Theo Tổng cục Thống kê, giá lương thực, thực phẩm, giá xăng, dầu, giá thuê nhà tăng là những nguyên nhân chính làm Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10-2024 của cả nước tăng 0,33% so với tháng trước.
Ngày 6/11, Tổng cục Thống kê công bố số liệu Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,33% so với tháng trước; tăng 2,52% so với tháng 12.2023 và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng, CPI tăng 3,78% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng 0,33% của CPI tháng 10, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), sự gia tăng này cùng với một số yếu tố mới nổi lên phần nào đặt ra những thách thức cho việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm.
Nguyên nhân gia tăng CPI tháng Mười, bà Oanh cho biết đến từ nhiều yếu tố, bao gồm giá lương thực, thực phẩm tiếp tục gia tăng do ảnh hưởng bởi mưa bão. Cộng thêm, giá xăng dầu trong nước lên theo giá thế giới và giá nhà ở thuê “đắt đỏ” hơn.
Trong đó, nhóm giao thông tăng mạnh nhất với 0,66% (tác động làm CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm). Nguyên nhân chủ yếu do giá dầu diezen tăng 2,27%, giá xăng trong nước tăng 0,98% tới từ các đợt điều chỉnh giá trong tháng. Trong tháng 10 cũng ghi nhận giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 32,75% do nhu cầu của người tiêu dùng tăng.
Các nhóm hàng hóa có CPI tăng khác bao gồm nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,11%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,09%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%.
Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,11% chủ yếu do các nguyên nhân như giá gas tăng 1,17% là vì từ ngày 01/10/2024, giá gas trong nước điều chỉnh tăng theo giá gas thế giới; giá dầu hỏa tăng 1% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá thuê nhà tăng 0,73%; nước sinh hoạt tăng 0,24%. Ở chiều ngược lại, giá điện sinh hoạt giảm 2,02% do thời tiết mát nên nhu cầu tiêu dùng giảm.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,55%; trong đó, lương thực tăng 0,77%; thực phẩm tăng 0,66%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,19%.
Nhóm giáo dục tăng 0,48%; trong đó, giá dịch vụ giáo dục tăng 0,53% do một số trường mầm non tư thục, cao đẳng, nghề, trung cấp, đại học, sau đại học tăng học phí. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng có chính sách miễn giảm học phí nhằm hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng của bão, lũ như Quảng Ninh, Hà Giang, Yên Bái... Ngoài ra, giá bút viết tăng 0,13%; giá văn phòng phẩm, đồ dùng học tập khác tăng 0,09%; giá sản phẩm từ giấy và sách giáo khoa cùng tăng 0,07%.
Trong khi đó, nhóm duy nhất ghi nhận chỉ số giá giảm là bưu chính viễn thông, giảm 0,05%. Trong đó, phụ kiện máy điện thoại thông minh và máy tính bảng giảm 0,46%; giá máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 0,28%; giá máy điện thoại di động thông thường giảm 0,17%. Ngược lại, giá sửa chữa điện thoại tăng 0,4% do chi phí nhân công tăng.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 10 tăng 0,23% so với tháng trước, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 10 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,78%).
Nguyên nhân chủ yếu là do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Trong khi đó, chỉ số giá vàng tháng 10 tiếp tục tăng 5,96% so với tháng trước; tăng 29,97% so với tháng 12.2023; tăng 38,88% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 27,48%.
Giá USD cũng có sự biến động đáng kể. Chỉ số giá USD tháng 10 tăng 0,7% so với tháng trước; tăng 2,41% so với tháng 12.2023; tăng 1,89% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng, chỉ số giá USD tăng 5,1%.
© thitruongbiz.vn