Giá lợn hơi ngày 19/8

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay ghi nhận mức giảm nhẹ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg tại một số tỉnh thành và dao động trong khoảng 65.000 - 71.000 đồng/kg. Trong đó, Hưng Yên giảm 1.000 đồng/kg xuống còn 70.000 đồng/kg, cùng với Thái Bình. Cùng giảm 2.000 đồng/kg, Phú Thọ và Bắc Giang lần lượt thu mua lợn hơi ở mốc 67.000 đồng/kg và 68.000 đồng/kg. Hà Nam tiếp tục giao dịch tại mức 65.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Hà Nội là địa phương ghi nhận mức giá lợn hơi cao nhất khu vực 71.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay điều chỉnh tăng/giảm trái chiều và dao động trong khoảng 62.000 - 67.000 đồng/kg. Trong đó, Lâm Đồng hiện thu mua lợn hơi với giá 64.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với hôm qua. Ở chiều ngược lại, sau khi tăng 3.000 đồng/kg, giá lợn hơi hôm nay ở Bình Thuận đang giao dịch trong khoảng 62.000 đồng/kg. Ghi nhận mức tăng giá cao nhất 5.000 đồng/kg, giá lợn hơi hôm nay tại Đắk Lắk ở mức 63.000 đồng/kg. Các địa phương gồm Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hòa tiếp tục neo tại ngưỡng cao nhất khu vực là 67.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay điều chỉnh giảm ở một số địa phương và dao động trong khoảng 62.000 - 70.000 đồng/kg. Cụ thể, Cần Thơ giảm 2.000 đồng/kg, đưa giá lợn hơi xuống mức 64.000 đồng/kg, ngang bằng Đồng Nai và Long An. Cùng giảm 2.000 đồng/kg còn có Tiền Giang, hiện thương lái đang giao dịch ở mức 65.000 đồng/kg. Nhiều tỉnh thành còn lại tiếp tục duy trì giao dịch quanh ở mức 65.000 đồng/kg, gồm Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh,... Hiện tại, Cà Mau là địa phương ghi nhận mức giá cao nhất khu vực 70.000 đồng/kg.

Giá thực phẩm ngày 19/8: Giá lợn hơi biến động trái chiều, lúa gạo đi ngang
Giá lợn hơi ngày 19/8 giảm nhẹ tại khu vực miền Bắc, miền Nam và biến động trái chiều tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh minh hoạ.

Từ đầu tháng 8/2022 đến nay, giá lợn hơi tại các tỉnh trên cả nước không có nhiều biến động, giá giảm so với cuối tháng trước. Hiện giá lợn hơi trên toàn quốc dao động từ 62.000 - 71.000 đồng/kg, giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2022, giá giảm do nhu cầu trên thị trường yếu, các trường học vẫn chưa bước vào năm học mới và Chính phủ yêu cầu bình ổn giá thịt lợn.

Trước diễn biến giá thịt lợn và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao thời gian qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá thịt heo; quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, đồng thời không để thiếu hụt thịt lợn, giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt lợn qua biên giới.

Thời gian tới, dự báo giá lợn hơi sẽ dao động quanh ngưỡng 70.000 đồng/kg, vào cuối năm giá lợn hơi có thể sẽ tăng do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng, hơn nữa giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao khiến chi phí chăn nuôi tăng.

Trên thị trường thế giới, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tháng 7/2022, Trung Quốc chi 3,06 tỷ USD nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm thịt, tăng 3,4% so cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 7 tháng năm 2022, quốc gia này nhập khẩu 4,1 triệu tấn thịt, trị giá 17,03 tỷ USD.

CNBC đưa tin, thịt lợn – một trong những thực phẩm chính của Trung Quốc – giá đã tăng hơn 20% trong tháng 7 so với một năm trước đó. Đây là lần tăng giá thịt lợn đầu tiên kể từ tháng 9/2020 tại đất nước này. Giá thịt lợn đã tăng vọt 25,6% so với tháng 6, đánh dấu mức tăng hàng tháng cao nhất từ trước tới nay. Đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trung Quốc cho thấy, nguồn cung lợn hơi trong các tháng cuối năm 2022 được đảm bảo và giá cả sẽ không tăng mạnh. Giá lợn tại Trung Quốc liên tục giảm trong mấy tuần gần đây, nhưng cơ quan chức năng Trung Quốc vẫn đang cân nhắc xả kho dự trữ để tiếp tục hạ nhiệt giá thịt lợn.

Giá lúa gạo ngày 19/8

Giá lúa gạo hôm nay 19/8 duy trì ở mức ổn định so với hôm qua. Theo đó, lúa Đài thơm 8 5.800 – 6.000 đồng/kg; lúa OM 18 5.800 – 6.000 đồng/kg; Nàng hoa 9 duy trì ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; IR 504 ở mức 5.300 – 5.450 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 – 5.600 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg. Hiện nay, tại các địa phương, giao dịch gạo OM 18 hè thu ảm đạm, nhà máy chủ động chào giá bán giảm lại.

Với mặt hàng nếp, nếp tươi An Giang 5.900 – 6.100 đồng/kg; nếp tươi Long An 6.200 – 6.400 đồng/kg; nếp An Giang khô 7.500 – 7.600 đồng/kg; nếp Long An khô 7.700 đồng/kg. Theo các thương lái, nhu cầu mua nếp An Giang sôi động hơn, giá gạo và lúa nếp đều nhích.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm đi ngang sau phiên điều chỉnh giảm. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu ở mức 8.050 – 8.100 đồng/kg; giá gạo thành phẩm 8.650 – 8.700 đồng/kg. Giá mặt hàng phụ phẩm chững lại. Hiện giá tấm IR 504 đứng ở mức 8.400; cám khô 8.200 – 8.300 đồng/kg.

Giá thực phẩm ngày 19/8: Giá lợn hơi biến động trái chiều, lúa gạo đi ngang
Giá lúa gạo hôm nay 19/8 duy trì ở mức ổn định so với hôm qua. Ảnh minh hoạ.

Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu duy trì ổn định. Hiện giá gạo 5% tấm ở mức 393 USD/tấn; gạo 25% tấm 378 USD/tấn, gạo 100% tấm 383 USD/tấn.

Theo Giám đốc xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Văn Hiếu, gạo Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với gạo Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ. Điều này khiến xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn rong bối cảnh chi phí đầu vào đều tăng cao. Bởi nếu bán với giá thấp thì người nông dân họ sẽ không còn mặn mà với việc trồng lúa nữa. Nhưng nếu bán với giá cao sẽ dẫn đến thị phần gạo Việt Nam trên thế giới sẽ bị mất về tay quốc gia khác.

Ông Phạm Quang Diệu, Công ty Agromonitor, cho biết hiện nay phân khúc gạo thơm của Việt Nam như các dòng gạo ST, Đài thơm 8, OM 18, Jasmines…đang có mức giá rất hấp dẫn nhưng rất tiếc là sản lượng còn ít (chiếm chưa đến 40%). Như vậy, để giảm bớt sự cạnh tranh thì Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển sang sản xuất gạo thơm, gạo phẩm cấp cao, gạo dinh dưỡng để đáp ứng yêu cầu của thị trường.