Được biết, HPR là "Tỷ số giá nhà trên thu nhập" (House Price to Income Ratio - HPR) mới cập nhật năm 2024 của nền tảng dữ liệu về chi phí sống Numbeo, trụ sở tại Serbia.

HPR là phương pháp phổ biến nhất và được sử dụng nhiều nơi trên thế giới khi đánh giá mức độ "hợp lý" về giá của nhà ở. Chỉ số này cũng được khuyến khích sử dụng bởi Ngân hàng Thế giới và Liên Hợp Quốc. HPR được tính bằng cách chia giá nhà trung bình cho thu nhập bình quân hàng năm hộ gia đình.

Kết quả này đồng nghĩa giá nhà trung bình toàn quốc gấp gần 24 lần thu nhập trung bình một năm của hộ gia đình người Việt. Trong khi đó, chỉ số này theo các chuyên gia sẽ lý tưởng ở mức từ 5-7 lần.

Giá nhà tại Việt Nam gấp 23,7 lần thu nhập của người dân và ngày càng tăng
Theo chuyên gia, cải thiện nguồn cung được xem là cách bền vững để bình ổn giá mua và thuê.

Dù Numbeo không công bố dữ liệu đầu vào để tính toán nhưng từ một số nguồn dữ liệu công bố gần đây có thể tham khảo. Ví dụ, "Khảo sát mức sống dân cư năm 2022" của Tổng cục Thống kê cho biết trung bình mỗi hộ gia đình Việt Nam là 3,6 nhân khẩu. Trong đó có 2,1 nhân khẩu lao động tạo ra thu nhập với bình quân 4,67 triệu đồng mỗi người mỗi tháng.

Như vậy, ước tính thu nhập bình quân hàng năm mỗi hộ gia đình năm 2022 là 117,6 triệu đồng. Theo Numbeo, HPR Việt Nam năm 2022 là 20,5. Kết hợp 2 nguồn dữ liệu này cho thấy giá nhà trung bình vào thời điểm đó khoảng 2,4 tỷ đồng mỗi căn (tính chung tất cả loại nhà).

Cũng theo báo cáo của Numeo, bất hợp lý giữa giá nhà và thu nhập tại Việt Nam ngày càng tăng, thể hiện qua HPR tại Việt Nam năm nay đã tăng 20,54% so với 2019 (HPR 2019 đạt 19,66). Tuy nhiên, hãng dịch vụ bất động sản Avison Young Việt Nam cho rằng giá nhà ngày càng xa tầm với của người dân là thực trạng chung ở nhiều quốc gia chứ không riêng Việt Nam.

Giai đoạn 2019-2024, các quốc gia châu Á lân cận như Philippines, Indonesia đều có HPR tăng nhanh hơn Việt Nam, lần lượt 23,69% và 36,83%. Ngược lại, một số nơi đang có tốc độ tăng HPR thấp hơn Việt Nam như Thái Lan (20,76%) hay Hàn Quốc (13,21%).

Tuy nhiên, giá nhà Singapore chỉ còn gấp 14,9 lần thu nhập năm nay, so với mức 21,56 vào 2019. Hay tại Hong Kong, giá nhà từng gấp 49,4 lần thu nhập hồi 5 năm trước hiện giảm còn 32,1 lần. Tại Trung Quốc đại lục, giá nhà gấp 29 lần thu nhập vào 2019 và giữ nguyên mức này vào năm nay.

Trước đó, báo cáo thị trường bất động sản và nhà ở TP HCM và vùng phụ cận năm 2023 do DKRA vừa công bố, cho dù nguồn cung và giao dịch ở tất cả các phân khúc bất động sản đều giảm mạnh so với các năm trước thì mức giá ở nhiều phân khúc hầu như vẫn giữ nguyên.

Cụ thể, thị trường đất nền, mặt bằng giá sơ cấp ghi nhận mức giảm 10 - 13% so với năm 2022. Thị trường thứ cấp ghi nhận mức giảm 13 - 17% so với đầu năm 2023, tuy nhiên mức giảm này diễn ra cục bộ ở nhóm khách hàng sử dụng vốn vay, cũng như tại một số dự án có quy mô lớn chưa hoàn thiện hạ tầng, pháp lý.

Với phân khúc căn hộ, mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động so với đầu năm 2023, tuy nhiên các chủ đầu tư đã đẩy mạnh áp dụng nhiều chính sách chiết khấu thanh toán nhanh, ân hạn gốc, lãi vay... nhằm kích cầu thị trường.

Trong khi đó, thanh khoản thứ cấp vẫn ở mức thấp, mặt bằng giá thứ cấp giảm khoảng 3-8% so với cuối năm 2022.

Đối với các phân khúc còn lại là nhà phố, biệt thự, biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse, condotel... ghi nhận mức giá giữ nguyên hoặc giảm 8 - 10%, nhưng đây là các phân khúc hoặc có giá quá cao hoặc dành cho mục đích đầu tư nghỉ dưỡng nên không phù hợp với người có nhu cầu ở thực.

Ngay cả đối với phân khúc cho người cần có chỗ ở (căn hộ, đất nền vùng ven) thì mức giá cũng quá cao và hầu như không có các dự án nhà ở giá trung bình thấp ra thị trường nữa.