Trong khi hầu hết người Mỹ nói rằng các cặp vợ chồng nên nói chuyện thành thật về tiền bạc trước khi sống cùng nhau thì Gen Z và Gen Y (thế hệ Thiên niên kỷ) tin rằng cuộc trò chuyện nên diễn ra sớm hơn thế.

Cuộc nghiên cứu của công ty tư vấn tài chính Mỹ Northwestern Mutual diễn ra vào khoảng tháng 2 và 3 năm 2023, dựa trên cuộc phỏng vấn trực tuyến với 2.740 người trưởng thành tại Mỹ.

Gen Z đặt rõ vấn đề tiền bạc trước khi mối quan hệ trở nên nghiêm túc
Trò chuyện về tài chính cá nhân từ sớm giúp mối quan hệ có thể thành công hơn về lâu dài. (Nguồn: Getty)

Chuyên gia tài chính Kyle Menke, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Menke Financial, công ty đối tác liên kết với Northwestern Mutual, nhận định: “Gen Y và Gen Z đang trải qua rất nhiều sự kiện khác nhau và chúng cũng thay đổi rất nhanh. Điều này khiến những cuộc trò chuyện trung thực về tiền bạc thực sự quan trọng đối với họ”.

Cụ thể, hai thế hệ này đề đã trải qua nhiều đợt bất ổn về thị trường và kinh tế trong những năm trưởng thành của họ, từ cuộc Đại suy thoái 2007 – 2009 đến đại dịch COVID-19.

Các chuyên gia cho biết, cởi mở và trung thực với đối phương là trọng tâm trong ngôn ngữ của tình yêu, và điều đó bao gồm cả việc thành thật về vấn đề tài chính cá nhân.

Ở tất cả các thế hệ, 72% người Mỹ tin rằng các cặp vợ chồng nên nói chuyện về tài chính trước khi sống chung, theo số liệu của Northwestern Mutual.

Menke nói: “Tiền bạc, dù chắc chắn không phải là thứ quan trọng nhất trong cuộc sống, nhưng lại có tác động đáng kể đến nhiều mặt của cuộc sống”.

Đồng quan điểm, Sophia Bera Daigle, người sáng lập Gen Y Planning, cho rằng có nhiều vấn đề có thể dẫn đến sự bất đồng cơ bản trong mối quan hệ lâu dài, chẳng hạn như “bạn đời tiềm năng có cách chi tiêu và quản lý tiền bạc hoàn toàn khác với bạn”. “Nhiều người đã không nghĩ về điều đó trước khi chuyển đến sống cùng nhau và bắt đầu nghĩ về một cuộc sống lâu dài với đối tác tình cảm của mình”, Daigle chia sẻ với CNBC.

Theo nghiên cứu của Northwestern Mutual, khoảng 32% cặp vợ chồng Gen Z gặp khó khăn trong việc cân bằng thu chi gia đình khi họ có thu nhập khác nhau.

Bên cạnh đó, 31% người được khảo sát cho biết các cặp đôi có mức độ chấp nhận rủi ro tài chính khác nhau, điều này khiến các quyết định đầu tư trở nên phức tạp.

Một cuộc khảo sát vào tháng 2 của Bread Financial cho thấy 64% các cặp đôi nói rằng họ “không tương thích về mặt tài chính” với bạn đời của mình. Trong đó, 18% thuộc Gen Z và 17% thuộc Gen Z cho rằng sự không tương thích là lý do chính dẫn đến chia tay.

Menke nói rằng việc trò chuyện về tiền bạc ngay từ đầu trong mối quan hệ có thể giúp cả hai tìm hiểu thói quen và mục tiêu của người kia có phù hợp với mình hay không. Tất nhiên, “việc tìm hiệu xem cả hai có hợp nhau không sẽ tạo nền tảng cho các mối quan hệ lâu dài và hoà hợp”, ông nói.

Nếu cả hai bên tạo thói quen nói về tiền bạc, khả năng tương thích tài chính của họ được cải thiện theo thời gian, Northwestern Mutual cũng phát hiện trong nghiên cứu của mình. Cụ thể, các cặp đôi đã ở bên nhau 5 năm có khả năng tương thích về tài chính cao hơn những cặp đôi mới quen.

Đặc biệt, những người thuộc thế hệ Baby Boomer cũng rất quan tâm đến vấn đề tài chính cá nhân, thậm chí hơn hẳn các thế hệ khác.

“Thế hệ Baby Boomer thường xuyên trò chuyện về tài chính, dù là trước hay sau khi kết hôn. Khi họ bắt đầu thành thật đặt ra các vấn đề và mâu thuẫn về quan điểm tài chính, họ sẽ hướng tới giải quyết những mâu thuẫn đó. Dù ở thời điểm nào, điều quan trọng là các cặp đôi nên bắt đầu những cuộc trò chuyện về tài chính cá nhân ở ngưỡng cửa bắt đầu”, Menke cho hay.