Giá cà phê ngày 3/1

Giá cà phê hôm nay 03/01/2022 tại các vùng trồng trọng điểm đi ngang so với cùng thời điểm sáng hôm qua. Hiện cà phê đang gia dịch trong khoảng 40.800 - 41.600 đồng/kg.

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.700 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.500 đồng/kg.

Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 41.400 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 41.400 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 41.300 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 41.400 đồng/kg (Chư Prông).

Ở Pleiku và La Grai cùng giá 41.300 đồng/kg.

Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 41.300 đồng/kg.

Giá cà phê và hồ tiêu ngày 3/1: Thị trường đi ngang

Thị trường cà phê thế giới đang trong kỳ nghỉ lễ năm mới 2022. Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2022 giảm 2 USD/tấn ở mức 2.488 USD/tấn, giao tháng 3/2022 giảm 3 USD/tấn ở mức 2.370 USD/tấn.

Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2022 giảm 2,75 cent/lb, ở mức 226,1 cent/lb, giao tháng 5/2022 giảm 2,8 cent/lb, ở mức 226 cent/lb.

Tổng kết tuần, thị trường trong nước nhìn chung có xu hướng đi xuống. Các tỉnh thành ghi nhận mức giảm 200 - 300 đồng/kg so với đầu tuần. Trong khi đó, giá cà phê Robusta trên sàn London tiếp tục tăng. Giá cà phê Robusta giao tháng 1/2022 tăng 26 USD/tấn, giao tháng 3/2022 tăng 17 USD/tấn. Trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2022 giảm 5,1 cent/lb, giao tháng 5/2022 giảm 5,1 cent/lb.

Nhận định của các chuyên gia, giá cà phê trên sàn phái sinh London càng về cận cuối năm 2021 càng tăng cao. Đóng cửa giá cà phê trên sàn Robusta London - nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng làm tham chiếu - chốt phiên cuối cùng của năm cũ tại 2.370 đô la Mỹ/tấn, nằm trong vùng cao nhất tính từ hơn 10 năm nay. Dù giá phái sinh tăng tốt như thế, thị trường trong nước vẫn chưa nhúc nhích bao nhiêu, thậm chí còn có xu hướng giảm những ngày cuối năm. Giá cà phê trong nước tăng không lại giá xăng, giá phân bón, giá nhân công...

Ảnh hưởng dịch Covid-19 vẫn bao trùm thị trường cà phê trong và ngoài nước. Khủng hoảng logistics như thiếu containers rỗng và chỗ trên tàu đã hạn chế đường ra của cà phê năm 2021. Mới đây, thông tin thị trường cho biết một số container bán chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã bị chặn lại do phía nước nhập khẩu lấy lý do lo ngại lây lan dịch Covid-19. Điều này cho thấy nhà vườn và các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê Việt Nam không chỉ gặp khó khăn với thị trường xa mà cả thị trường gần. Do vậy, dù giá tham chiếu trên sàn phái sinh có tăng, nhưng tình hình kinh doanh ở Việt Nam khá ảm đạm.

Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu dự báo về trung hạn, thị trường cà phê toàn cầu tiếp tục được hỗ trợ bởi các báo cáo sản lượng giảm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Xu hướng giá tăng sẽ kéo dài cho đến hết năm 2022. Để đối phó với tình trạng giá trong nước đi ngược thế giới, hiện các nhà sản xuất cà phê đang đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa. Bên cạnh đó khuyến khích sản xuất cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản bằng cách thu hái 95 - 100% cà phê chín.

Trong khi nhà vườn chỉ bán cà phê xá tại các điểm thu mua xuất khẩu với giá 41 - 42 triệu đồng/tấn, thì một số quán cà phê trong nước liên kết với nhà vườn mua cà phê được thu hái kỹ, chọn với giá từ 80 - 100 triệu đồng/tấn. Tỷ lệ cà phê được hái chín hái chọn hiện nay chưa nhiều, ước chỉ chừng trên dưới 10% của tổng sản lượng 1,8 triệu tấn, nhưng giá thu mua cao hơn gấp đôi hoặc hơn nữa.

Giá hồ tiêu ngày 3/1

Giá hồ tiêu hôm nay không có biến động so với cuối tuần trước, ổn định trong khoảng 79.500 - 82.000 đồng/kg

Với mức 79.500 đồng/kg, Gia Lai và Đồng Nai là hai địa phương ghi nhận mức giá thấp nhất.

Hồ tiêu tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông hiện đang được giao dịch chung mức 80.500 đồng/kg.

Tương tự, hai tỉnh Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt thu mua ổn định tại mức 81.000 đồng/kg và 82.000 đồng/kg.

Giá cà phê và hồ tiêu ngày 3/1: Thị trường đi ngang

Như vậy, kết thúc tuần cuối năm 2021, thị trường trong nước tăng 2.000 đồng/kg tại các tỉnh Tây Nguyên, tăng 2.500 đồng/kg ở khu vực Đông Nam Bộ. Tổng kết năm giá tiêu nội địa tăng 51 - 54%.

Năm 2021 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ trở lại của ngành hồ tiêu Việt Nam. Về nguyên nhân chính được cho là diện tích, sản lượng hồ tiêu Việt Nam liên tục sụt giảm, trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu trên thế giới đang có xu hướng phục hồi trở lại.

Nhưng thị trường hồ tiêu Việt Nam thiếu tính bền vững, dễ bị chi phối. Và dù có sản lượng áp đảo trên thế giới, hồ tiêu Việt vẫn chưa có vị thế xứng đáng trên thị trường quốc tế.

Hiệp hội Thương nhân, Người trồng Hồ tiêu và Gia vị Ấn Độ cho biết, lượng tiêu nhập khẩu nhiều từ Sri Lanka đã giới hạn giá tiêu nội địa ở Ấn Độ.

Vào đầu tháng 12/2021, giá tiêu tại nước này đã chạm mức cao kỷ lục 532 rupee/kg, trước khi giảm trở lại do lượng tiêu Sri Lanka nhập khẩu tràn vào.

Các thương nhân chỉ ra rằng, lượng tiêu nhập khẩu sẵn có ở nhiều thị trường tiêu thụ ngày càng tăng đã khiến giá nội địa giảm, đóng cửa ở mức 515 rupee/kg tại Kochi vào giữa tháng 12/2021.

Các lô hàng tiêu có giá nhập khẩu tối thiểu là 500 rupee/kg với 8% thuế nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại Tự do Nam Á (SAFTA) và 2% thuế phúc lợi xã hội.

Theo ông Kishor Shamji, Điều phối viên của Hiệp hội tại Kerala, nhập khẩu hạt tiêu đen của Ấn Độ vào tháng 11/2021 đạt mức cao kỷ lục 1.814 tấn, bao gồm 39 tấn không thuế theo Hiệp định Thương mại Tự do Indo-Sri Lanka (ISFTA).

Ông cho biết, đây là mức cao kỷ lục trong vòng ba năm qua. Vào tháng 11/2020, sản lượng tiêu đen nhập khẩu là 454 tấn, và đạt mức 230 tấn vào 11/2019, theo The Hindu Business Line.