Kinh tế thế giới chịu tác động gì từ chính sách của Fed?

Có cả những tác động tích cực và tiêu cực tùy vào bối cảnh kinh tế, đối tượng và mục tiêu khi Fed chính sách thay đổi lãi suất.

Fed tăng giảm lãi suất tác động gì đến kinh tế thế giới và Việt Nam?
Fed được coi là ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới.

Giai đoạn Fed tăng lãi suất

Sau đại dịch Covid-19 và lạm phát gia tăng đáng kể, Fed đã nhiều lần tăng lãi suất. Trong lịch sử, lãi suất tăng luôn song hành với đồng USD tăng giá. Đổi lại, điều này ảnh hưởng đến các khía cạnh kinh tế trong nước và trên thế giới - đặc biệt là thị trường tín dụng, hàng hóa, cổ phiếu và cơ hội đầu tư

Những thay đổi về lãi suất của Fed tác động trực tiếp đến giá trị Trái phiếu Kho bạc Mỹ, trái phiếu kho bạc được coi là tài sản phi rủi ro, bất kỳ thị trường chứng khoán nào khác sẽ phải mang lại lợi tức cao hơn để duy trì sức hấp dẫn. Với lãi suất tăng, các nhà đầu tư toàn cầu đổ tiền vào Mỹ, các thị trường mới nổi sẽ cảm thấy rất khó khăn vì áp lực duy trì sức hấp dẫn, điều này có thể cản trở mức độ tăng trưởng việc làm ở các quốc gia đang phát triển, cùng với tỉ giá hối đoái và xuất khẩu.

Nhiều quốc gia thường xuyên có thâm hụt thương mại, được bù đắp bằng đồng USD. Trường hợp lãi suất của Mỹ tăng khi đồng USD tăng giá, tỉ giá hối đoái giữa các quốc gia đang phát triển và Mỹ có xu hướng mở rộng. Kết quả là, các khoản nợ ngoại tệ của các quốc gia đang phát triển tăng lên và trở nên không thể quản lý được.

Thị trường tín dụng và cho vay bị co lại khi lãi suất cao hơn dẫn đến giảm cung tiền và tăng giá đồng USD. Đồng thời, thị trường cho vay và tín dụng cũng co lại. Thị trường tín dụng toàn cầu theo dõi các chuyển động của Trái phiếu Kho bạc Mỹ. Khi lãi suất tăng, chi phí tín dụng cũng tăng theo. Từ các khoản vay ngân hàng đến các khoản thế chấp, việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn. Do đó, chi phí vốn gia tăng có thể cản trở tiêu dùng và sản xuất.

Thị trường hàng hóa, như dầu, vàng, bông và các hàng hóa toàn cầu khác, được định giá bằng USD. Khi USD tăng sẽ làm tăng giá hàng hóa đối với những người không nắm giữ đồng USD. Các nền kinh tế dựa chủ yếu vào sản xuất hàng hóa và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú sẽ gặp khó khăn hơn. Khi các sản phẩm công nghiệp chính giảm giá trị, dòng tín dụng khả dụng của họ sẽ bị thu hẹp.

Về ngoại thương, lãi suất từ Fed tăng sẽ có lợi cho thương mại quốc tế. Đồng USD mạnh hơn đi kèm với việc tăng lãi suất thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm trên toàn thế giới, lợi nhuận doanh nghiệp cho các công ty trong và ngoài nước tăng theo USD. Lợi nhuận tăng đột biến dẫn đến thị trường chứng khoán phục hồi phản ánh niềm tin nhà đầu tư khi lợi nhuận doanh nghiệp tăng.

Fed tăng giảm lãi suất tác động gì đến kinh tế thế giới và Việt Nam?
Các nền kinh tế thế giới rất quan tâm đến các chính sách của Fed. (Nguồn: CNBC)

Giai đoạn FED giảm lãi suất

Việc cắt giảm lãi suất cho phép người tiêu dùng chi tiêu mua sắm, du lịch, dịch vụ nhiều hơn. Đồng nghĩa với việc cung cấp một cơ hội khác để tái tài trợ các khoản thế chấp của họ với lãi suất thấp hơn. Hiểu đơn giản việc Fed giảm lãi suất sẽ kích thích chi tiêu của người tiêu dùng. Khi lãi suất hạ quá nhanh có thể tạo áp lực đẩy lạm phát cao hơn.

Các ngân hàng tìm cách vay tiền với lãi suất ngắn hạn và cho vay với lãi suất dài hạn. Nếu lãi suất giảm, họ sẽ kiếm được ít hơn khi cho vay. Điều này sẽ làm nén biên lãi ròng và ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng lợi nhuận.

Với thị trường chứng khoán, lãi suất hạ nhằm tăng lực đẩy cho nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại , đúng như kỳ vọng của các nhà đầu tư chứng khoán, tác động tích cực tới thị trường này.

Lãi suất là chỉ báo cơ bản cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tại Mỹ, động thái tăng lãi suất của FED dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng và sự hưng phấn của các nhà đầu tư, đồng thời làm dịu nền kinh tế. Lãi suất cao hơn có thể giúp nền kinh tế tránh được bong bóng tài sản được thúc đẩy từ tiền rẻ. Mặc dù mối quan tâm chính của FED là nền kinh tế Mỹ, nhưng cơ quan này cũng chú ý đến tác động của việc tăng lãi suất đối với thương mại quốc tế, thị trường hàng hóa và tín dụng toàn cầu.

Fed tăng giảm lãi suất ảnh hưởng gì đến kinh tế Việt Nam?

Fed tăng giảm lãi suất tác động gì đến kinh tế thế giới và Việt Nam?
Việc tăng giảm lãi suất của Fed có thể gây hiệu ứng dây chuyền trên khắp phần còn lại của thế giới, bao gồm cả kinh tế Việt Nam.

- Việc giảm lãi suất của Fed có thể đem đến cả tác động tích cực và tiêu cực tới kinh tế Việt Nam

Về mặt tích cực, mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất huy động bằng USD sẽ giảm hơn so với trước đây. Qua đó góp phần giảm chi phí huy động vốn của Chính phủ cũng như doanh nghiệp Việt Nam khi đi huy động vốn nước ngoài, nhất là trái phiếu quốc tế. Ngoài ra, việc giảm lãi suất sẽ khiến đồng USD bị yếu đi một chút, như vậy sẽ bớt đi áp lực tỷ giá đối với VND.

Về khó khăn, Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất chứng tỏ nền kinh tế của thế giới nói chung và Mỹ nói riêng trở nên bất ổn và khó khăn hơn. Điều này sẽ tác động tới nền kinh tế Việt Nam qua việc giảm nhu cầu về thương mại, hoạt động đầu tư, trong tương lai có thể Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn, khó khăn nhiều hơn.

Việc tăng lãi suất của Fed có thể tác động không nhiều tới kinh tế Việt Nam

+ Thương mại quốc tế: Đa số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là hàng tiêu dùng thiết yếu, như hàng dệt may, da giày, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Ở các nước khi suy thoái, người dân vẫn phải sử dụng những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu này. Thêm nữa, giá trị các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đối với chi tiêu của các nước trên thế giới không lớn nên kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều.

+ Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Việt Nam được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn do hệ thống chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định. Trong thời gian tới dòng vốn FDI có chất lượng hơn, với công nghệ cao sẽ đổ vào Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao, cơ khí chính xác.

Fed tăng giảm lãi suất tác động gì đến kinh tế thế giới và Việt Nam?
Việt Nam được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn. (Ảnh minh hoạ)

+ Tỷ giá VND/USD tăng nhẹ trong thời gian qua đã góp phần tăng tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của nước ta. Tuy vậy, kinh tế nước ta phụ thuộc khá lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Khi USD tăng giá trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tác động không nhỏ tới ổn định sản xuất và gia tăng tác động của lạm phát chi phí đẩy do nhập khẩu lạm phát.

+ Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp sẽ tăng lên. Hiện nay, mức vay nợ nước ngoài tự vay, tự trả của Việt Nam vẫn trong khuôn khổ an toàn nợ nước ngoài của quốc gia và đóng góp quan trọng trong việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế. So với nhóm các nước trong khu vực, nợ nước ngoài tự vay, tự trả của Việt Nam vẫn ở mức trung bình. Tuy vậy, vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tăng cao, khi Fed tăng lãi suất, khu vực doanh nghiệp sẽ tăng gánh nặng trả nợ vay nước ngoài.

Do đó, để nền kinh tế Việt Nam không lỡ nhịp với các cơ hội trong nước và quốc tế, vai trò điều phối của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan rất quan trọng, nhằm chủ động nắm chắc tình hình, rà soát, nhận diện các cơ hội và thách thức, kịp thời đưa ra những chính sách, giải pháp phù hợp.

FED là gì?

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Federal Reserve System – Fed) được xây dựng theo mô hình của Trung tâm xử lý thanh toán New York (New York Clearinghouse) tồn tại ở New York trong suốt thế kỷ 19 và 20.

Hệ thống Ngân hàng trung ương Mỹ (hay còn gọi là Cục Dự trữ liên bang, hoặc FED) là thể chế kinh tế quyền lực nhất tại Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Những nhiệm vụ cốt lõi của cơ quan này bao gồm thiết lập lãi suất, quản lý nguồn cung tiền, cũng như điều tiết thị trường tài chính.

FED cũng đóng vai trò là người cho vay tiền cuối cùng trong những khoảng thời gian khủng hoảng kinh tế. Khi kinh tế Mỹ phục hồi, và lạm phát tăng cao đã thu hút sự chú ý của Ngân hàng trung ương, FED cũng là một trong những thể chế chính phủ Mỹ độc lập nhất về mặt chính trị, và từ rất lâu đã gây căng thẳng với các nhà lập pháp và Tổng thống bao gồm cả chủ nhân Nhà Trắng.