyên nhân.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên cho biết, việc tiêm vacxin phòng dịch tả lợn châu Phi NAVET-ASFVAC do Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco sản xuất (Navetco) vừa được cơ quan chuyên môn triển khai cho người chăn nuôi tại các địa phương trên địa tỉnh. Loại vacxin này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận lưu hành từ tháng 5/2022.

Trước Phú Yên, ngày 19/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã thông báo tạm dừng tiêm phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 1 đối với vacxin NAVET-ASFVAC cho đến khi có thông báo mới của Sở do trong quá trình tổ chức triển khai tiêm mở rộng đã phát sinh một số vấn đề tại thực địa và cần tiếp tục theo dõi.

Để kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả việc giám sát chất lượng và sử dụng vacxin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi do Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco sản xuất, ngày 23/8, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố Lào Cai, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bình Định,Tây Ninh, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp và TP Hồ Chí Mibh báo cáo tiến độ giám sát sử dụng vacxin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi NAVET-ASFVAC.

Cũng trong ngày 23 và 24/8, Cục Thú y đã thành lập đoàn công tác do Quyền Cục trưởng Nguyễn Văn Long làm trưởng đoàn nhằm giám sát việc sử dụng vacxin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi NAVET-ASFVAC tại tỉnh Bình Định và đi kiểm tra trực tiếp tại các địa điểm đã tiêm vacxin NAVET-ASFVAC của địa phương.

Giá lúa gạo ngày 25/8

Giá lúa gạo hôm nay 25/8 duy trì ổn định. Riêng lúa IR 504 giảm 100 đồng/kg sau khi điều chỉnh tăng trong ngày hôm qua.

Giá lúa hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đi ngang sau khi đồng loạt điều chỉnh tăng vào hôm qua. Cụ thể, nếp tươi An Giang 5.900 – 6.100 đồng/kg; nếp tươi Long An 6.300 – 6.550 đồng/kg; Đài thơm 8 5.800 – 6.000 đồng/kg; lúa OM 18 5.800 – 6.000 đồng/kg; Nàng hoa 9 duy trì ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 – 5.600 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg; nếp An Giang khô 7.500 – 7.600 đồng/kg; nếp Long An khô 7.700 đồng/kg.

Riêng lúa IR 504 sau khi điều chỉnh tăng 100 đồng/kg hôm qua nay bất ngờ giảm 100 đồng/kg, xuống còn 5.400 – 5.500 đồng/kg.

Tại Hậu Giang, theo ngành nông nghiệp tỉnh này, hiện giá lúa đang được thương lái thu mua phổ biến ừ 5.400-5.600 đồng/kg (tùy giống), giảm khoảng 400 đồng/kg so với đầu vụ thu hoạch (đầu tháng 7). Theo đánh giá của nông dân đang cắt lúa Hè thu, với năng suất và giá bán như trên thì sau khi trừ chi phí sản xuất, bà con chỉ huề vốn ở vụ lúa này.

Với giá gạo, sau khi điều chỉnh giảm hôm qua, hôm nay không biến động, thị trường giao dịch chậm. Theo đó, giá gạo nguyên liệu IR 504 duy trì ổn định ở mức 8.000 – 8.050 đồng/kg, gạo thành phẩm IR 504 ở mức 8.600 – 8.650 đồng/kg.

Tương tự, giá tấm duy trì ở mức 8.400 đồng/kg; cám khô ổn định 8.000 – 8.100 đồng/kg.

Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Lúa IR 504 giảm 100 đồng/kg sau khi điều chỉnh tăng trong ngày hôm qua.
Lúa IR 504 giảm 100 đồng/kg sau khi điều chỉnh tăng trong ngày hôm qua.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu tiếp đà đi ngang. Hiện giá gạo 5% tấm ở mức 393 USD/tấn; gạo 25% tấm 378 USD/tấn, gạo 100% tấm 383 USD/tấn.

Trong khi giá gạo Việt duy trì ổn định thì giá gạo của Thái Lan lại điều chỉnh giảm nhẹ 1 USD/tấn. Đối với gạo xuất khẩu của các quốc gia khác như Ấn Độ, Pakistan không có biến động.

Chia sẻ về thị trường xuất khẩu gạo hiện nay, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, mặc dù giá gạo xuất khẩu hiện giảm so với hồi đầu năm nhưng mức giá này vẫn tương đối tốt. Ông Nam cũng dự báo, xuất khẩu gạo năm nay sẽ đạt kế hoạch đề ra bởi tín hiệu từ thị trường vẫn ổn định.

Việc các doanh nghiệp lúa gạo khá lạc quan về thị trường xuất khẩu là hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể, trong báo cáo tháng 8/2022, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 xuống còn 512,4 triệu tấn, giảm 2,3 triệu tấn so với dự báo trước đó và giảm 1,2 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022 do sản lượng giảm tại Ấn Độ, Bangladesh và châu Âu.

Trái ngược với sự sụt giảm về sản lượng, USDA tiếp tục nâng dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 lên mức kỷ lục 518,7 triệu tấn, tăng nhẹ 100.000 tấn so với dự báo trước và tăng hơn 2 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022.

Đáng chú ý, theo báo cáo này, so với niên vụ trước, tiêu thụ được dự báo sẽ tăng tại Bangladesh, Trung Quốc, Nepal, Nigeria, Philippines và Việt Nam.