Giá sầu riêng năm nay tăng mạnh từ 20-40%

Cụ thể: Sau khi được cấp phép xuất khẩu chính ngạch, giá sầu riêng đã tăng gấp rưỡi, từ 50.000 đồng lên khoảng 70.000 - 75.000 đồng/kg. Tham gia đợt xuất khẩu đầu tiên này, cả nước có 8 đơn vị, mỗi đơn vị đăng ký xuất khẩu từ 60 - 100 tấn.

Tại 1 trong 4 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu sầu riêng chính ngạch của tỉnh Đắk Lắk, những quả sầu riêng ở 23 vùng trồng được cấp mã số đang được chuyên chở về đây để gia công, đóng gói.

Quả sầu riêng khi về cơ sở đóng gói còn được phân loại đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, đó là: có mã số vùng trồng, trọng lượng khoảng 3 kg mỗi quả và đảm bảo kiểm dịch thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi quả sầu riêng cần được dán tem truy xuất nguồn gốc bao gồm tên cơ sở đóng gói, phải được thể hiện bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh để dễ đánh giá.

Các container vận chuyển sầu riêng phải mất 2 ngày đường bộ để có thể đến cửa khẩu Hữu Nghị. Nếu như trước đây sầu riêng phải đi đường biên mậu, đến các tỉnh như Vân Nam, Quảng Tây, hoặc phải qua trung gian là quốc gia Thái Lan mới có thể thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, thì nay sầu riêng có thể theo đường chính ngạch đến với nhiều tỉnh và thành phố hơn. Điều này mở ra cơ hội thâm nhập sâu và rộng hơn cho trái sầu riêng Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung vào thị trường Trung Quốc.

Theo nghị định thư giữa hai bên, sầu riêng Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả cửa khẩu của Trung Quốc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây.

Trung Quốc yêu cầu tất cả vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT và GACC phê duyệt.

Các cơ sở đóng gói phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc có thể truy xuất ngược đến vùng trồng, bao gồm thông tin ngày chế biến, đóng gói, tên hoặc mã số vùng trồng. Những lô hàng sầu riêng từ các vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc.

Sự kiện xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đầu tiên được tổ chức tại Đắk Lắk mới đây là niềm tự hào không chỉ của người trồng sầu riêng Đắk Lắk mà còn là niềm vui chung của người dân vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng bởi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất trên thế giới hiện nay.

Ông Đoàn Thanh Hải, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc có vườn sầu riêng khoảng 1ha, sản lượng năm nay ước đạt khoảng 20 tấn.

Với giá bán tại vườn thời điểm này khoảng 80.000 đồng/kg sẽ đem về cho ông Hải khoảng 1,6 tỷ đồng trong vụ sầu riêng năm 2022. Nhẩm tính, sau khi trừ mọi chi phí đầu tư, gia đình ông cũng thu về cả tỷ đồng - đây là mức thu nhập đáng mơ ước của những người làm nông nghiệp.

Ông Hải chia sẻ những năm gần đây, vườn sầu riêng đã được gia đình canh tác hoàn toàn theo hướng hữu cơ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Hiện nay, diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk trên 15 nghìn ha, là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn thứ 2 của cả nước sau tỉnh Tiền Giang, ước sản lượng thu hoạch năm 2022 là 170.000 tấn và ước sản lượng đến năm 2025 là trên 300.000 tấn. Sau quá trình chuẩn bị, bước đầu tỉnh Đắk Lắk đã được Tổng cục Hải Quan Trung Quốc phê duyệt 4 mã cơ sở đóng gói sầu riêng và 23 mã số vùng trồng (chiếm 45% mã số vùng trồng cả nước được phê duyệt), với diện tích 1.500 ha (chiếm 18,3% diện tích sầu riêng cho thu hoạch của tỉnh).