Chỉ số giá thực phẩm FAO đạt trung bình 117,3 điểm trong tháng 2, giảm 0,7% so với tháng 1 và 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, Chỉ số giá ngũ cốc giảm 5% trong tháng 2 và xuống mức thấp hơn 22,4% so với tháng 2/2023. Giá ngô xuất khẩu giảm mạnh nhất trong bối cảnh kỳ vọng về vụ thu hoạch bội thu ở Nam Mỹ và giá cạnh tranh Ucraina đưa ra, trong khi giá lúa mì giảm chủ yếu do tốc độ xuất khẩu mạnh mẽ từ Liên bang Nga. Giá gạo cũng giảm 1,6% trong tháng 2.

Giá lương thực thực phẩm thế giới giảm 7 tháng liên tiếp

Chỉ số giá dầu thực vật giảm 1,3% so với tháng 1 và giảm hơn 11% so với tháng 2/2023. Giá dầu đậu nành giảm mạnh do bởi triển vọng sản lượng đậu nành dồi dào ở Nam Mỹ, trong khi nguồn cung dầu hướng dương và hạt cải dầu dư dả đã làm giá giảm. Giá dầu cọ thế giới tăng nhẹ trong tháng 2 do sản lượng theo mùa giảm.

Ngược lại, Chỉ số giá đường đã tăng 3,2% trong tháng 2. Sự gia tăng này phản ánh những lo ngại dai dẳng về sản lượng sắp tới của Braxin sau một thời gian dài có lượng mưa dưới mức trung bình cũng như dự báo sản lượng giảm ở Thái Lan và Ấn Độ, hai nước xuất khẩu hàng đầu.

Chỉ số giá thịt tăng 1,8% so với tháng trước, với giá thịt gia cầm tăng nhiều nhất, tiếp theo là giá thịt bò, bị ảnh hưởng bởi mưa lớn làm gián đoạn hoạt động vận chuyển gia súc ở Úc. Giá thịt lợn tăng nhẹ do nhu cầu cao hơn từ Trung Quốc và nguồn cung thắt chặt ở Tây Âu. Giá thịt cừu giảm một phần do sản lượng đạt kỷ lục sau khi tái đàn ở Úc.

Chỉ số giá sữa tăng 1,1%, do nhu cầu nhập khẩu bơ của các khách hàng châu Á tăng cao. Giá sữa bột và phô mai cũng tăng nhẹ.